Trên hải trình đến nhà giàn DK1, với 15 ngày, vượt qua 2.000 km trên biển cả nơi thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, biết bao trạng thái cảm xúc đan xen, dâng trào... Dù mệt, dù say sóng, nhưng mỗi khi nghe tin "nhà giàn kia rồi”, tất cả các thành viên đều vùng dậy với tâm trạng háo hức, chờ đợi xuống xuồng, lên giàn. Để mỗi lần đến các nhà giàn, câu chuyện về các chiến sĩ hải quân Vùng 2 nói chung và chiến sĩ nhà giàn DK1 cứ nối dài mãi...

 



Phút chia tay giữa các chiến sĩ nhà giàn DK1 và đoàn công tác của Vùng 2 Hải quân 

Phóng viên  báo chí trò chuyện, nắm thông tin với cán bộ nhà giàn DK1/10 về tình quân dân trên biển cả.

Thắm tình quân dân trên biển cả

Trong hơn 34 năm qua, nhiều câu chuyện về chiến sĩ nhà giàn DK1 nói riêng và chiến sĩ Vùng 2 Hải quân nói chung được ngư dân đánh bắt xa bờ lưu truyền với tình cảm quân dân ấm nồng. Điều kiện thời tiết càng khắc nghiệt, nguy cơ rủi ro của ngư dân khi đánh bắt hải sản xa bờ càng cao, vì thế công tác phối hợp, giữ liên lạc giữa cán bộ, chiến sĩ hải quân với tàu cá luôn được duy trì. Để khi ngư dân gặp sự cố trên biển, nhà giàn DK1, tàu trực DK luôn có mặt hỗ trợ, trở thành điểm tựa, "phao cứu sinh” kịp thời của ngư dân.

Với cán bộ quân y Hoàng Tiến Sơn (quê Lạng Sơn) hiện công tác ở nhà giàn DK1/14 thì thật khó kể hết những lần tham gia cấp cứu cho ngư dân gặp nạn trên biển. Như có lần do sơ suất trong một lần lặn sâu dưới biển mà không có sự điều chỉnh kịp thời, thích nghi với thay đổi áp suất, 1 ngư dân bị tắc đường tiểu, nguy kịch tính mạng. May nhờ xử lý kịp thời nên nạn nhân đã qua khỏi giây phút hiểm nghèo. Trong tháng 1/2024, cán bộ quân y Bùi Văn Thọ (nhà giàn DK1/10) phải sơ cứu, khâu 3 mũi cho một ngư dân trong quá trình làm việc trên tàu cá bị dây đập vào đầu. Trước đó, các chiến sĩ nhà giàn phải ra sức phối hợp với tàu cá để đưa nạn nhân tiếp cận nhà giàn qua thang dây...



Các chiến sĩ nhà giàn DK1 cụm Tư Chính chào tạm biệt đoàn công tác từ xa.


Cũng trong tháng 1/2024, trên đường đi thăm, tặng quà chiến sĩ nhà giàn DK1 trong dịp Tết, tàu Trường Sa 04 đã kịp thời hướng dẫn phác đồ điều trị cho 1 trường hợp mắc bệnh da liễu nặng, dài ngày trên biển thuộc tàu đánh cá KH 95599TS. Điều kiện sóng to gió lớn, cán bộ quân y không thể qua tàu cá để thăm khám. Tuy nhiên qua trao đổi bằng khẩu ngữ và ký hiệu, việc truyền tải thông tin về cách điều trị giữa 2 bên cũng được hoàn tất. Tàu cá rời đi cùng sự phấn khởi, biết ơn của ngư dân...

Trong năm 2023, Vùng 2 Hải quân đã thực hiện tốt Chương trình "Hải quân VN làm điểm tựa cho ngư dân bám biển”; nhận đỡ đầu 20 học sinh là con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn; thăm khám sức khoẻ cho gần 500 ngư dân; tặng nhiều phần quà giá trị hơn 300 triệu đồng. Vùng 2 còn duy trì thường xuyên 20 tàu thực hiện các nhiệm vụ trên biển; cấp cứu 16 ngư dân gặp nạn; phát thuốc cho 300 ngư dân các tỉnh bị ốm đau; cứu hộ 5 tàu cá bị hỏng cùng hỗ trợ gần 10 tấn lương thực thực phẩm cho ngư dân.

Đại tá Trần Hồng Hải, Phó Chính uỷ Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cho biết: Cán bộ, chiến sĩ tại tàu trực DK và nhà giàn DK1 ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc thì nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân gặp nạn cũng đặc biệt được quan tâm. Năm vừa qua, Vùng 2 đã xử lý tốt một số trường hợp ngư dân gặp nạn trên biển. Những tàu có khi gặp sự cố đã biết và chủ động tìm đến nhà giàn DK. Đây là tinh thần giữa quân với dân, có ở mọi lúc mọi nơi. Ngư dân cũng là chỗ dựa, là thế trận lòng dân của lực lượng hải quân”.

Những lần chia tay khó quên...


Nhà giàn và các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 là điểm tựa, "phao cứu sinh"  của ngư dân trong quá trình ra khơi, bám biển  

Ngoài lần bịn rịn nơi chân đế nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau, hay nhà giàn DK1/9... các thành viên đoàn công tác và chiến sĩ nhà giàn là có cuộc chia tay theo đúng nghĩa. Những cái bắt tay, nụ cười, lời chúc trên môi... Nhiều phóng viên nữ còn bạo dạn "xin” được ôm các chiến sĩ nhà giàn một lần trước khi xuống xuồng về tàu... Còn lại, hầu hết các cuộc chia tay giữa đoàn công tác và các nhà giàn hay tàu trực đều qua khoảng biển rộng, sóng to, gió lớn... Trên các nhà giàn (DK1/15, DK1/11, DK1/14, DK1/12...), cán bộ, chiến sĩ mặc đồng phục, khoác áo phao, tay phất cờ cùng đồng thanh hô to chào đoàn. Còn trên tàu Trường Sa 04, ngoài Đại tá Trần Hồng Hải, Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân, Trung tá Trịnh Văn Nghị, Phó Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, các chiến sĩ hải quân trên tàu, hơn 40 phóng viên báo chí Trung ương và địa phương tràn ngập ra phía boong, lan can các tầng của tàu. Ngoài tiếng còi tàu ủ, chào 3 hồi rền vang mặt sóng, tiếng sóng biển, tiếng gió ràn rạt, ù ù thổi... là những lời chào vang vọng không gian: "Tạm biệt nhà giàn”, "Chào các anh nhé”, "Chào các đồng chí”, "Ở lại mạnh khỏe, vui nhé”, "Chúc mừng năm mới nhà giàn”, "Hẹn gặp lại”, "Nhớ nhà giàn... nhà giàn... tạm biệt”. Tiếng các thành viên nam khỏe, vang hòa vào tiếng các giọng nữ yếu, mảnh vì lẫn có cả tiếng nấc nghẹn không thể thành lời... Chào nhà giàn thân yêu... chúng tôi đến thăm, chúc Tết, tặng quà mà chẳng thế thấy mặt, chẳng thể trò chuyện hết với cán bộ, chiến sĩ. Về đất liền, dù bận rộn với cuộc sống, công tác, nhưng chắc chắn, hình ảnh nhà giàn giữa 4 bề biển khơi sóng gió, hình ảnh thân thương mà mạnh mẽ của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 vẫn luôn sống trong tâm khảm, trong tim mỗi người. Đem tình cảm, hơi ấm của đất liền đến với nhà giàn DK1, nhưng chính các anh và nhà giàn DK1 đã truyền cảm hứng, nghị lực, sự kiên cường đến với mọi người. Chia tay để trở lại... Nhất định thế... DK1 mãi trong lòng.

Bùi Huy

Các tin khác


Hối hả trên công trường Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng

Đến thời điểm này, các hạng mục dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (NMTĐHBMR) đang được các đơn vị tập trung thi công với quyết tâm cao nhất, bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án.

Mường Thàng hôm nay

Chúng tôi trở lại Mường Thàng - Cao Phong những ngày cuối năm. Thời điểm này, cam - sản phẩm chủ lực của Cao Phong căng tròn, mọng nước. Sản phẩm cam tiếp tục khẳng định thương hiệu không chỉ với thị trường trong nước mà đã được xuất khẩu sang Vương quốc Anh. Sự kiện đánh dấu sau hơn 40 năm (kể từ năm 1980), cam Cao Phong vươn ra thị trường thế giới. Việc tái canh cây cam, vùng cam được chú trọng, người nông dân dần thích ứng với chu kỳ sản xuất cam bền vững.

Ngày mới ở Mường Động

"Yêu nhau cho thịt cho xôi/ Ghét nhau đưa đến Kim Bôi, Hạ Bì” - đó đã là câu chuyện của ngày xa xưa. Kim Bôi hôm nay có thể vẫn chưa thực sự phát triển mạnh, nhưng ôm trong lòng "lộc của trời”, ôm cả những bình yên của một vùng đất du lịch nghỉ dưỡng. Cùng với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đang có những chiến lược cụ thể hướng đến mục tiêu đưa Mường Động "cất cánh”.

Toả ngát "những bông hoa" lao động giỏi, lao động sáng tạo

Khắp công xưởng, nhà máy tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh sôi nổi không khí thi đua lao động sản xuất những ngày cuối năm. Nhiều sáng kiến hữu ích được ứng dụng vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp (DN). Phong trào thi đua (PTTĐ) "Lao động giỏi - lao động sáng tạo” đã lan tỏa rộng rãi trong công nhân lao động (CNLĐ). Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, đóng góp tích cực cho DN.

Chuyện về “người nhái” sông Đà

Sông Đà được khắc họa đậm nét trong tùy bút "Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân. Dòng sông lúc hiền hòa, dịu êm, lúc gắt gỏng thác lũ, lạnh lùng với những vách núi đá sừng sững. Ấy vậy mà có những con người bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng chinh phục dòng nước, đó là những "người nhái” sông Đà, những người "lính” thủy điện can trường.

Những “cây đại thụ” trong đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở

Không chỉ tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà những già làng, trưởng bản, người có uy tín (NCUT) trong cộng đồng dân cư vốn được coi là những "cây đại thụ” còn tích cực tham gia đóng góp hiệu quả vào công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) ngay từ cơ sở.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục