(HBĐT) - Tháng 6/2022, chúng tôi từ TP Hòa Bình vào huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa dự giỗ lần thứ 186 cụ Quách Văn Hiệp và ra mắt tập sách "Miền thương nhớ” của cụ Quách Thuận Lương. Các cụ gốc người Mường Khụ, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn). Cụ Quách Văn Hiệp là người có công lãnh đạo dân Mường từ Ngọc Lâu vào khai phá, lập làng vùng Lân Ru (nửa sau thế kỷ XIX), sau là châu Như Xuân và nay là 2 huyện Như Thanh, Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong chuyến đi này, kỹ sư thủy lợi Quách Tự Hải, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình tiết lộ: "Ở tỉnh Hủa Phăn (Lào) có một làng người Mường sinh sống” làm chúng tôi rất ngạc nhiên và ấp ủ ý tưởng sang Lào tìm hiểu thực hư.


Tiếng chiêng Mường trầm hùng vang lên từ bản Đon, tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, tháng 4/2023, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh thành lập đoàn công tác thực hiện chuyến đi thứ nhất sang bản Đon, tỉnh Hủa Phăn. Theo kết quả ban đầu thì cách đây hàng trăm năm, có một số gia đình người Mường từ Việt Nam tới đây khai phá rừng hoang lập làng. Đến nay, bản Đon có 101 hộ, trên 800 nhân khẩu người Mường và là 1 trong 9 dân tộc sinh sống ở tỉnh Hủa Phăn. Chất Mường chỉ còn lưu giữ trong giao tiếp nhưng đã pha trộn giữa tiếng Mường và tiếng Lào. Một số phong tục trong cưới hỏi, tang ma, cúng lễ… còn duy trì một phần theo phong tục của người Mường. Đáng tiếc là họ không còn mối liên hệ nào với quê Mường Hòa Bình. Tuy vậy, bà con nơi đây rất mong muốn tìm hiểu nguồn gốc và phục hồi văn hóa dân tộc Mường của mình.

Trân trọng mong muốn của bà con và cũng là nguyện vọng của những người hoạt động văn hóa, VHNT, Hội VHNT tỉnh đã phát động hảo tâm và nhận được 3 bộ chiêng Mường, 25 bộ trang phục dân tộc Mường, ấn phẩm Mo Mường, Sử thi Đẻ đất - đẻ nước cùng tập trường ca về Người lính tình nguyện Việt Nam với đất nước Chăm pa và hơn 20 triệu đồng của gia đình các ông: Quách Tự Hải, Nguyễn Tiến Lợi, Bùi Thanh Bình, Lưu Huy Linh, Bùi Minh Thứ, Ngô Quang Hưng và các cá nhân khác trao tặng. Tháng 9/2023, tại Bảo tàng di sản văn hóa Mường, Hội VHNT đã tổ chức lễ tiếp nhận số quà tặng nêu trên.

Ngày 5/10/2023, Hội VHNT tỉnh tổ chức đoàn công tác sang Lào đợt 2 để trao tặng quà và hướng dẫn bà con bản Đon sử dụng chiêng Mường, dân ca Mường, trang phục dân tộc Mường. Lễ trao tặng và tiếp nhận được tổ chức long trọng tại bản Đon. Ông Phu Sôn Thăm Mạ Vi Say, nguyên Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn; ông Bun Tong, Phó Giám đốc Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Hủa Phăn (đều là người dân tộc Mường bản Đon); ông Thu Văn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hủa Phăn tham dự.

Sau lễ trao tặng, hai đội học chiêng, một đội học dân ca, một đội học sử dụng trang phục dân tộc Mường được thành lập. Lịch học và quy định của lớp học được phổ biến thông qua phiên dịch do Sở Văn hóa - Thông tin của tỉnh Hủa Phăn và thực hành dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân đến từ tỉnh Hòa Bình.

Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào không có cấp xã mà dưới huyện là bản. Bản Đon lại chưa có nhà văn hóa nên toàn bộ chương trình thực hiện tại trường học. Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thanh Bình dạy chiêng, Nghệ nhân Ưu tú Đinh Phương Thảo và kỹ sư Bùi Linh hướng dẫn mặc trang phục và hát một số bài dân ca Mường. Lần đầu tiên, tiếng chiêng Mường trầm hùng cất lên và vang vọng giữa núi rừng bản Đon trong niềm rưng rưng xúc động của cả chủ và khách. Những cô gái bản Đon với trang phục dân tộc Mường xen với trang phục Lào càng tôn vẻ đẹp giữa màu xanh bạt ngàn rừng núi Hủa Phăn.

Người truyền dạy mang hết tâm huyết, người học háo hức tiếp thu. Các buổi học đều kéo dài quá giờ quy định. Hết giờ, học viên ở gần thì về nhà, ở xa ở lại và ăn trưa tại chỗ. Đầu giờ, các học viên đến sớm tự ôn lại bài, sau đó giáo viên trực tiếp hướng dẫn. Theo nhận xét của các nghệ nhân hướng dẫn, bà con người Mường bản Đon tiếp thu và thực hành rất nhanh.

Tuy bà con bản Đon ở hai bên QL6A nối Sầm Nưa với Xiêng Khoảng, nhưng đời sống còn rất vất vả. Ngoài QL6A cả bản chưa có mét đường nhựa hay bê tông nào. Các ngõ đều là đường đất lầy lội trong mùa mưa. Ngoài vài cửa hàng tạp hóa không có quán bán thực phẩm hay rau củ quả.

Sau thời gian ngắn dạy và học. Đúng 10h30 ngày 8/10/2023, dưới sự chứng kiến của đông đảo cán bộ và nhân dân, những cô gái bản Đon mang trang phục dân tộc Mường và trang phục Lào cùng trình diễn các bài chiêng vừa được học. Đội hình gồm hơn 30 tay chiêng trình tấu các bài séc bùa: "Đi đường”, "Bông trắng bông vàng” trầm hùng, thôi thúc và thiết tha. Từ trong lớp học, đội chiêng đi quanh sân trường, ra đường rồi trở lại trong niềm xúc động nghẹn ngào của bà con.

Buổi tổng kết và trình diễn chiêng Mường, trang phục dân tộc Mường diễn ra trang nghiêm, chân tình và đầm ấm. Thay mặt bà con bản Đon, ông Phu Sôn Thăm Mạ Vi Say nhiều lần cảm ơn Hội VHNT tỉnh Hòa Bình và đoàn công tác, nhất là các nghệ nhân đã mang đến cho cộng đồng người gốc dân tộc Mường ở bản Đon món quà vô giá. Từng chiếc chiêng, từng bộ trang phục được đánh số và giao cho từng cá nhân bảo quản, coi như báu vật trong nhà. Đây vừa là tài sản vật thể, phi vật thể quý giá của bản Đon. Trong niềm xúc động, ông Phu Sôn Thăm Mạ Vi Say kết luận: Từ nay bản Đon bắt đầu hành trình phục sinh làng Mường trên đất nước triệu voi xinh đẹp.



Lê Va

(Hội Văn học nghệ thuật tỉnh)


Các tin khác


Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục