(HBĐT) - Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thời gian qua, đặc biệt do ảnh hưởng của thiên tai, dịch Covid-19, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn giữ được tăng trưởng dương. Nổi bật là xuất khẩu nông sản tăng trưởng bằng hoặc cao hơn cùng kỳ những năm trước, góp phần tăng giá trị sản xuất toàn ngành; đồng thời đóng góp vào thành quả xuất khẩu nông sản chung của cả nước.



Sản phẩm măng chế biến của Công ty CP Kim Bôi (Lạc Thủy) sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU.

Đổi mới tư duy trong lãnh đạo, thực hiện

Với mục tiêu xây dựng sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, nâng mức thu nhập cho người dân và tạo chuyển biến trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, đề án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, trồng trọt để chỉ đạo, triển khai thực hiện, từng bước đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cụ thể như: Quyết định số 1604/QĐ-UBND, ngày 31/8/2015 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh đến năm 2020; Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ban hành quy định về cơ chế hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 23/2017/ QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt giai đoạn 2015 - 2020; đề án "Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”…

Trong đó, ngành nông nghiệp xác định mục tiêu cốt lõi là chuyển đổi tư duy và phương pháp sản xuất của nông dân, từ đó tạo sinh kế, tăng thu nhập. Việc chỉ đạo, định hướng có sự thống nhất từ tỉnh, huyện đến các xã, thị trấn, các nông hộ; công tác kiểm tra, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm trong thực hiện được chú trọng. Nhờ đó, nông dân ngày càng có tư duy tiến bộ, mạnh dạn ứng dụng thành tựu KHKT vào sản xuất, biết liên kết giữa các hộ, nhóm hộ để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu và phù hợp với thị trường… Các mô hình kinh tế tập thể, nông hộ tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; chất lượng sản phẩm dần nâng lên, từng bước gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm (TTSP).

Cũng trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương tập trung lồng ghép các nguồn vốn, chương trình phát triển KT-XH gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm (ATTP); rà soát, điều chỉnh, lập mới 9 quy hoạch vùng sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết, cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản… Công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới để TTSP được triển khai đa dạng; các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đã quan tâm đến việc đăng ký, bảo hộ thương hiệu cho các nông sản của tỉnh. Đến nay, ngành nông nghiệp đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong và 22 nhãn hiệu chứng nhận tập thể; cấp được 9 mã số vùng trồng. Chi cục Quản lý chất lượng (QLCL) nông, lâm sản và thủy sản xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG) và kết nối cung cầu tại địa chỉ hb.check.net.vn. Đến nay đã có trên 400 sản phẩm của 72 doanh nghiệp, HTX được gắn trên 8 triệu tem TXNG và quảng bá trên hệ thống.

Tạo đột phá trong xuất khẩu nông sản

Lô sản phẩm măng chế biến của Công ty CP Kim Bôi, khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ) xuất khẩu sang Nhật Bản là chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên của công ty cũng như của tỉnh trong năm 2022, Nhật Bản lại là một trong những thị trường khá khó tính nên công tác chuẩn bị, kiểm định chất lượng, vận chuyển sản phẩm được thực hiện cẩn thận, khẩn trương. Đến nay, hầu hết các sản phẩm của công ty đều có mặt tại các siêu thị trên toàn quốc và vươn tới thị trường nước ngoài như: Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Angola… Ông Nguyễn Văn Đề, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: Công ty hiện có 25 sản phẩm sơ chế và chế biến. Toàn bộ đều được sản xuất theo quy trình khép kín, tiêu chuẩn ISO 22000:2018; đảm bảo tiêu chuẩn ATTP của EU. Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công ty vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững các thị trường, tổng doanh thu từ xuất khẩu các mặt hàng đạt 9 tỷ đồng. Hiện, công ty đã đưa vào hoạt động thêm cơ sở sản xuất thứ 2 tại huyện Kim Bôi nhằm đảm bảo sản lượng tiêu thụ tại các thị trường. Để đưa đặc sản măng Hòa Bình vươn xa, từng bước thực hiện mục tiêu vươn lên trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản lớn nhất cả nước, trong năm nay, cả 2 cơ sở của công ty nỗ lực phấn đấu đạt tổng giá trị hàng hoá sản xuất khoảng 60 tỷ đồng. 

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cả nước đạt mức cao kỷ lục, hơn 48,6 tỷ USD. Tại tỉnh ta, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch   Covid-19, xuất khẩu nông sản đạt kết quả tích cực. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh ước đạt 20.521 tỷ đồng, tăng 1,9% so với năm trước; giá trị sản xuất toàn ngành đạt 11,97 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2%. Đặc biệt, từ việc cấp mã số vùng trồng và sự nỗ lực vượt khó của các cấp, ngành, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh vẫn tăng trưởng khá. Góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2021 ước đạt 1.218 triệu USD, tăng 18,02% so với năm trước.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục QLCL nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Những năm gần đây, hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là xuất khẩu nông sản đã có nhiều chuyển biến; sản phẩm ngày càng đa dạng, đáp ứng những yêu cầu xuất khẩu khắt khe và được đánh giá cao. Thành quả đó là nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành, sự thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, sự tham gia kịp thời của các sàn thương mại điện tử trong việc đào tạo, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiếp cận công nghệ thông tin; kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số. Hiện, toàn tỉnh đã hình thành trên 100 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, tạo liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. 

Năm 2021, tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch 1.326 tấn sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Trong đó, có thể kể đến Công ty TNHH Pacific xuất khẩu sang Nhật Bản 80 tấn sản phẩm gừng, ớt, rau, củ, quả muối, giá trị 41 tỷ đồng/năm; cháo sen Bát Bảo của Công ty Minh Trung xuất sang thị trường châu Âu 200 tấn, giá trị 100 tỷ đồng; chuối tươi của HTX sản xuất, chế biến nông thủy sản Phú Cường - Sông Đà xuất khẩu sang Trung Quốc; Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi - Thăng Long, Công ty TNHH 2-9, Công ty TNHH giống cây trồng Phương Huyền xuất khẩu chè sang Đài Loan (Trung Quốc); Công ty CP Kim Bôi xuất khẩu măng, miến, phở khô sang 6 thị trường: Anh, Pháp, Hà Lan, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngoài ra, một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ sang thị trường nước ngoài với sản lượng 114.000 m3/năm, giá trị đem lại khoảng 500 tỷ đồng…

Dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên trên thực tế, thị phần nông sản xuất khẩu của tỉnh còn ít, giá trị chưa cao; sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thấp. Vì vậy, cần có sự phối hợp tích cực giữa các ngành giúp doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới; đổi mới quản trị, cơ cấu lại hoạt động sản xuất, liên kết chuỗi, ổn định nguyên vật liệu đầu vào, ứng dụng KHCN nhằm đáp ứng yêu cầu cao của các thị trường đối tác.

(Còn nữa)

 Thu Hằng

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục