(HBĐT) - Hơn 20 năm qua, thầy giáo Trần Đức Long, giảng viên Trung tâm Chính trị huyện Lạc Thủy cần mẫn tìm tòi, sưu tầm những tư liệu về Bác Hồ và tập trung nghiên cứu các chuyên đề về Người. Năm 2003, thầy Long là người đầu tiên giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện, thầy sở hữu "tài sản” trên 300 bài thơ của Bác Hồ và 6 chuyên đề nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh.



Thầy Trần Đức Long trao đổi nghiệp vụ với cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy và giảng viên Trung tâm Chính trị huyện Lạc Thủy.

Năm 2001, khi về công tác tại trung tâm, ngoài việc giảng dạy, thầy Long dồn hết tâm huyết vào việc sưu tầm, ghi chép lại những bài nói chuyện, mẩu chuyện về cuộc đời, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua báo chí, mạng internet. Năm nay 60 tuổi, đối với thầy, niềm đam mê sưu tầm những câu chuyện, bài nói chuyện của Bác Hồ luôn cháy bỏng và như "lẽ sống".

Thầy Long tâm sự: "Tuy không được gặp Bác, nhưng tất cả tài liệu mà tôi dày công sưu tầm được trong thời gian qua đủ để tái hiện cuộc đời cũng như những phẩm chất cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tôi, đó là tài sản quý giá nhất". Miệt mài theo đuổi đam mê, với bộ sưu tập khá đồ sộ hơn 300 bài thơ của Bác và 6 chuyên đề nghiên cứu dài hàng trăm trang về những vấn đề liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Theo dấu chân Bác, Những người thân trong gia đình Bác Hồ, Chung quanh việc giữ gìn thi hài Bác, Hồ Chí Minh trong lòng bạn bè quốc tế… Mỗi chuyên đề đều là tâm huyết và lòng kính yêu đối với Bác.

Đặc biệt, từ khi thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thầy Long lại càng cố gắng thực hiện thật tốt công tác tuyên truyền về tư tưởng Hồ Chí Minh, những bài học qua các câu chuyện của Người trong những buổi giảng dạy trên lớp và các buổi giao lưu, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề với các đảng bộ, chi bộ, trường học... Những tài liệu quý của thầy được đưa ra trong buổi sinh hoạt chi bộ để tất cả đảng viên nghiên cứu, học tập và làm theo gương Bác. Tại chi bộ thầy sinh hoạt, chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được diễn ra khá đều đặn, hiệu quả rõ nét, góp phần chuyển biến nhận thức, tư tưởng của không ít cán bộ, đảng viên.

Trong cuộc hành trình sưu tầm những tư liệu về Bác, thầy Long có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Theo lời kể của thầy, thời điểm cuối năm 2021, trong chuyến thăm quan hang Pắc Bó (Cao Bằng) tình cờ gặp một nhóm các cựu chiến binh bàn luận về quá trình Bác Hồ bị bắt, ra tù và trở về Pắc Bó. Với những hiểu biết của mình, thầy Long đã giải đáp thắc mắc một cách rõ ràng theo cả quá trình.

Từ đam mê những câu chuyện về Bác đã giúp thầy Long học được rất nhiều bài học quý giá từ tấm gương đạo đức của Người. Thầy luôn noi gương, học tập và làm theo những lời Bác Hồ dạy trong công việc cũng như cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Ngoài việc sưu tầm những câu chuyện và nghiên cứu về cuộc đời Bác Hồ, vào những ngày cuối tuần, thầy dành thời gian làm vườn, trồng cây ăn quả. Khu vườn của gia đình thầy tại xã An Bình được công nhận vườn mẫu theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Với những hoạt động giảng dạy, nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, thầy Long được Ban Tuyên giáo Huyện ủy biểu dương cá nhân điển hình có thành tích trong học tập và làm theo Bác.

Thầy Long chia sẻ: Sau khi nghỉ hưu, tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm các câu chuyện về Bác, hy vọng các cấp, ngành đẩy mạnh việc tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, để từ đó học tập, noi theo tấm gương của Người.

Đinh Thắng

Các tin khác


Bùi Văn Hiệp - gương mặt tiềm năng của thể thao Hòa Bình

(HBĐT) - Sinh năm 2007 tại xã vùng cao Ngổ Luông (Tân Lạc), Bùi Văn Hiệp là gương mặt trẻ, đa tài, nỗ lực tập luyện để phát triển tài năng thể thao. Gắn bó với thể thao thành tích cao khoảng hơn 4 năm, Bùi Văn Hiệp đã gặt hái được những tấm huy chương quý giá.

Người “giữ lửa” văn hoá dân tộc Mường

(HBĐT) - Đã bước sang tuổi 60 nhưng đam mê dành cho văn hóa Mường của bà Đinh Thị Kiều Dung, khu dân cư Bo, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi chưa bao giờ vơi. Bà vẫn dành phần lớn thời gian nghiên cứu, sưu tầm và lưu truyền bản sắc đặc trưng của văn hóa Mường. Đối với bà, những việc đã, đang làm không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường tại địa phương mà cũng là một cách để bà học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cô Vũ Thị Huế - hội viên khuyến học tâm huyết

(HBĐT) - Cô Vũ Thị Huế sinh năm 1960, sống tại khu phố Yên Bình, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) nguyên là giáo viên tiểu học nghỉ hưu từ tháng 4/2015. Với tâm huyết của người giáo viên yêu nghề, mến trẻ, cô tiếp tục cống hiến cho phong trào khuyến học của địa phương. Tháng 10/2015, cô Vũ Thị Huế xin vào Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học thị trấn Hàng Trạm. 

Mạnh dạn khởi nghiệp, thành công bước đầu

(HBĐT) - Chỉ sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình khởi nghiệp trang trại chăn nuôi dúi thịt và dúi sinh sản của Bùi Văn Nhật, xóm Bãi Đa, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Chàng trai bản Khem quyết tâm làm giàu trên quê hương

(HBĐT) - Từ bỏ công việc có thu nhập cao, chàng thanh niên người Tày - Lò Văn Tuất (SN 1994) quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Khởi nghiệp từ mô hình kinh tế tổng hợp với không ít khó khăn, nhưng Tuất đã có định hướng cho riêng mình.

Chiến sỹ công an nhặt được của rơi trả lại người mất

(HBĐT) - Công an huyện Lương Sơn vừa nhận được thư cảm ơn của anh Trần Quang Thiện, sinh năm 1973, trú tại xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, hiện đang làm công nhân tại huyện Lương Sơn. Anh Thiện bày tỏ xúc động, cảm kích trước việc làm tận tụy, vì Nhân dân phục vụ của cán bộ Công an huyện Lương Sơn đã giúp anh tìm lại tài sản bị mất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục