(HBĐT) -Ứng dụng các nền tảng số để thúc đẩy trao đổi hàng hóa trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) là xu thế tất yếu của nền kinh tế số hiện nay. Đặc biệt, thời gian qua, dưới tác động của dịch Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến tăng mạnh. Nắm bắt thời cơ, tỉnh đã, đang đẩy mạnh việc hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp (HSXNN) lên sàn TMĐT. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.


Nhân viên Viettel Post khảo sát, hướng dẫn một số hợp tác xã trên địa bàn huyện Lạc Sơn livestream bán hàng và các kỹ năng khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử VoSo.vn.

Giải pháp căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu

Hòa Bình hiện có nhiều nông sản chủ lực như cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi), lợn bản địa, gà, cá sông Đà… Năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của sản phẩm nông nghiệp chủ lực ngày càng tăng; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao. Toàn tỉnh hiện có 100 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm: 22 sản phẩm đạt 4 sao, 78 sản phẩm đạt 3 sao; trên 10 nghìn ha cây ăn quả có múi, diện tích thu hoạch trên 8 nghìn ha, sản lượng năm 2021 khoảng 15,5 vạn tấn. Đến nay, đã chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ cho 3.525 ha sản phẩm quả các loại, 561 ha rau các loại; chứng nhận cho 1.945 lồng cá, 22 cơ sở chăn nuôi. Ngoài ra, có 3 công ty chuyên liên kết với các hộ chăn nuôi để chăn nuôi lợn khép kín và cung cấp khoảng 19.500 tấn sản phẩm cho thị trường. 

Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn rất lớn đến hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ hàng hóa theo phương thức truyền thống gặp nhiều cản trở. Tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 194/KH-UBND, ngày 4/10/2021 về việc hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT; thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2021.
 
Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đã chủ động nắm bắt cơ hội, đưa sản phẩm nông sản lên các sàn TMĐT uy tín như: Sendo, Shoppe, Lazada, Postmart, Voso… Sản phẩm lên sàn TMĐT đa dạng, phong phú từ sản phẩm tươi sống, chế biến… 

Chị  Triệu Thị Oanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dược liệu cổ truyền H20 Việt Nam (TP Hòa Bình) chia sẻ: Song song với sản xuất, HTX dược liệu cổ truyền H20 luôn chủ động tìm kiếm, mở rộng kênh tiêu thụ, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ số, bán hàng trên các sàn TMĐT. Hiện, 2 sản phẩm OCOP cấp tỉnh của HTX là An phục khớp và Anphutri được bán trên sàn TMĐT Lazada.vn, Shopee.vn… Bán hàng trên sàn TMĐT giúp HTX không tốn kinh phí cho khâu trung gian, có sức lan tỏa rộng, nhiều phân khúc khách hàng tại các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, để tạo được thương hiệu trên các sàn TMĐT, HTX cam kết đảm bảo về chất lượng, số lượng, nếu vi phạm phải chịu xử phạt theo quy định của từng sàn TMĐT. Năm 2021, tại sàn Lazada có thời điểm HTX bán cháy hàng; doanh thu của HTX đạt hơn 4 tỷ đồng gồm cả xuất tinh và xuất thô.  

Niên vụ 2021 - 2022, toàn huyện Cao Phong có tổng diện tích trên 1.917 ha cây ăn quả có múi, sản lượng ước đạt trên 22.000 tấn. Để mở rộng kênh tiêu thụ cam Cao Phong trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND huyện đã phối hợp với Sở Công Thương ký cam kết tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn TMĐT Posmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Voso.vn của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel. Qua đó, mở thêm cơ hội cho nông dân giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng cả nước, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa nông dân với người tiêu dùng, không qua khâu trung gian. Đã có 23 tấn cam Cao Phong được tiêu thụ trên sàn TMĐT Postmart.vn và 17,5 tấn tiêu thụ tại sàn Voso.vn.

Thực hiện Kế hoạch số 194/KH-UBND, ngày 4/10/2021 của UBND tỉnh, Sở TT&TT tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền triển khai thực hiện kế hoạch. Sở NN&PTNT, Sở Công Thương phối hợp cùng các cơ quan chức năng và đại diện các sàn TMĐT trực tiếp hướng dẫn các HSXNN những quy định về hàng hóa theo cam kết, đảm bảo nông sản an toàn chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các HSXNN được hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT… 
 
Thời gian qua, Bưu điện tỉnh và Chi nhánh Bưu chính Viettel Hòa Bình luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, HTX, HSXNN trong hành trình đưa nông sản lên sàn TMĐT. Theo đó, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Cục xúc tiến thương mại, Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức 25 lớp tập huấn đào tạo kỹ năng đưa sản phẩm lên sàn TMĐT và đưa vào tiêu thụ qua hệ thống Bưu điện trên toàn mạng lưới. Đến nay, Bưu điện tỉnh đã hỗ trợ được 866 HSXNN, HTX; 443 hộ có gian hàng và tài khoản mua bán trên sàn TMĐT; 562 sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT, trong đó có 89 sản phẩm OCOP. Ngoài tạo kênh bán hàng Online thông qua sàn TMĐT Postmart.vn, Bưu điện tỉnh còn đưa một số nông sản vào tiêu thụ qua hệ thống Bưu điện theo kênh bán Offline. Qua đó giúp nông dân có thêm nhiều cơ hội tiêu thụ nông sản. Đã có 2,5 tấn nhãn Sơn Thủy, 3,7 tấn na, 3.050 tấn thanh long ruột đỏ (Lạc Thủy), 3,5 tấn bưởi da xanh (Tân Lạc), 23 tấn cam Cao Phong, 74,4 tấn cam Lạc Sơn, Lạc Thủy… cùng nhiều nông sản khác được tiêu thụ qua sàn TMĐT Postmart.vn. 

Theo thống kê, Chi nhánh Bưu chính Viettel Hòa Bình đã hỗ trợ 5.297 hộ sản xuất nông nghiệp về kỹ năng số, kỹ năng hoạt động trên mạng, hướng dẫn quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận. Đã có 525 sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT Voso.vn. Sàn TMĐT Voso.vn tiêu thụ được 17,5 tấn cam Cao Phong, 5,5 tấn bưởi da xanh, 30.240 quả trứng gà, 1,3 tấn bí xanh…

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh: Đưa nông sản lên sàn TMĐT góp phần tạo thêm kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững cho nông sản địa phương; tạo một không gian kinh doanh mở, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, mang lại nhiều cơ hội để nông sản chất lượng cao của tỉnh đến tay người tiêu dùng trong nước và vươn tới quốc tế. Sàn TMĐT giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, thông qua sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết mùa vụ… 

Để sàn thương mại điện tử thực sự là cuộc cách mạng chuyển đổi số nông nghiệp

Theo đánh giá của các sở, ngành, địa phương mặc dù thời gian qua việc đưa nông sản lên sàn TMĐT giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19, song số lượng hàng nông sản tiêu thụ trên các sàn TMĐT còn khiêm tốn. Đối tượng chính tham gia chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể nên kiến thức về kinh doanh trực tuyến còn hạn chế. Đa số nông sản chủ yếu là sản phẩm mùa vụ nên thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn, việc bảo quản khó khăn; công tác đóng gói, bảo quản, vận chuyển để bảo đảm độ tươi, ngon khi đến tay người tiêu dùng cũng là một thách thức lớn. Các tổ chức, cá nhân mới tiếp cận tham gia sàn TMĐT nên còn nhiều bỡ ngỡ, việc chăm sóc gian hàng trên mạng chưa được chú trọng như hình ảnh quảng bá chưa bắt mắt, việc thay đổi giá bán chưa kịp thời... Một số HSXNN chưa đủ các điều kiện đảm bảo đề đưa các sản phầm lên sàn TMĐT như thiếu điện thoại thông minh, điện thoại cấu hình thấp dẫn tới hình ảnh chất lượng kém…

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 khiến một số doanh nghiệp, hộ sản xuất, HTX phải tạm dừng hoạt động do sức tiêu thụ thấp, chi phí sản xuất cao. Công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về ATTP; ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng số; cách thức bán hàng trên môi trường số thông qua phương thức livetream; cách thức tham gia và hoạt động trên nền tảng sàn TMĐT chưa được triển khai thường xuyên do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Để tiếp tục hỗ trợ đưa các HSXNN, hộ kinh doanh cá thể, HTX, THT đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh, thời gian tới, Sở TT&TT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp sở hữu sàn TMĐT hình thành các "Hộ SXNN số” có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn TMĐT. Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Hòa Bình và Tập đoàn FPT chủ động bố trí nguồn lực, nhân lực, tập trung triển khai các hoạt động đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc được giao. Tăng cường đánh giá, gắn nhãn sản phẩm. Bên cạnh đó, cần nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn TMĐT cho các hộ SXNN và người dân; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn TMĐT, nền tảng số.

Thu Thuỷ

Thay đổi tư duy của nông dân để sử dụng hiệu quả công nghệ

Nông dân đã quen với việc bán nông sản trực tiếp và phụ thuộc nhiều vào tư thương nên khi chuyển đổi sang phương thức bán hàng trực tuyến vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Mọi người chưa quen thao tác trên các thiết bị và ứng dụng thông minh. Do đó, khi Viettel Post hỗ trợ tập huấn, trang bị kiến thức về chụp ảnh, cập nhật đơn hàng, tương tác với khách hàng cho tới việc đóng gói, bảo quản sản phẩm các hộ sản xuất, HTX còn bỡ ngỡ. Hiện, Viettel Post đang hỗ trợ miễn phí các kinh phí đưa nông sản lên sàn TMĐT Voso.vn, các hộ sản xuất chưa mất phí nên chưa chủ động tương tác với đội ngũ nhân viên của Viettel Post. Để việc đưa nông sản lên sàn TMĐT đạt hiệu quả các HSXNN phải hiểu và sử dụng đầy đủ các tính năng của công nghệ, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ. Nông dân cần xây dựng uy tín bằng hình ảnh, chất lượng cho đến việc giới thiệu đầy đủ thông tin về sản phẩm, tự tin livestream hoặc trả lời khách hàng để tăng tương tác. 

Nguyễn Thị Thu Hiền
Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Hòa Bình

Hỗ trợ nông dân, hợp tác xã bán hàng online 

Hiện nay, khả năng tiếp cận, mức độ nắm bắt công nghệ còn hạn chế khi giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên sàn TMĐT. Thời gian qua, các công việc như đóng gói sản phẩm đạt chuẩn theo yêu cầu, chụp ảnh sao cho hấp dẫn đều được nhân viên các sàn TMĐT "cầm tay chỉ việc”, thậm chí làm cho. Mặt khác, khi đưa nông sản lên sàn TMĐT phải đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, tiêu chuẩn ATTP, thời gian giao hàng… nếu không đảm bảo theo cam kết với các sàn TMĐT các hộ sản xuất, HTX sẽ phải giải quyết các khúc mắc từ phía người tiêu dùng, thậm chí sẽ phải chịu phạt từ các sàn TMĐT. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường hỗ trợ, tổ chức nhiều chương trình tập huấn cho  nông dân, HTX về kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2022, từ nguồn kinh phí Đề án thuộc chương trình phát triển TMĐT Quốc gia năm 2022, Sở Công Thương sẽ tổ phối hợp với các sở, ngành, địa phương mở lớp đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, HTX, người dân về các nội dung liên quan đến TMĐT; xây dựng sàn giao dịch TMĐT tỉnh Hòa Bình. 

Trần Trung Hiếu
Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương)

Các tin khác


1.581 hộ đồng bào dân tộc có nhu cầu sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư

(HBĐT) - Theo báo cáo của UBND tỉnh, qua rà soát, tỉnh có 1.126 hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhu cầu sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tại chỗ, xen ghép và 455 hộ cần bố trí ổn định dân cư tập trung.

Xã Chí Đạo phát triển các mô hình sản xuất để giảm nghèo bền vững

(HBĐT) - Cách đây hơn 6 năm, anh Bùi Văn Chiến, hộ cận nghèo xóm Ong Man, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) được vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội phát triển chăn nuôi trâu theo hướng vỗ béo. Cùng với sự nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu thị trường, anh mở thêm cửa hàng kinh doanh đồ điện gia dụng và mặt hàng gas tiêu dùng tại nhà.

Xã Tử Nê quan tâm cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Nhờ được phân bổ các nguồn lực và thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển KT-XH, đời sống người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) xã Tử Nê, huyện Tân Lạc nói riêng đã có nhiều đổi thay.

Triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc

(HBĐT) - Hiện nay, các chính sách dân tộc tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn vùng dân tộc đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ĐBDTTS; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân chương trình phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2021 – 2023) và đánh giá kết quả 9 tháng năm 2023 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021 -2025 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh chủ trì hội nghị.

Huyện Lạc Thủy chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Những năm qua, huyện Lạc Thủy đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của ĐBDTTS được nâng lên rõ rệt, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục