(HBĐT) - Lạc Thủy là huyện vùng núi thấp của tỉnh, tiếp giáp với TP Hà Nội, các tỉnh: Hà Nam, Ninh Bình, rất thuận lợi cho giao lưu hàng hóa, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, cây ăn quả. Đặc biệt, huyện có điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, nguồn lao động, trình độ thâm canh của huyện thích hợp và là những tiềm năng lớn, phát triển các loại cây ăn quả, cây có múi có giá trị kinh tế cao như: cam, quýt, bưởi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.



Lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy và lãnh đạo huyện Lạc Thủy thăm vùng sản xuất cam xã Liên Hòa. ảnh: P.V

Huyện có tổng diện tích tự nhiên 31.495,5 ha, trong đó đất có khả năng trồng cây ăn quả trên 1.700 ha. Phát triển sản xuất cam hàng hóa có chất lượng cao là chiến lược của huyện Lạc Thủy nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung nhằm xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp và tăng thu nhập cho người dân.

Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành hữu quan triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH, sản xuất nông nghiệp của huyện Lạc Thủy có chuyển biến mạnh mẽ. Phát triển cây ăn quả là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Nghề trồng cây ăn quả có nhiều khởi sắc, cây ăn quả chiếm vị trí quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của một số xã, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/người/tháng.

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/HU ngày 05/5/2015 của Huyện ủy Lạc Thủy về phát triển cây ăn quả huyện Lạc Thủy đến năm 2020; Nghị quyết số 05/2015/NQ-HĐND ngày 26/6/2015 của HĐND huyện về việc phê duyệt "Đề án phát triển cây ăn quả huyện Lạc Thủy đến năm 2020”; Quyết định số 982/QĐ-UBND ngày 03/7/2015 của UBND huyện về việc phê duyệt "Đề án phát triển cây ăn quả huyện Lạc Thủy đến năm 2020”; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Do đó, cây có múi đã trở thành sản phẩm mũi nhọn ngành nông nghiệp của huyện.

Những năm gần đây, huyện Lạc Thủy đã tranh thủ và huy động hiệu quả các nguồn lực, quản lý và khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, định hướng, hỗ trợ người dân đầu tư giống, vốn, khoa học kỹ thuật, phát triển vùng cây ăn quả, cây có múi đem lại kết quả tích cực. Các giống cam trên địa bàn đều phát triển ổn định, chất lượng quả tốt và có hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác. Diện tích trồng cam không ngừng được mở rộng. Đến nay, diện tích trồng cây có múi của huyện Lạc Thủy đã đạt 996 ha, trong đó diện tích trồng cam 668 ha; có 316 ha đang trong giai đoạn kinh doanh, 352 ha trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Cơ cấu giống chủ yếu là cam Xã Đoài, cam V2 và cam Đường Canh. Năng suất trung bình đạt 28,5 tấn/ha, giá tại vườn ổn định từ 20 - 25.000 đồng/kg. Cam được trồng tập trung tại 5 xã, thị trấn của huyện, bao gồm: Liên Hòa, Hưng Thi, Phú Thành, Thanh Hà, Thanh Nông và Cố Nghĩa.

Đến nay, nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương về việc phát triển vùng cây ăn quả hàng hóa được nâng lên rõ rệt. Người dân Lạc Thủy có trình độ sản xuất thâm canh khá cao, biết tổ chức quản lý, đầu tư cho sản xuất thực hiện nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, các sản phẩm cam Lạc Thủy có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, vỏ mỏng, nhiều nước, ít hạt, tỷ lệ sơ thấp, vị mát ngọt và thơm được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Với mục đích quảng bá sản phẩm nông sản đặc sản nói chung và sản phẩm cam nói riêng của huyện, UBND huyện Lạc Thủy đã ban hành Quyết định số 1609/QĐ-UBND ngày 24/11/2016 về việc phê duyệt chủ trương dự án: Xây dựng nhãn hiệu tập thể "Cam Lạc Thuỷ” cho các sản phẩm cam, giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức liên quan thực hiện. Đến nay, nhãn hiệu tập thể "Cam Lạc Thuỷ” đã được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ công nhận, cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm cam của huyện Lạc Thủy, mở ra cơ hội cho sản phẩm nông nghiệp cam của huyện Lạc Thủy tiếp cận nhiều hơn đến thị trường để phát triển ổn định và bền vững.

Việc tổ chức đón nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cam của huyện Lạc Thủy, UBND huyện đã tổ chức Hội chợ Cam năm 2017 với 60 gian hàng trưng bày sản phẩm cam và các sản phẩm nông sản đặc trưng, các loại vật tư cần thiết phục vụ cho việc trồng, chăm sóc cam đại diện cùng sự tham gia của hàng trăm khách mời, đông đảo tổ chức, cá nhân tham gia. Đây là cơ hội lớn để các trang trại, chủ nhà vườn trong huyện giới thiệu sản phẩm "Cam Lạc Thuỷ” đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, phục vụ cho việc quảng bá và giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ phát triển sản xuất. Thông qua lễ công bố để nhân dân nhận thức được vai trò của Sở hữu trí tuệ trong sự nghiệp phát triển KT-XH, từ đó ý thức được việc quản lý, sử dụng, gìn giữ và bảo vệ thương hiệu của mình.

Để xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị của thương hiệu "Cam Lạc Thuỷ” trong thời gian tới, UBND huyện Lạc Thủy mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, tư vấn của các bộ, ngành T.ư, UBND tỉnh, các sở, ngành, tổ chức hữu quan tạo điều kiện phối hợp giúp đỡ huyện quản lý, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, xây dựng thương hiệu Cam Lạc Thủy, khẳng định vị thế sản phẩm Cam Lạc Thủy đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước, tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Quách Tất Liêm
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy

Nhóm ý kiến: 

Mong muốn được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mở rộng diện tích trồng cam 

Lạc Long là xã nằm trong quy hoạch phát triển cây ăn quả có múi của huyện Lạc Thủy giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, diện tích cam của xã có 31 ha, giải quyết được nhiều việc làm và đem lại thu nhập khá cho người dân. Kế hoạch của xã đến năm 2020 chuyển toàn bộ diện tích nhận khoán trồng chè trước đây chuyển sang trồng cam và phát triển diện tích trồng cam lên 55 ha. Tuy nhiên, do diện tích đất của xã Lạc Long chủ yếu là đất đồi rừng, trước đây các hộ nhận khoán của nông, lâm trường để trồng chè và trồng PAM, giờ chuyển sang trồng cam phải thuê máy cải tạo đất. Theo quy hoạch có 15 ha cần cải tạo để chuyển sang trồng cam. Như vậy để đầu tư trồng cam sẽ mất khá nhiều chi phí. Do đó, các hộ trồng cam mong muốn được vay vốn, mức vay từ 100 triệu đồng/hộ trở lên với lãi suất ưu đãi quay vòng trong thời gian 3 năm đầu. Có như vậy, mới thuận lợi cho sản xuất hàng hoá tập trung theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, đặc biệt là phát triển vùng cam bền vững khi sản phẩm cam được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

 

Nguyễn Ánh Ngọc 
(Chủ tịch UBND xã Lạc Long) 

Cần có đơn vị kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm 

Hiện nay, cam Lạc Thủy đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường nhưng việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm vẫn khiến người trồng cam lúng túng. Theo tôi nhận thấy, cùng với nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất và đảm bảo chất lượng tốt cho sản phẩm của mình, họ rất muốn đẩy mạnh việc giới thiệu sản phẩm và tiếp cận các thị trường mang tính bền vững cao nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu và tự lực từng hộ sản xuất riêng lẻ thì không thể làm được điều đó. Chính vì vậy, họ mong muốn được kết nối với các đơn vị có chức năng quảng bá và phân phối sản phẩm như doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã... để đưa sản phẩm của họ vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị, chợ đầu mối nông sản... Các đơn vị này sẽ có vai trò kết nối cung – cầu tiêu thụ sản phẩm, sẽ là các nhân tố mới giúp thay đổi phương thức phân phối sản phẩm ra thị trường, hình thành và thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng sản phẩm có tính chuyên nghiệp, bền vững cao. Đó cũng chính là kỳ vọng lớn lao của người trồng cam Lạc Thủy khi đón nhận tin vui Cam Lạc Thủy được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

 

Bùi Ngọc Sơn

(Khuyến nông viên xã Cố Nghĩa) 

Tin tưởng lựa chọn Cam Lạc Thuỷ 

Là người chuyên đi buôn bán hoa quả cho các thị trường Ninh Bình, Hà Nội, 3 năm nay, tôi tin tưởng lựa chọn cam Lạc Thuỷ bởi chất lượng ngon, vị thơm, ngọt thanh, có thể sử dụng phổ biến trong mỗi gia đình hoặc đồ tráng miệng trong tiệc cưới, hội họp...

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại hoa quả, nhất là sản phẩm cam được bày bán không rõ nguồn gốc, chất lượng. Nhưng với sản phẩm cam Lạc Thuỷ, tôi bán buôn cũng như bán lẻ trong những năm qua đã được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Đặc biệt, năm nay cam Lạc Thuỷ có thương hiệu riêng, khi bán hàng tôi giới thiệu rõ nguồn gốc xuất xứ nên người tiêu dùng yên tâm khi lựa chọn cam Lạc Thuỷ. Mặt khác, giá cả cam Lạc Thuỷ cũng hợp lý, được khách hàng lựa chọn là quà biếu cho bạn bè các tỉnh xa. Đây vừa là cơ hội cho bạn bè được thưởng thức trái ngọt, vừa là quảng bá cho cam Lạc Thuỷ ngày càng phát triển. Từ đó, tôi có nhiều mối hàng hơn, từ đầu vụ đến giờ tôi đã thu mua và bán được hơn 4 tấn cam Lạc Thuỷ cho khách hàng ở thị trường Ninh Bình và Hà Nôi. Sắp tới tôi sẽ mở rộng bán ra các thị trường khác để giới thiệu sản phẩm cam Lạc Thuỷ đến với nhiều người hơn. Có thể nói, cam Lạc Thuỷ đã chiếm được lòng tin của khách hàng bởi sự tươi ngon và xuất xứ rõ ràng.

Chu Thị Thoa

(Tư thương huyện Mỹ Đức, Hà Nội)

\

Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục