(HBĐT) - Khu tái định cư (TĐC) Suối Nhạp, xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) được xây dựng đầu năm 2018. Đây là khu TĐC khẩn cấp cho 25 hộ dân bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2017. Sau 4 năm về nơi ở mới, có thể thấy cuộc sống của người dân đã dần ổn định.


Lớp học bán trú chi xóm Nhạp, trường TH&THCS Đồng Ruộng (Đà Bắc) được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho con em hộ dân khu tái định cư học tập.

Người dân yên tâm tại nơi ở mới

Từ trung tâm xã đi thuyền máy khoảng 30 phút chúng tôi đến khu TĐC xóm Nhạp. Nằm thoai thoải bên bờ sông Đà, cách mặt nước chừng hơn 300 m, khu TĐC xóm Nhạp giống như một bản du lịch homestay quy mô nhỏ với đường bê tông thoáng đẹp, những ngôi nhà xây kiên cố bên trong những hàng rào cây được cắt tỉa gọn gàng.

Đón chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, ông Quách Văn Hung, Bí thư chi bộ xóm Nhạp chia sẻ: Trước đây, xóm Nhạp có hơn 50 hộ sinh sống quần tụ dọc bên bờ sông Đà. Tuy nhiên, cơn bão lịch sử cuối năm 2017 gây sạt lở nghiêm trọng tại huyện Đà Bắc, trong đó có khu vực xóm Nhạp. Chỉ trong 1 đêm, 27 ngôi nhà bị đổ sập, trong đó 4 hộ bị cuốn trôi hoàn toàn, 23 hộ thiệt hại nặng nề về tài sản. Vì vậy, 25 hộ phải chuyển về khu TĐC này, chia xóm Nhạp thành 2 chòm riêng biệt.

Là khu TĐC khẩn cấp, hoàn thành trong thời gian ngắn, tuy nhiên hầu hết các hộ đều hài lòng khi về nơi ở mới. "Trung bình mỗi hộ được cấp hơn 300 m2 đất để dựng nhà. Khu TĐC đã được xây kè kiên cố, có đường giao thông, hệ thống lưới điện và nước sinh hoạt đảm bảo. So với nơi ở cũ, cuộc sống ở khu TĐC tốt hơn rất nhiều” - ông Hung chia sẻ thêm.

Khu TĐC xóm Nhạp được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng, gồm mặt bằng san lấp, đường giao thông, hệ thống lưới điện và công trình nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, UBND huyện Đà Bắc đã sử dụng tối đa các nguồn lực xã hội hoá để chăm lo cho đời sống nhân dân. Đồng chí Hà Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Đồng Ruộng cho biết: Ngay khi khu TĐC được hình thành, UBMTTQ tỉnh, các sở, ngành đã hỗ trợ, xây dựng lớp học cho trẻ mầm non và 2 lớp học bán trú cho học sinh khối tiểu học.

Giải bài toán sinh kế

Yên tâm tại nơi ở mới, tuy vậy 25 hộ dân khu TĐC xóm Nhạp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. 100% hộ chủ yếu sinh sống bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thuỷ sản trên sông Đà, nhưng mấy năm trở lại đây hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Theo đồng chí Hà Văn Tùng, khi các hộ chuyển về nơi ở mới, người dân gần như không có đất ruộng. Cuộc sống dựa vào làm nương rẫy và đánh bắt cá. Nhằm hỗ trợ sinh kế cho các hộ, UBND huyện Đà Bắc phối hợp các ngành lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng. Dù vậy, 2 năm trở lại đây cá thương phẩm khó tiêu thụ, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh bài toán về sinh kế, người dân cũng mong muốn sớm được đầu tư tuyến đường liên xóm để kết nối khu TĐC với các xóm khác trong xã nhằm phát triển KT-XH, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Chia sẻ về vấn đề này, thầy giáo Lường Văn Sắng, giáo viên lớp bán trú 3+4, chi Nhạp, trường TH&THCS Đồng Ruộng cho biết: Chỉ có cách duy nhất đi vào khu TĐC là đường thủy. Vì vậy, hơn 3 năm dạy tại chi xóm Nhạp tôi đều phải dùng thuyền máy. Thời tiết thuận lợi không sao, vào những ngày mưa bão rất nguy hiểm. Học sinh khối cấp THCS cũng vậy. Mỗi ngày các em đến trường đều phải đi thuyền trên sông Đà. Tôi rất mong có một con đường dẫn vào khu TĐC để thầy trò chúng tôi đỡ vất vả.

Đồng chí Hà Văn Tùng cho biết thêm: Hiện đã có tuyến đường giao thông liên xã từ Đồng Chum qua trung tâm xã và chỉ cách khu TĐC 2 km. Vì vậy, các hộ dân mong muốn UBND tỉnh sớm bố trí nguồn vốn để kéo dài tuyến đường này đến khu TĐC. Tuyến đường không chỉ tạo thuận lợi giao thông đi lại mà còn góp phần thúc đẩy KT-XH của xã phát triển.


Đinh Hòa

Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục