(HBĐT) - Đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ hè - thu, vụ mùa và vụ đông năm 2017, chính thức khép lại một năm đầy biến động của sản xuất nông nghiệp. Nhìn lại những diễn biến nổi bật trong khoảng thời gian quan trọng này, có thể thấy quyết tâm của ngành nông nghiệp khi vượt qua liên tiếp những áp lực lớn và đạt được thành quả đáng ghi nhận như ngày hôm nay.


Bước vào sản xuất với tinh thần chủ động cao, ngay từ đầu tháng 5/2017, các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai đảm bảo kế hoạch đề ra. Dự kiến, trong vụ hè - thu, vụ mùa 2017, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 45,5 nghìn ha cây hàng năm, trong đó, cây lương thực có hạt khoảng 37 nghìn ha, sản lượng phấn đấu đạt gần 18 vạn tấn; các loại cây màu chủ lực tiếp tục được xác định là ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, rau, củ quả các loại. Riêng vụ đông phấn đấu gieo trồng khoảng 8 nghìn ha ngô và rau, đậu các loại. Cùng với đó chú trọng phát triển chăn nuôi, mở rộng diện tích nuôi thủy sản, đẩy mạnh công tác trồng và bảo vệ rừng.


 

Người dân xóm Sòng, xã Độc Lập (Kỳ Sơn) chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích đất canh tác.

Được dự báo là vụ sản xuất đầy áp lực bởi diễn biến thời tiết cực đoan và nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên cây trồng rất lớn nhưng vụ hè thu, vụ mùa năm nay đã có sự khởi đầu khá suôn sẻ. Thời tiết từ đầu vụ đến giữa tháng 7/2017 nhìn chung thuận lợi. Lượng mưa ổn định và cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 15%, hơn nữa còn được rải đều nên thuận tiện cho việc làm đất, gieo cấy lúa mùa và gieo trồng các loại rau, màu vụ hè thu, đồng thời khá thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển giai đoạn đầu của các loại cây này. Theo thống kê của Sở NN & PTNT, toàn tỉnh đã gieo trồng khoảng 47,7 nghìn ha cây hàng năm, vượt 4,7% so với kế hoạch đề ra, trong đó, hầu hết các loại cây trồng đều được đảm bảo khung thời vụ và có sự phát triển tốt từ đầu vụ kéo dài đến đầu tháng 7/2017.

áp lực đầu tiên xuất hiện vào các ngày 16 – 18/7/2017. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 gây mưa to kéo dài, kèm theo giông và gió giật mạnh, toàn tỉnh đã có trên 1.210 ha cây trồng bị ngập và đổ ngã, rất may không thiệt hại nặng. Sau đó, bão số 10 xảy ra các ngày 15 – 19/9 làm thiệt hại trên 930 ha lúa, 560 ha ngô, 530 ha hoa màu khác, 115 ha mía, 253 lồng cá kéo theo thiệt hại 180 tấn cá cùng một số diện tích cây ăn quả cũng bị ngập nước nhưng còn có khả năng phục hồi.

Chưa hết lao đao, ngay sau đó, hoàn lưu bão số 10 và áp thấp nhiệt đới từ ngày 9 – 12/10 tiếp tục gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Thống kê sơ bộ trong đợt này đã có trên 10.140 ha cây trồng bị thiệt hại nặng và mất trắng. Trong đó, ước thiệt hại hoàn toàn 8.299 ha, trong đó lúa 3.481 ha, ngô và rau màu 4.689 ha, cây ăn quả 130 ha); thiệt hại mức 30 – 70% là 1.841 ha (lúa 436 ha, ngô và rau màu 886 ha, cây ăn quả 519 ha).

Diện tích nuôi thủy sản bị tràn và nước lũ cuốn trôi khoảng 757 ha, 138 lồng cá bị cuốn trôi, số lượng thiệt hại khoảng 1.404 tấn thủy sản.

Về chăn nuôi, số lượng gia súc gia cầm bị chết cũng khiến hàng ngàn hộ nông dân điêu đứng với 179.837 con gia cầm, 4.255 con lợn, 500 con trâu, bò, ngựa, dê, 1.380 đàn ong...

Về thủy lợi, hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn đều bị ảnh hưởng, trong đó có 130 công trình hư hỏng nặng hoặc bị phá vỡ hoàn toàn cần khắc phục ngay, chưa kể tình trạng đáng lo ngại của hệ thống các hồ chứa. Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, chỉ riêng đợt áp thấp nhiệt đới này đã gây thiệt hại khoảng 727 tỷ đồng cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đây là áp lực rất lớn dồn lên đôi vai người nông dân, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và địa phương để hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất.

Song song với nỗ lực khắc phục hậu quả do thiên tai liên tiếp gây ra, ngành NN & PTNT đã tăng cường chỉ đạo sản xuất để hạn chế mức độ tác động của sâu bệnh hại đối với các loại cây trồng. Ngay từ đầu vụ, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, nắm chắc cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, chủ động dự báo tình hình sâu bệnh hại, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất giúp cơ sở triển khai hiệu quả công tác bảo vệ thực vật. Kết quả là tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng đã được kiểm soát khá tốt. Nhìn chung, các đối tượng sâu bệnh trên lúa và cây trồng cạn có mức độ và diện phân bố tương đương hoặc thấp hơn cùng kỳ năm trước. Cá biệt có bệnh lùn sọc đen bùng phát từ cuối tháng 8 trên lúa trà chính vụ và trà muộn, tổng diện tích nhiễm khoảng 982 ha. Với đối tượng này và một số dịch hại nguy hiểm khác, Chi cục và các trạm TT&BVTV đều có văn bản hướng dẫn biện pháp xử lý cụ thể, đồng thời huy động lực lượng chuyên ngành luôn bám sát đồng ruộng, đôn đốc cơ sở kịp thời triển khai các biện pháp khống chế, phòng trừ dịch, nhờ đó, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Chính sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của ngành chức năng và các lực lượng chuyên trách đã đóng vai trò quan trọng giúp nông dân lần lượt vượt qua những áp lực lớn để hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất vụ hè - thu, vụ mùa và vụ đông năm nay. Trong bối cảnh phải liên tiếp đối mặt với những diễn biến bất lợi của thiên tai, thời tiết và dịch bệnh, kết quả đạt được là đáng ghi nhận, cho thấy quyết tâm rất cao của ngành NN & PTNT.

Thống kê tại thời điểm trước ngày 8/10/2017 (tức là trước khi bị ảnh hưởng bất ngờ bởi đợt áp thấp nhiệt đới từ ngày 9 - 12/10), diện tích lúa mùa thu hoạch (khoảng 14 nghìn ha) có năng suất bình quân đạt khoảng 49 tạ/ha. Sau đó, áp thấp nhiệt đới gây thiệt hại hoàn toàn khoảng trên 3,4 nghìn ha lúa với năng suất bằng 0, khoảng 436 ha còn lại bị thiệt hại trên 35% năng suất. Do đó, năng suất lúa vụ mùa bình quân giảm xuống còn khoảng 43 tạ/ha, sản lượng 9,9 vạn tấn. Bù đắp lại cho năng suất và sản lượng lúa mùa, các loại cây trồng khác đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể: Cây ngô diện tích đạt khoảng 13,7 nghìn ha, năng suất ước đạt 43,5 tạ/ha, sản lượng 5,9 vạn tấn. Cây công nghiệp ngắn ngày (đậu tương, lạc, vừng...) đạt kế hoạch gieo trồng trên 1,53 nghìn ha. Rau đậu các loại 4,2 nghìn ha, vượt 17,7% kế hoạch, vượt 7,6% cùng kỳ. Đặc biệt, ấn tượng nhất là hiệu quả kinh tế của các loại cây ăn quả có múi, với tổng diện tích khoảng 8,08 nghìn ha, tăng 622 ha so với năm 2016, sản lượng đạt khoảng 8,87 vạn tấn. Trong đó, cam 3.941 ha, diện tích cho thu hoạch 2.082 ha, sản lượng khoảng 5,5 vạn tấn; bưởi 3.260 ha, diện tích cho thu hoạch 1.438 ha, sản lượng khoảng 2,6 vạn tấn; quýt 380 ha, diện tích cho thu hoạch 246 ha, sản lượng khoảng 0,44 vạn tấn... Nhờ diện tích cây có múi bước vào thời kỳ kinh doanh tăng, giá trị thu nhập tại các vùng sản xuất cây ăn quả có múi đã tăng vọt, bình quân đạt trên 450 triệu đồng/ha/năm. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, năm nay, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt của tỉnh ước đạt 120 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với năm 2016, tăng 16 triệu đồng so với năm 2015.

Cùng với những kết quả nổi bật trong lĩnh vực sản xuất trồng trọt, các địa phương đảm bảo khá tốt hiệu quả kinh tế của ngành lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản. Theo số liệu báo cáo của các huyện, thành phố, trong năm, toàn tỉnh đã trồng rừng mới 7,53 nghìn ha, vượt 5,6% kế hoạch, duy trì độ che phủ rừng 51,1%. Hiện, toàn tỉnh có trên 7,03 triệu con gia súc, gia cầm. Trong đó, tổng đàn trâu 113 nghìn con, tăng 3 nghìn con so cùng kỳ; đàn bò 76 nghìn con, tăng 13 nghìn con so cùng kỳ; đàn dê 40 nghìn con, tăng 6,6 nghìn con so cùng kỳ; gia cầm 6,2 triệu con, tăng 1,5 triệu con so cùng kỳ...

Mặt khác, các địa phương đang tích cực triển khai chính sách phát triển nuôi cá lồng bằng các giống cá đặc sản có năng suất, hiệu quả cao như cá tầm, vược, lăng, diêu hồng, rô phi đơn tính, chép giòn, trắm đen... Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được khoảng 4 nghìn lồng nuôi cá các loại, diện tích mặt nước ao hồ nhỏ nuôi thủy sản trên 2,6 nghìn ha, sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 7,3 nghìn tấn, tăng 1.071 tấn so cùng kỳ. Đây đang là những diễn biến tích cực khép lại một năm sản xuất nông nghiệp thành công trên nhiều phương diện và mở ra năm mới hứa hẹn những thành quả lao động mới.

Thu Trang


Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục