Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
gặp Thủ tướng Bỉ Y-vơ Lơ-téc-mơ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Bỉ Y-vơ Lơ-téc-mơ.

Bên lề Hội nghị hằng năm Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2010 tại Ða-vốt (Thụy Sĩ), ngày 29-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Thủ tướng Vương quốc Bỉ Y-vơ Lơ-téc-mơ. Hai Thủ tướng vui mừng trước mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Hai Thủ tướng nhất trí rằng, trên cơ sở quan hệ hợp tác tốt đẹp, hai nước sẽ phối hợp tốt, bảo đảm thành công Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 8 (ASEM-8) vào tháng 10-2010, trong bối cảnh Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN năm 2010 và Bỉ đảm nhiệm chức Chủ tịch EU sáu tháng cuối năm 2010.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các dự án của Bỉ tại Việt Nam. Mong muốn hai nước sớm đàm phán Chương trình hợp tác định hướng giai đoạn sau 2010; tiến tới thành lập Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Bỉ; mong muốn Bỉ ủng hộ đẩy nhanh quá trình ký kết Hiệp định khung về Ðối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU, nâng quan hệ với EU lên tầm cao mới, qua đó sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương với Bỉ, một thành viên rất tích cực của EU. Thủ tướng Lơ-téc-mơ khẳng định, Bỉ sẽ tiếp tục hợp tác, ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc đổi mới và mở rộng quan hệ với EU và các nước thành viên; tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước này tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư, viện trợ phát triển cho Việt Nam.


 

* Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Phó Thủ tướng Thường trực Trung Quốc Lý Khắc Cường, trao đổi các biện pháp thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Thường trực Lý Khắc Cường nhất trí tiếp tục phối hợp tổ chức tốt các hoạt động của Năm Hữu nghị Việt - Trung 2010; tiếp tục tăng cường tiếp xúc cấp cao, thúc đẩy quan hệ giao lưu giữa các bộ, ngành, địa phương, giao lưu hữu nghị nhân dân, đặc biệt giữa thế hệ trẻ hai nước. Hai bên nhất trí cần sớm ký kết Bản Quy hoạch 5 năm phát triển kinh tế, thương mại Việt - Trung; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án cơ sở hạ tầng trong "Hai hành lang, một vành đai", phấn đấu thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại 25 tỷ USD vào năm 2010.


 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để cùng với Trung Quốc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm 16 chữ và tinh thần bốn tốt. Phó Thủ tướng Thường trực Lý Khắc Cường cho rằng, quan hệ hai nước phát triển thuận lợi, hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Hai bên bày tỏ tin tưởng vấn đề trên biển sẽ từng bước được giải quyết phù hợp quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.


 

* Sáng 29-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tổng thống các nước Mê-hi-cô, Hàn Quốc, Nam Phi; Thủ tướng Ca-na-đa và Thủ tướng Tây Ban Nha đã tham dự phiên họp toàn thể với chủ đề "Tái định hình nền quản trị toàn cầu". Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu và những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra gần đây cho thấy rõ hơn những bất cập của hệ thống quản trị toàn cầu, đòi hỏi sự cần thiết phải cải tổ và tăng cường với những cơ chế, cách thức mới, bảo đảm dân chủ, kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia với lợi ích toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, xem xét giải quyết vấn đề đói nghèo ở một quốc gia phải xem xét tới cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Giải quyết đói nghèo, trước hết quốc gia đó phải bằng nội lực của chính mình để vượt qua, các nước phát triển gây ra đói nghèo cho các nước khác cũng phải gánh một phần trách nhiệm... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các nước đề cập các biện pháp hiệu quả nhất trong quá trình các nước phát triển viện trợ các nước nghèo, các giải pháp phát triển công nghệ sạch, cắt giảm khí thải để phát triển bền vững cũng như định hướng phát triển để Nhóm G-20 trở thành một cơ chế quản trị toàn cầu mới hữu hiệu hơn.


 

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp báo với giới truyền thông quốc tế về việc Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN, chủ nhà Diễn đàn Kinh tế Ðông Á 2010 và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao WEF Ða-vốt 2010 đã lựa chọn các chủ đề rất có ý nghĩa. Cảm ơn WEF đã lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức Diễn đàn Kinh tế Ðông Á năm 2010, Thủ tướng cho biết, diễn đàn sẽ được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh. Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với WEF để xây dựng một chương trình nghị sự thật sự hữu ích cho các doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo, các học giả và giới truyền thông quốc tế tham dự diễn đàn.


 

Trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2010, Việt Nam lựa chọn Chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động", thể hiện phương châm hành động xuyên suốt của ASEAN trong năm 2010. Trọng tâm và ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2010 sẽ là triển khai Hiến chương và Cộng đồng ASEAN, tăng cường hợp tác để ứng phó những biến động toàn cầu, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối tác của ASEAN trên tinh thần thúc đẩy vai trò của ASEAN trong các vấn đề quốc tế.


 

Thủ tướng cho biết, năm 2009, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn là một trong số ít nước có tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt 5,32%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, an sinh và phúc lợi xã hội được coi trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12%; chính trị-xã hội tiếp tục ổn định; đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Trả lời câu hỏi của phóng viên quốc tế về dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2010, Thủ tướng cho biết, quý IV-2009 kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,9% và Việt Nam có đủ cơ sở để dự báo năm 2010 tăng khoảng 7% và 2011-2012 sẽ đạt 7-8%, bằng mức tăng trưởng trong hai thập kỷ qua. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đưa ra mục tiêu không để lạm phát cao, trong đó năm 2009 lạm phát 6,5% và năm 2010 hoàn toàn đủ khả năng kiềm chế lạm phát khoảng 7%. Thủ tướng đã trả lời các câu hỏi của phóng viên quốc tế liên quan đầu tư nước ngoài, tỷ giá...


 

Thủ tướng đã tiếp một số lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Metro, Prudential, Holcim...


 

* Chiều 29-1, tại Trung tâm Hội nghị Ða-vốt (Thụy Sĩ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số quốc gia, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ và lãnh đạo các tập đoàn kinh tế đã tham dự Phiên họp toàn thể về an ninh lương thực.


 

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh, bảo đảm an ninh lương thực không chỉ thuần túy là vấn đề kinh tế hay nhân đạo, mà còn có vai trò quan trọng đối với sự ổn định chính trị xã hội của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, an ninh lương thực là một vấn đề mang tính toàn cầu, cần sự quan tâm đặc biệt khi thế giới vẫn còn hơn một tỷ người bị đói và nhu cầu lương thực thế giới sẽ tăng gần gấp hai lần hiện nay vào năm 2050, thời điểm dân số thế giới sẽ lên đến hơn chín tỷ người. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các nỗ lực của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, đứng đầu là hệ thống các cơ quan của LHQ, trong đó có Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), trong việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và thế giới thời gian qua. Tuy nhiên, các tiến bộ về bảo đảm an ninh lương thực còn chậm, chưa vững chắc và đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần tìm ra cách làm mới để bảo đảm lương thực cho thế giới một cách nhanh hơn, bền vững hơn. Từ thực tiễn là một nước từng chịu cảnh thiếu đói trong nhiều thập kỷ, ngày nay vươn lên thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, bảo đảm an ninh lương thực cần thực hiện đồng bộ cả ba nội dung, đó là bảo đảm tính sẵn có (nguồn cung lương thực, đầy đủ mọi nơi, mọi lúc), tính ổn định (hệ thống phân phối ổn định) và khả năng tiếp cận của người dân (có khả năng mua lương thực). Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về an ninh lương thực với các nước khác và cộng đồng quốc tế, thông qua các chương trình hợp tác song phương, đa phương, đặc biệt là Chương trình hợp tác Nam - Nam vì An ninh lương thực của FAO... Là một trong số ít những nước được dự báo chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, đặc biệt tình trạng nước biển dâng, nhưng lại là nước hằng năm cung cấp khoảng 1/5 lượng gạo xuất khẩu của thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu (BÐKH), trước hết trong việc triển khai Chương trình hành động thích ứng đối với BÐKH của ngành nông nghiệp giai đoạn 2008-2020 nhằm góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho Việt Nam, đồng thời cũng là góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho khu vực và thế giới.


 

Cũng tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo kiến nghị cải tổ và mở rộng chức năng, tăng cường quyền lực cho FAO để tổ chức này đóng vai trò hiệu quả hơn trong việc điều phối hỗ trợ các hoạt động liên quan đến định hướng, sản xuất, phân phối lương thực trên toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cần có một cơ chế liên kết để các nước có thể hợp tác và hỗ trợ nhau khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong nỗ lực phát triển nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần cam kết loại bỏ và cắt giảm tối đa mọi hàng rào quan thuế và phi quan thuế đối với nông sản và thực phẩm. Ðặc biệt, các nước phát triển phải xóa bỏ ngay và vô điều kiện các khoản trợ cấp khổng lồ dành cho nông nghiệp trong nước và xóa bỏ hàng rào ngăn cản hàng hóa nông nghiệp và thực phẩm từ các nước đang phát triển. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc này không chỉ tạo điều kiện khuyến khích các nước sản xuất và xuất khẩu lương thực - thực phẩm mở rộng sản xuất, cung cấp ngày một nhiều hơn các sản phẩm có chất lượng cho thị trường thế giới, mà còn giúp hạ thấp giá cả, cho phép các nước nghèo có thể mua nhiều hơn lương thực đáp ứng nhu cầu trong nước.


 

Tối cùng ngày tại Ða-vốt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Clốt Xoáp.


 

Theo Roi-tơ, ngày 28-1, các nhà lãnh đạo chính phủ, tập đoàn và tổ chức quốc tế dự Hội nghị hằng năm Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Ða-vốt (Thụy Sĩ), thảo luận các vấn đề kinh tế thế giới và dầu mỏ. Các đại biểu lo ngại về khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu có thể chững lại nếu các nước sớm rút gói kích thích kinh tế. Thủ tướng Ca-na-đa X.Ha-pơ khẳng định, sự phục hồi kinh tế đang diễn ra rộng, nhưng chưa vững chắc, do đó cần duy trì các chương trình hỗ trợ kinh tế. Phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) G.Líp-xki cho rằng, tiếp tục các biện pháp kích thích kinh tế là giải pháp tốt nhất để duy trì đà tăng trưởng dài hạn. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố, Trung Quốc cam kết duy trì các chính sách ổn định tài chính và tiền tệ. Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc, Chủ tịch Nhóm G20 năm 2010, kêu gọi các nước thành viên thận trọng khi rút các gói kích thích kinh tế.

Về vấn đề dầu mỏ, Chủ tịch Tập đoàn Total T.Ðê-mác-đét cho rằng, trong 10 năm tới, các nhà sản xuất dầu không thể sản xuất hơn 95 triệu thùng dầu/ngày, do các mỏ dầu mới rất khó khai thác. Do đó, cần nguồn đầu tư lớn, nhưng trong bối cảnh giá nguyên vật liệu leo thang, việc tăng đầu tư cho khai thác ngày càng khó khăn. Theo đánh giá của tập đoàn Royal Dutch Shell, phải mất từ 25 đến 30 năm nữa, thế giới mới có thể bắt đầu giai đoạn khai thác hình thức năng lượng mới và sử dụng rộng rãi hình thức năng lượng này.
 
                                                    Theo ND

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Thủy

Sáng 6/5, tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn đã tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Yên Thủy. Dự hội nghị TXCT có các đồng chí: Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục