Thông tin được đưa ra tại Hội thảo cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến mua bán, sử dụng thuốc lá mới do Bộ Y tế vừa tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: tại Việt Nam trong ba năm trở lại đây, số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng. Theo kết quả nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế thực hiện năm 2020, tỷ lệ học sinh hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp từ 8 - 12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10 - 12 là 12,6%. Cũng theo kết quả khảo sát này, năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2%, đến năm 2020 đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%.
Riêng đối với phụ nữ và trẻ em gái, cũng theo kết quả điều tra của Viện Chiến lược và chính sách y tế - Bộ Y tế cho thấy có tới 8% phụ nữ và trẻ em gái hút thuốc lá điện tử, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ chỉ có 1,2%.
"Hút thuốc lá điện tử ở trẻ em gái độ tuổi vị thành niên, thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ gây ra các hệ lụy về sức khỏe sinh sản và chất lượng giống nòi. Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác" - Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khoẻ và đến nay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây nguy hại đối với sức khoẻ cộng đồng tương tự thuốc lá điếu thông thường, nhưng do đặc tính của sản phẩm thuốc lá mới này khác biệt so với các đặc điểm của thuốc lá truyền thống nên không thể áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 cho các sản phẩm này.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm cũng cảnh báo nếu cho phép các loại thuốc lá mới lưu hành chính thống sẽ làm tăng nhanh tỉ lệ sử dụng, dẫn tới nghiện nicotin và sử dụng thuốc lá thông thường ở giới trẻ; tăng nguy cơ lạm dụng ma tuý với thuốc lá điện tử; nguy cơ biến tướng quảng cáo, khuyến mại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; nguy cơ quá tải, quá khả năng về năng lực quản lý...
"Hiện tại, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán tại Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo duy trì và tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và buôn bán để ngăn chặn, hạn chế tiếp cận nhằm ngăn ngừa sự gia tăng tỉ lệ sử dụng trong giới trẻ" - bác sĩ Lâm khuyến cáo.
TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian qua trung tâm tiếp nhận rất nhiều trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử. Điển hình là nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não, tổn thương gan do hút thuốc lá điện tử.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch do tổn thương và suy nhiều cơ quan, trong đó nặng nhất là tổn thương não lan tỏa tại tất cả các vị trí. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị tổn thương và suy tim nặng, suy thận, tổn thương gan... Người nhà bệnh nhân cho biết con gái đi chơi với bạn và lần đầu hút thuốc lá điện tử. Sau khi hút thuốc, con bị bất tỉnh, hôn mê sâu.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, từ đầu năm 2023 đến nay, kết quả xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân bị ngộ độc có mang đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong quá trình cấp cứu, điều trị đã phát hiện tới 13 mẫu có thành phần ma tuý, chất cần sa tổng hợp, trong đó có những loại ma tuý thế hệ mới, là chất độc.
Tại hội thảo,TS.BS. Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, kết quả Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13-15 tuổi năm 2021-2022 của Bộ Y tế cho thấy, có hơn 60% thanh thiếu nhiên được người khác cho thuốc lá điện tử; hơn 20% mua trên mạng internet và khoảng 2% mua từ chính bạn học.
Việc tiếp cận thuốc lá điện tử hiện nay quá dễ dàng, có hơn 18,4% thanh thiếu niên (16,3% nam, 20% nữ) đã nhìn thấy thông tin quảng cáo, tiếp thị thuốc lá điện tử. Các cách thức quảng cáo, tiếp thị sản phẩm này chủ yếu nhắm vào giới trẻ, sử dụng các kênh thông tin phổ biến của giới trẻ, sử dụng thanh thiếu niên để quảng cáo.
Do đó, TS.BS. Nguyễn Thị An cho rằng, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên, không nên cho phép thí điểm lưu hành các sản phẩm này trên thị trường.
Tại hội thảo, Ths. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nêu rõ quan điểm, định hướng đề xuất chính sách của Bộ Y tế là bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỉ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên nên nhà nước cần phải bảo vệ giới trẻ.
"Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện; đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá thông thường" - bà Trần Thị Trang nhấn mạnh.
Tại hội thảo, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới, các bệnh viện và nhiều Bộ, ngành đề nghị Việt Nam không nên cho phép thí điểm lưu hành các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường nhằm ngăn chặn sự bắt đầu của những người không hút thuốc, trẻ vị thành niên, đồng thời bảo vệ mọi người khỏi bị phơi nhiễm với khói thuốc lá nung nóng.
Theo VTV.VN
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo ngành Y tế thành phố kích hoạt trở lại "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ".
Bác sĩ khuyến cáo, với nhóm người nguy cơ cao mắc COVID-19 như: Phụ nữ có thai, người cao tuổi, có bệnh nền hoặc người bị suy giảm miễn dịch, nên tiêm 1 mũi vaccine tăng cường càng sớm càng tốt.
Ngày 20/4, cả nước có 2.461 ca mắc mới COVID-19, tiếp tục xu hướng tăng nhanh.
(HBĐT) - Bệnh dại là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng. Thời gian ủ bệnh dại ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, nhưng trước 10 ngày phát bệnh, vi rút có thể gây nhiễm cho người và động vật khác thông qua vết cắn. Mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất.
Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới COVID-19 đã tăng vọt qua mốc 1.500 ca.
Sự ra tăng về số lượng động vật có vú nhiễm cúm gia cầm thời gian gần đây ở Canada đã khiến nhiều chuyên gia về sức khỏe cộng đồng và động vật hoang dã tỏ ra cảnh giác hơn sau khi xuất hiện một nghiên cứu khoa học cho rằng "có thể xảy ra đại dịch" nếu virus tấn công đàn gia cầm và đột biến để có thể lây lan giữa người với người.