Trong một đêm cuối năm Quý Mão 2023, con tàu Trường Sa 04 bền bỉ đè sóng tiến về phía bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK1/10… Bỗng trong tiếng sóng biển ầm ào và gió thổi ràn rạt dọc các boong tàu, vẳng tiếng đàn ghi ta và tiếng hát của một vài chiến sĩ hải quân. Tiếng đàn thánh thót và da diết của Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 hòa vào giọng hát khá tình cảm của nhóm cán bộ, chiến sĩ trên tầng 3 con tàu: "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/ Biển giận dữ hung tàn quá đỗi/ Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/ Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận…”. Các anh đang tập bài hát mới "Lá thư DK” của ca sĩ, nhạc sĩ, Phó đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn sáng tác trong chuyến hải trình DK1…




Clips: Phút thư giãn với bài hát "Lá thư DK" của cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn DK1


Ca sĩ, nhạc sĩ Lê Anh Tuấn (thứ 5 từ trái sang) và Trung tá Trịnh Văn Nghị (người đệm ghi ta) cùng đoàn công tác hát tặng các chiến sĩ nhà giàn DK1/10.



                     Bản nhạc "Lá thư DK" độc đáo được ra đời trong chuyến hành trình ra DK1

Lê Anh Tuấn là thành viên khá đặc biệt của đoàn, khi anh là người duy nhất cùng ê kíp Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh có nhiệm vụ thực hiện MV ca nhạc "Mùa xuân DK” của nhạc sĩ Thập Nhất để phát phục vụ khán giả dịp Tết Giáp Thìn 2024. Anh cũng là người bị say sóng nặng nhất đoàn. Suốt cả tuần anh hầu như vắng mặt tại các bữa ăn của đoàn. Ghé qua phòng thấy anh nằm say lử lả, bên cạnh là đĩa củ đậu, múi bưởi hay phong lương khô để anh "nhấm” chống đói. Ấy vậy mà đến lịch quay (hậu cảnh là nhà giàn lúc bình minh, hoàng hôn, lúc sóng to, gió lớn, hay quay cảnh hát trên chính nhà giàn DK1…) anh như một người khác. Mạnh mẽ, hoạt bát hẳn lên và tất nhiên, khuôn mặt biểu cảm khi quay không còn nét mệt mỏi, thất thần của người say sóng. Việc quay MV đã hoàn thành, nhưng việc anh có 1 sáng tác mới lại là điều bất ngờ.

Hoàn cảnh ra đời của bài hát này rất đặc biệt. Trước khi có chuyến đi biển dài ngày anh đã sưu tầm một số bài thơ hay về nhà giàn, trong đó có bài thơ "Thư gửi em” của Thiếu úy Lê Ngọc Chung công tác tại nhà giàn DK1/20. Anh tâm sự đã đọc đi đọc lại bài thơ nhưng chưa có cảm xúc gì lắm. Phải đến khi nhìn thấy phút giây bịn rịn chia tay của hạ sĩ Nguyễn Tấn Giàu với bạn gái ở Quân cảng 129 (Long Sơn - TP Vũng Tàu) để lên đường nhận nhiệm vụ công tác tại nhà giàn DK1/10 và lênh đênh trên hải trình 2.000 km trên biển, lắng nghe tâm sự của các cán bộ, chiến sĩ đã từng công tác trên nhà giàn anh mới quyết định sáng tác "Lá thư DK” dựa trên ý thơ "Thư gửi em”. Và bài hát ngay lập tức được chuyển đến đại diện Tiểu đoàn DK1 là Trung tá Trịnh Văn Nghị và cán bộ tàu Trường Sa 04 Nguyễn Mạnh Tuấn. Trên bản nhạc có chữ ký của ca sĩ, nhạc sĩ và 2 người vừa kể trên với dòng chữ viết tay rất đẹp: "Nhân dịp chúc Tết Giáp Thìn tại các nhà giàn DK1; hòa âm phối khí: Trịnh Văn Nghị; địa điểm: Tàu Trường Sa 04”. Chính vì thế, gần 100 thành viên trên chuyến hải trình coi sản phẩm âm nhạc đó là của chung tất cả mọi người, những "công dân” của Trường Sa 04 để rồi cùng lan truyền, cùng hát cho nhau nghe trên suốt hành trình: Anh kể em nghe những lúc biển bình yên/ Vầng trăng sáng trên nhà giàn lấp lánh/ Như tình con ấm áp bên mẹ hiền/ Hòa mình trong sóng nước mênh mông”. Lời thơ hay, giai điệu sâu lắng, tình cảm mà mạnh mẽ, hào hùng, giàu nhạc cảm không có cảm giác "hô hào” hay "hô to, gọi giật”.

"Lá thư DK” đã được vang lên lần đầu tiên trên nhà giàn DK1/10 với khán giả là những phóng viên báo chí và cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. Giữa trùng khơi sóng vỗ, trong một ngày nắng ấm biển phương Nam, bài hát đã được vang lên khiến bao trái tim rung động, thổn thức. Giọng hát của ca sĩ, nhạc sĩ Lê Anh Tuấn hòa quyện tiếng đàn ghi ta gỗ của Trung tá Trịnh Văn Nghị, khiến buổi biểu diễn ở nhà giàn DK1 là một dấu ấn đặc biệt trong lòng mọi người. 

 Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 Trịnh Văn Nghị xúc động chia sẻ: "Cám ơn ca sĩ, nhạc sĩ Lê Anh Tuấn đã sáng tác một bài hát mới về những người lính nhà giàn. Cả phần lời và phần nhạc của bài hát đều rất hay, vừa da diết lại vừa hào hùng. Bản thân tôi cũng từng công tác trên nhà giàn nên thấu hiểu về cuộc sống và nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. Bài hát đã phản ánh rất đúng, rất đẹp về những chiến sĩ nhà giàn. Chúng tôi sẽ lan tỏa bài hát này trong Tiểu đoàn DK1 và với mọi người qua các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, các cuộc thi hát múa hay các dịp kỷ niệm, nhất là trong dịp Tết Giáp Thìn 2024. Còn riêng tôi, rất hạnh phúc khi được chơi đàn ghi ta cho màn biểu diễn đầu tiên của bài hát. Vì thời gian có hạn, chúng tôi chỉ mới tập với nhau đôi ba lần, nhưng có thể vì cũng là lính nhà giàn nên tôi đã cảm rất nhanh bài hát này và có thể phiêu với Anh Tuấn giữa biển trời. Đây là kỷ niệm đẹp nhất trong chuyến công tác chúc Tết các nhà giàn năm 2024 của tôi”.

Trên chuyến xe từ Trạm rada 590 về tàu Trường Sa 04 ở cảng Côn Đảo, nhớ lần diễn trên nhà giàn DK1/10, Trung tá Trịnh Văn Nghị đã tự đệm và hát lại bài hát "Lá thư DK” bằng tất cả lòng mình. Câu hát và giọng ca mộc mạc ngân nga trong đêm khiến nỗi nhớ nhà giàn của các thành viên trên xe lại dâng lên trong lòng…


Bùi Huy

Các tin khác


Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục