(HBĐT) - Là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông, tình hữu nghị Việt - Lào đã được hình thành và củng cố cùng bề dày lịch sử phát triển của hai dân tộc. Hòa chung dòng chảy ấy, tại tỉnh ta cũng có một di tích lịch sử thắm đượm tình đoàn kết Việt - Lào, đó là di tích nơi tổ chức Đại hội trù bị Đại hội II Đảng Nhân dân cách mạng Lào (nay thuộc khuôn viên của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2012. Đây vừa là minh chứng tình hữu nghị Việt - Lào, vừa là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh.

 

Những ngày tháng 6 rực rỡ, từ địa điểm di tích đặc biệt này, chúng tôi đã có một hành trình ngược dòng lịch sử trên đất bạn Lào để thấy rõ hơn tình cảm keo sơn, gắn bó giữa hai dân tộc Việt - Lào anh em.

Từ di tích lịch sử cấp quốc gia

"Đại hội trù bị tại Hòa Bình diễn ra 1 tuần, được tiến hành theo đúng kế hoạch, an toàn và thành công rực rỡ. Đại hội là một dấu mốc quan trọng góp phần đưa cuộc chiến tranh của nhân dân Lào tiến lên một bước mới”, đồng chí Bùi Ngọc Lâm, nguyên Giám đốc Sở VH – TT&DL tỉnh Hòa Bình chia sẻ khi bắt đầu chính thức hành trình ngược dòng lịch sử, tìm hiểu về di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia trên đất bạn Lào. Mang trong mình niềm tự hào và tình cảm ấy, dọc đường đi, từ những thành viên đã nhiều lần vinh dự được đến Lào cho đến những người lần đầu được đến với đất nước Triệu Voi, chúng tôi tập lại nghi thức và câu chào "Sabadi” nổi tiếng của nước bạn Lào "để tạo sự bất ngờ cho những người bạn Lào” như cách nói của đồng chí nguyên Giám đốc Sở VH – TT&DL tỉnh. Tuy nhiên, chính chúng tôi mới là người thực sự bất ngờ.


Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước thăm và làm việc tại tỉnh ta. 

Ngay khi lời chào vẫn có chút lạ lẫm dù đã được tập luyện rất kỹ vừa cất lên, chúng tôi nhận được một cái ôm thật chặt cùng câu nói "Xin chào” rất đỗi giản dị mà thân quen của những người bạn Lào. Và từ đó, trên suốt dọc hành trình từ cửa khẩu về Thủ đô Viêng Chăn, chúng tôi cảm giác mình như đang đi trên chính mảnh đất quê hương mình và những người bạn Lào ngồi cạnh như là người anh em thân thiết của mình. Câu chuyện vì thế trở nên cởi mở. Tiến sỹ Sing Thong, sing ha păn nha, một trong những nhà văn hóa lớn của Lào - người có nhiều năm học tập tại Việt Nam chia sẻ: Mối quan hệ Việt Nam - Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Cay xỏn – Phôm vi hẳn tạo nền móng và đã được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Hàng năm, Bảo tàng Cay xỏn – Phôm vi hẳn đón nhiều đoàn công tác của cán bộ, học sinh, sinh viên Việt Nam đến Lào nghiên cứu, học tập, nhưng với những cán bộ của tỉnh Hòa Bình luôn có một tình cảm đặc biệt. Bởi, Hòa Bình không chỉ là tỉnh đã kết nghĩa với nhiều tỉnh của Lào, mà nơi đây chính là địa điểm tổ chức Đại hội trù bị Đại hội II Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Năm 1971, Trung ương Đảng đề xuất cần giúp Trung ­ương Đảng cách mạng Lào bằng cách tập trung cán bộ, đảng viên ­ưu tú ở tất cả 15 tỉnh, ở các chiến trường Trung, Th­ượng và Hạ Lào về huấn luyện chính trị, sau đó tổ chức Đại hội lần thứ II để nước bạn Lào xác định nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ cách mạng mới. Sau khi xem xét, Trung ương Đảng đã cho chỉ đạo chọn địa điểm Trường CP 40 là nơi giúp nước bạn Lào tổ chức huấn luyện chính trị và Đại hội trù bị Đại hội II Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Do thời gian gấp, khối lượng công việc chuẩn bị khá lớn, nhất là việc phải sửa chữa và xây dựng mới nhiều chỗ ở cho đại biểu nhằm đáp ứng yêu cầu của nước bạn Lào kịp đón đại biểu về tập trung. Công việc cần thực hiện rất gấp nên tỉnh Hòa Bình phải huy động nhiều lực lượng phục vụ việc sửa chữa nhưng vẫn phải đảm bảo bí mật và an toàn. Khối lượng công việc đó đều do cán bộ và nhân dân tỉnh Hòa Bình thực hiện dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Hòa Bình.


Đến hành trình trên đất bạn Lào

Hơn 40 năm đã đi qua nhưng những người chiến sỹ chân chính của cách mạng Lào năm xưa vẫn nhớ như in những ngày tháng ở rừng núi Hòa Bình. Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi may mắn được gặp bác Xu văn đi – Xỉ xa vạt, nguyên Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, là nhân chứng lịch sử được giao nhiệm vụ đánh máy toàn bộ văn bản tài liệu. Xúc động khi gặp đoàn cán bộ tỉnh Hòa Bình, bác Xu – văn – đi chia sẻ: Năm 1971, khi đó tôi mới 25 tuổi, làm nhân viên đánh máy cho Chủ tịch Cay xỏn – Phôm vi hẳn, tôi đã đến Hòa Bình từ những ngày đầu tiên cho đến khi Đại hội trù bị kết thúc. Thời gian từ chuẩn bị đến khi bế mạc Đại hội là 81 ngày đêm. Trong khoảng thời gian đó, các cán bộ Lào còn được tập huấn, bồi dưỡng công tác Đảng và được thăm khám sức khỏe. Chúng tôi ấn tượng nhất là dù trong điều kiện khó khăn như vậy nhưng Tỉnh ủy Hòa Bình rất chu đáo, hàng ngày bếp ăn tập thể luôn có đủ thức ăn cho cán bộ, cuối tuần có văn nghệ và trong khu lán còn có sân bóng để anh em cán bộ chơi bóng chuyền vào các buổi chiều. Không chỉ nhớ rất rõ về những năm tháng hào hùng ấy, trên nền cuốn sổ tay nhỏ của mình, bác Xu - văn - đi đã vẽ lại cụ thể và chú tích chi tiết bằng những nét chữ Việt rất đẹp từng dãy nhà khu vực tổ chức Đại hội trù bị từ hội trường lớn, khu ở của cán bộ, bếp ăn tập thể đến con đường nhỏ chạy ra cánh rừng lớn nơi nhân dân Hòa Bình đã làm để giúp đỡ cách mạng Lào. Xúc động khi hoàn thành tác phẩm của mình, bác Xu - văn - đi tâm sự: Một thời tuổi trẻ tôi đã ở đây, hơn 3 tháng, tôi đã có những chuyến đi nứa, đi nương cùng đồng bào Mường. Cũng tắm suối, bắt cá ở đây. Tôi ước gì được trở lại nơi đây một lần nữa.


 

Đoàn công tác của tỉnh Hòa Bình thăm quảng trường Tượng đài đồng chí Cay xỏn - Phôm vi hẳn, lãnh tụ của cách mạng Lào. 

Đó cũng là mong ước của bác Thong - sa - vắt – Khay kham phi thun, nguyên Trưởng ban nghiên cứu thuộc Văn phòng Trung ương Đảng Lào, người được đồng chí Cay xỏn - Phôm vi hẳn chọn làm Thư ký riêng trong những ngày ở Hòa Bình tổ chức Đại hội trù bị Đại hội II Đảng Nhân dân cách mạng Lào.Ở tuổi 80, bác Thông – sa vắt không còn nhớ rõ những năm tháng ở rừng núi Hòa Bình, nhưng khi được giới thiệu đoàn công tác từ Hòa Bình sang, được xem lại những bức ảnh của kỳ Đại hội trù bị năm 1971, bác vô cùng xúc động. Bác nhất quyết mời chúng tôi ăn với bác bữa cơm thân mật theo đúng phong cách Lào với lý do trước đây bác đã nhiều lần được ăn cơm của con em Hòa Bình thì nay con em Hòa Bình đến Lào phải ăn cơm với bác. Và trong câu chuyện, những ký ức về một thời tuổi trẻ đi theo cách mạng cứ thế sống dậy. Bác kể: Hành trình đến địa điểm tập kết để tổ chức Đại hội trù bị đều phải đi bộ và phải tuyệt đối giữ bí mật. Bắt đầu vượt qua biên giới Lào, chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự bố trí, sắp xếp giúp đỡ của cách mạng Việt Nam. Điều tôi ấn tượng là khi đến Hòa Bình, địa điểm tập trung, những lán trại này được dựng lên rất nhanh, nơi rừng núi, gần các bản làng người Mường. Hàng ngày họ vẫn gặp chúng tôi khi đi nương, đi rẫy, biết chúng tôi là những người lạ nhưng gần 3 tháng tổ chức Đại hội, chúng tôi luôn được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Đó là nhờ sự giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đùm bọc của nhân dân Hòa Bình.

Hơn hai ngày hành trình trên đất bạn Lào tìm hiểu về điểm di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia của tỉnh Hòa Bình, có một điều chúng tôi cảm nhận được rằng, ở đất nước Triệu Voi xinh đẹp này, không phải chỉ có những nhân chứng lịch sử cách mạng, những CCB đã trải qua chiến tranh hay những du học sinh đã từng học tập tại Việt Nam mà ngay cả những bạn trẻ dù chưa một lần đến Việt Nam cũng dành những tình cảm đặc biệt cho nước ta, trong đó có tỉnh Hòa Bình. Có những bạn trẻ dù không đủ tự tin giao tiếp tiếng Việt nhưng khi bản nhạc Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng vừa cất lên, họ đều có thể hòa chung một nhịp và cất lời hát say sưa. Trong đó, chúng tôi cảm nhận có cả niềm xúc động và tự hào. Xúc động vì năm tháng đã qua đi, tình cảm Việt - Lào vẫn thắm đượm, tràn đầy như nước Hồng Hà, Cửu Long, tự hào vì tình cảm ấy "Cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất” như lời Chủ tịch Xu pha nu vông đã từng khắc họa.


                                                                                                     Phương Linh



Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục