Bài 2 - Có một Trường Sa "gần” như thế
(HBĐT) - Trong lần gặp gỡ đầu tiên, Trường Sa quả thật mới lạ, độc đáo và cho chúng tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Nhưng mỗi lần đặt chân đến mỗi đảo lại cho cảm giác thân thương như khi trở về nhà.



Phụ nữ sinh sống trên quần đảo Trường Sa mặc áo dài truyền thống trong các dịp trang trọng, ngày lễ, Tết.

Trải nghiệm cảm giác "say đất”

Sau hơn 3 ngày ra khơi, với điểm đến đầu tiên là đảo chìm Đá Lát, đoàn công tác tiếp tục hải trình hướng đến thị trấn Trường Sa (hay còn gọi là đảo Trường Sa Lớn). Khỏi phải nói, chúng tôi ai cũng háo hức, không chỉ vì đây được ví là thủ đô hay trái tim của quần đảo Trường Sa, mà trên hết, đoàn công tác sẽ được lưu trú trên đảo 2 ngày, 1 đêm, có nhiều hoạt động giao lưu với quân và dân trên đảo. Dù không nói ra nhưng ai cũng mong muốn, khoảng thời gian quý báu này sẽ giúp đầu óc tỉnh táo trở lại sau 3 ngày quay cuồng với sóng biển. Thế nhưng, khi bước chân lên đảo, tôi và nhiều đồng nghiệp khác lo lắng bởi sự rung lắc, chuyển động mạnh của đảo.

"Anh có thấy nền nhà đang rung không?”, tôi thắc mắc với phóng viên Mai Quý của Báo Lao động Thủ đô và nhận lại cái gật đầu. Nhẽ sóng biển đập mạnh đến mức làm cho đảo cũng rung chuyển, chúng tôi nghĩ bụng. Thế nhưng, sau đó, mọi người giải thích, đó là cảm giác say đất mà hầu hết những người đi biển dài ngày đều được trải nghiệm. Khi đã bắt đầu quen với cảm giác lắc lư trên tàu thì khi vào đảo, tiền đình chưa kịp thích nghi nên tạo ra cảm giác chao đảo. Hai ngày lưu trú, khi đi lại hay ngồi trò chuyện cùng CB,CS, đầu óc vẫn lâng lâng, chân vẫn như chưa chạm đất. Chưa hết say đất thì đoàn công tác lại lên tàu để tiếp tục hành trình đến những đảo, điểm đóng quân tiếp theo. Theo chia sẻ của lính đảo, có những người sau một thời gian dài công tác trên đảo, khi trở về đất liền phải mất đến nửa tháng mới hết say đất. Còn với chúng tôi, cảm giác say đất giảm dần về những ngày cuối của hành trình và may mắn không mất nhiều thời gian để thích nghi khi trở về đất liền.

Ở tuyến phía Nam quần đảo Trường Sa, tàu lớn chỉ cập cảng vào được đảo Trường Sa Lớn và Đá Tây A, vì có âu tàu. Những đảo còn lại đều phải di chuyển bằng xuồng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn nếu không tập trung và nghe theo mệnh lệnh chỉ huy. Do đó, dù có mệt hay say sóng, say đất, nhưng tất cả phải thật tỉnh táo lúc lên xuống xuồng. Có những ngày sóng cao 5 - 7 m, nếu bước chân từ tàu lớn xuống xuồng không đúng nhịp, nguy cơ mất an toàn rất lớn. Khi đã ngồi trên xuồng để di chuyển vào đảo thì tất cả ngồi bất động, mặc cho sóng biển đánh ướt hết quần áo, mắt cay xè vì muối mặn. Đó là trải nghiệm mới mẻ, đầy thử thách và thú vị.

Hồn quê giữa đảo xa

Khi đứng trên đảo, điểm đảo hay những trạm hải đăng phóng tầm mắt ra xa, biển xanh thẫm và rộng dài. Còn trên đảo là những bãi cát vàng, bãi san hô với những vỏ ốc, vỏ sò được nước biển mài giũa. Trên những cọc bê tông, những con cua, con ốc nằm phơi mình, thi thoảng lại gặp những chú chim biển đang tỉa lông, tỉa cánh. Đó là những hình ảnh lạ lẫm và đặc trưng ở nơi đảo xa mà chúng tôi cảm nhận được trong lần đầu tiên đến thăm. Nhưng ở Trường Sa, dù ở đảo chìm hay đảo nổi, chúng tôi cũng đều bắt gặp những hình ảnh dung dị, thân thuộc của vùng quê đất Việt. Đó là những vườn rau xanh tốt với giậu mồng tơi, rau muống, giàn bầu, giàn bí, hay những bụi chuối, cây đu đủ sai lúc lỉu quả. CB,CS và người dân nơi đảo xa cũng nuôi lợn, nuôi gà như ở đất liền. Bên cạnh những cây đặc trưng xứ biển như bàng, bàng vuông, nho biển, muống biển, trên đảo Trường Sa Lớn còn có cả bụi tre, cây lá vối.


Giậu mồng tơi xanh tốt giữa trùng khơi nắng gió. Ảnh chụp tại đảo Thuyền Chài

Đến thăm các hộ dân sinh sống ở đảo Trường Sa Lớn, trong mỗi ngôi nhà của họ đều có bàn thờ tổ tiên, kế bên ảnh Bác Hồ được treo trang trọng. Trong ngày Tết, bà con nơi đảo xa cũng gói bánh chưng, cũng bày mâm ngũ quả và đi lễ chùa đầu năm như bà con ở đất liền. "Chúng tôi sống bằng nghề đánh bắt cá nhưng vẫn tăng gia trồng rau, nuôi lợn, gà, cây giống, con giống đều được đem ra từ đất liền. Cuộc sống ở đảo có nhiều khác biệt so với đất liền, nhưng chúng tôi luôn luôn ý thức phải giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc”- chị Nguyễn Thị Mỹ Hà, hộ dân trên đảo Trường Sa Lớn chia sẻ.

Với CB,CS ra đảo công tác, những hình ảnh thân thuộc đó thật ý nghĩa biết bao. Thượng úy Vũ Lâm Thao, quê ở Quảng Ninh, ra công tác tại đảo Trường Sa Lớn đã hơn 1 năm. Anh chia sẻ, đi công tác xa nhà biền biệt, chính tình cảm của quân dân trên đảo và hình ảnh của những em bé Trường Sa tung tăng vui đùa, âm thanh ê a học, hay tiếng gà gáy, tiếng cho sủa, tiếng chuông chùa đã giúp anh và đồng đội vơi đi nỗi nhớ gia đình, người thân ở quê nhà. Còn với chúng tôi, lần đầu được đặt chân đến Trường Sa, ngoài những hình ảnh, âm thanh thân thuộc của miền quê, thôn dã, chúng tôi còn cảm nhận được tình cảm son sắt, chân thành của những CB,CS với làn da bánh mật đặc trưng, nụ cười hồn hậu và một tình yêu biển đảo, quê hương lớn lao. Trường Sa vì thế mà thật gần gũi, thân thương biết bao.


Viết Đào


Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục