Nghệ nhân Đinh Kiều Dung (người đi đầu) cùng các diễn viên, nghệ nhân Kim Bôi tại Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh và Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Hòa Bình lần thứ I.

Nghệ nhân Đinh Kiều Dung (người đi đầu) cùng các diễn viên, nghệ nhân Kim Bôi tại Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh và Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Hòa Bình lần thứ I.

(HBĐT) - Cách đây hơn 20 năm (năm 1991), sau thời kỳ tái lập tỉnh, nữ ca sĩ nghiệp dư Kiều Dung (Kim Bôi) được nhiều người hâm mộ biết đến với giải thưởng: Huy chương vàng Sơn Ca toàn quốc.

Sau đó, khá nhiều hội diễn, các cuộc thi đơn ca cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc, chị luôn là sự lựa chọn số 1 của Kim Bôi với sự tin tưởng. Trong bộ trang phục dân tộc Mường, người phụ nữ Mường Động đó đã chinh phục những người yêu nghệ thuật bằng giọng ca trong sáng, đậm chất dân gian. Thời gian dần trôi, sau hơn 20 năm, nhan sắc đằm thắm một thời đã phần nào nhạt phai nhưng niềm đam mê nghệ thuật dân gian, nghệ thuật văn hóa Mường chẳng hề phai giảm. Chị đã, đang tiếp tục nuôi dưỡng, thực hiện tình yêu của mình bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.  

Từ chuyện lớp hát, lớp cồng ở xóm Bo… 

 

Gặp lại chị khi dư âm những ngày văn hoá đặc sắc chào mừng Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh và lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh lần thứ nhất vẫn lắng đọng. Thế nhưng, chị vẫn bồi hồi tâm đắc: Là con em người Mường Hoà Bình, mình thấy xốn xang, tự hào vô cùng khi được đại diện cho Mường Động đến với ngày hội. Vui hơn nữa khi thấy lứa đàn em, đàn cháu mình cùng đoàn Kim Bôi có những cảm nhận sâu sắc về văn hoá Mường Hoà Bình. Có em nói một câu mà mình cảm động mãi: Được khoác lên mình bộ trang phục dân tộc Mường, đánh cồng chiêng và hát dân ca Mường; được chứng kiến đoàn đoàn, lớp lớp phụ nữ, thiếu nữ dân tộc đánh cồng trên đường phố Hoà Bình, thấy hãnh diện vô cùng.

 

Câu chuyện dần lần ngược về năm 2004, khi chị đặt những viên gạch đầu tiên cho lớp học “đánh cồng chiêng và hát dân ca Mường” ở xóm Bo (xã Kim Bình) quê hương. Mở lớp không hẳn vì chị là “hội viên văn nghệ dân gian”, không hẳn vì khả năng truyền giảng và dồi dào về vốn cổ mà xuất phát từ điều thẳm sâu: làm sao văn hoá Mường không phôi phai, tàn lụi mà luôn bền vững, phát triển cùng năm tháng. Điều đó được chị hiểu cụ thể: con em người Mường phải biết hát dân ca Mường, biết đánh cồng Mường. Trang phục dân tộc Mường với những dây bạc xà tích rong reng, “đênh” xanh thắt eo người phụ nữ, tôn vinh vẻ đẹp sơn nữ đang bị đời sống đương đại lấn át và nhà sàn của người Mường cũng mất dần chỗ đứng thì điều níu kéo lại phải bắt nguồn từ đời sống tâm hồn của người Mường. Vì thế, chị đã âm thầm thực hiện những kế hoạch của mình. Biết được dự định đó, con em người Mường ở xóm Bo hào hứng chờ ngày được hát những điệu dân ca, được cầm trên tay vật báu hồn thiêng mà cha ông để lại. Thế rồi, vào những đêm cuối tuần ở xóm Bo đã trở thành những đêm văn nghệ sôi động, hào hứng. Khoảng 20 em nhỏ từ 6-14 tuổi đã được cô Dung dạy những bài “Ru ún”, “Mời trầu”, “Lời ru ban đêm”, “Lời ru ban ngày” theo lối hát của người Mường trong cuộc sống thường ngày cùng các bài cồng người Mường Động, Mường Bi từng có. Tiếng lành đồn xa, các cháu, các em ở các xóm khác như xóm Lạng, Lục Đồi, Bãi cũng nài bố mẹ đèo xe đến để “thụ giáo”. Nhưng vì những lý do khác nhau như: không có địa điểm bảo đảm cho việc thu nạp các học viên nhí cũng như phương tiện tập luyện: trang âm, thiết bị và nhất là không đủ lượng cồng chiêng cho các cháu tập (bộ có 8 chiếc do các cụ cao tuổi cho mượn nhưng đã hỏng 3 chiếc) nên các cháu ở xóm khác đành phải nén lòng chờ đợi.  Từ năm 2004 đến nay, lớp cô Dung nếu tính kỹ ra, cũng cho tốt nghiệp từ 6-7 lượt với trên 30 học viên được theo học hát dân ca và đánh cồng. Nhiều em đã trưởng thành nhanh chóng, đủ sức là bạn diễn của chị tại các ngày hội văn hoá, các ngày lễ kỷ niệm của huyện, của tỉnh như Bùi Thuý Ngần, Bùi Thuỳ Linh. Điều chị mừng nhất là nhiều diễn viên trẻ sau khi học ở xóm Bo đã đi học, đi làm ở nhiều nơi trong, ngoài tỉnh vẫn phát huy được vốn mà chị truyền dạy và đem đến cho người xem, người nghe thưởng thức những làn điệu, bài cồng Mường nhiều cảm xúc. Lứa nghệ nhân nhí hôm nay như Bùi Thu Hà, Bùi Thị Bảo... cũng đang đồng hành cùng chị trong những buổi học đầy hứng thú và say mê... Phòng VH-TT huyện Kim Bôi (nơi chị công tác) và những người tâm huyết với văn hoá Mường ở vùng Tứ Động (các bố, các mế ở Kim Bình, gia đình, người thân...) vẫn tiếp tục quan tâm, động viên, ủng hộ chị trên con đường đã chọn, dù có muôn vàn khó khăn, thách thức...

 

Đến những trăn trở và dự định...

 

Đã có lúc nào chị hết đam mê và thấy mệt mỏi? Câu trải lòng của chị: Vẫn đau đáu, trăn trở với việc mở lớp vì vẫn vẹn nguyên niềm đam mê nhưng cũng có lúc mỏi mệt. Có lúc khát khao một bộ cồng đủ các sắc âm để dạy cho các cháu được vẹn đầy hơn nhưng cũng không dễ dàng. Thế điều ước của chị? Chị Dung chân thành chia sẻ: Chỉ muốn có được sự chỉ đạo, điều hành của ngành chức năng, của huyện về việc mở lớp cho các bạn trẻ. Kèm theo là các điều kiện về hoạt động mở lớp (ví dụ như có chút kinh phí để trang trải nước nôi cho lớp, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học). Nếu mỗi huyện có được 1 lớp thôi cũng là nền tảng quý giá lắm rồi bởi vì không chuẩn bị từ hôm nay, lớp trẻ sau này sẽ xa lạ với vốn quý cha ông để lại. Nhìn ngay ở Kim Bôi, nhiều nghệ nhân dân gian vì tuổi cao, sức yếu đã qua đời, để lại một khoảng trống cho những người tiếp nối. Nếu không làm nữa, sự tiếp nối cũng dừng lại. Anh Nguyễn Quang Huy, Phó phòng VH-TT huyện Kim Bôi tiết lộ thêm: Chị Dung đang ấp ủ dự định sẽ phối hợp với trường DTNT huyện mở thí điểm giống như mô hình ở xóm Bo. Chỉ cần mỗi tuần một lần, các em có thể được học, được cảm nhận về dân ca, cồng Mường. Nếu mở được 3 lớp  (1 lớp có khoảng 15-20 em), các em sẽ là nhân tố cho việc truyền dạy cho nhiều nơi khác trên địa bàn huyện. Nhưng đấy cũng chỉ là ý tưởng và khó thành công nếu không có sự đồng hành chung của các cấp, ngành hữu quan. Chị cũng sợ điều ấy là xa vời vì ngay như điều đơn giản nhất là lớp học cần có 1 bộ cồng chiêng cũng không dễ dàng có, giống như tình hình đang diễn ra ở lớp học xóm Bo. Dẫu vậy, chị vẫn tin và hy vọng, tỉnh sẽ có những động thái tích cực sau lễ hội văn hóa cồng chiêng hoành tráng vừa qua.

 

 

                                                                                  Văn Tưởng

 

Các tin khác


Về Hà Giang ăn cháo... Ấu Tẩu

Đến Hà Giang mà chưa đi cao nguyên đá Đồng Văn, chưa ăn miếng thịt to, chưa uống bát rượu đầy, chưa ăn bát cháo độc dược... thì coi như chưa đến. Anh bạn đồng nghiệp đã khẳng định chắc nịch ngay khi chúng tôi vừa đặt chân lên mảnh đất này.

Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Nhà tù Sơn La - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi được ví như "địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng đã từng giam cầm, đày ải những người yêu nước và chiến sỹ cộng sản. Ngày nay, di tích này là "địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước.

Gặp gỡ chiến sỹ Điện Biên

Các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với họ, thanh xuân hào hùng của một thời hoa lửa và ký ức về những ngày tháng gian khổ mà rất đỗi tự hào năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục