(HBĐT) - Khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, mô hình liên kết tiêu thụ nông sản xuất hiện trong vài năm gần đây là xu hướng tất yếu nông nghiệp của tỉnh đang hướng tới, giúp xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị.


Sản phẩm bưởi đỏ của hộ thành viên HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc được rửa sạch bằng dây chuyền công nghệ, đóng gói và nhãn hiệu trước khi giao cho đơn vị thu mua theo đúng hợp đồng, giúp nâng cao giá trị nông sản.

Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu thực trạng của Sở Công Thương, ở giai đoạn 2012 - 2016, việc tiêu thụ nông sản của nông dân thực hiện dưới nhiều hình thức và kênh phân phối khác nhau như: thông qua hệ thống chợ, thông qua thương lái (không có hợp đồng) và thông qua hợp đồng liên kết tiêu thụ. Đối với kênh tiêu thụ qua chợ chủ yếu là các sản phẩm tự phát, manh mún, nhỏ lẻ do nông dân làm ra và trực tiếp đem bán tại chợ nông thôn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ. Sản phẩm thông qua kênh phân phối này chiếm khoảng 20% tổng giá trị hàng nông sản hàng năm.

Đối với sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ qua thương lái là hình thức tiểu thương trực tiếp mua gom nông sản của các hộ, sau đó bán lại cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, HTX thương mại dịch vụ, thương nhân đưa ra tiêu thụ ở tỉnh ngoài hoặc trong tỉnh, chiếm khoảng trên 50% tổng giá trị hàng nông sản tiêu thụ. Sản phẩm thông qua hợp đồng được thực hiện chủ yếu sau Quyết định số 62/2013/QĐ - TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Hình thức này hiện chưa phổ biến, chỉ chiếm khoảng 30% tổng giá trị hàng nông sản tiêu thụ và chỉ áp dụng đối với một số loại cây trồng như chè, mía, cam, rau hữu cơ, một số loại củ, quả (ớt, gừng, dưa chuột) phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ trên các thị trường.

HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc - Hòa Bình có địa chỉ tại xóm 3, xã Tử Nê (Tân Lạc). Năm 2017, với sự hỗ trợ của Sở Công Thương, HTX thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả. Tham gia mô hình, 9 thành viên HTX có diện tích đất trồng bưởi đủ lớn, tập trung, thuận lợi cho việc áp dụng tiêu chuẩn trồng cây an toàn VietGAP. Nguồn nhân lực tối thiểu mỗi hộ có 2 người, đủ trình độ tiếp nhận khoa học kỹ thuật và tổ chức trồng trọt tại gia đình, triển khai đúng quy trình công nghệ, lịch chăm sóc và tuân thủ nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, công nghệ, Sở Công Thương hỗ trợ ra mắt cửa hàng giới thiệu sản phẩm thuộc khu vực đông đúc dân cư và thuận lợi mua bán, trao đổi hàng hóa tại trục QL6, đoạn qua thị trấn Mường Khến (Tân Lạc), xây dựng mạng lưới mua bán bưởi tại thành phố Hòa Bình, một số tỉnh lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh…

Cũng trong năm 2017, Sở Công Thương triển khai một liên kết tiêu thụ nông sản nữa tại huyện Lạc Sơn, đó là mô hình thí điểm Doanh nghiệp - Hộ kinh doanh - Nông dân tiêu thụ mía và cung ứng vật tư nông nghiệp (VTNN). Trong khuôn khổ mô hình, nông dân các xã Tân Mỹ, Yên Nghiệp được ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm mía chất lượng cao, an toàn và được tiếp cận thông tin thị trường, cách bảo quản nông sản, xúc tiến thương mại.

Đồng chí Bùi Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Toàn tỉnh có 154 HTX, trong đó 90 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 17 HTX CN – TTCN, 33 HTX thương mại dịch vụ. Đối với mô hình liên kết tiêu thụ nông sản, HTX có vai trò trung tâm, thông qua HTX, tổ hợp tác đứng ra cung ứng VTNN và tiêu thụ nông sản đã khắc phục tình trạng ép giá, cung ứng VTNN kém chất lượng, giúp nông dân nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa. Từ đó, doanh thu của HTX tăng lên nhờ hoạt động bao tiêu sản phẩm. Qua hợp đồng từ đầu vụ, nông hộ xác định rõ loại cây trồng, lượng VTNN cần đầu tư, các biện pháp kỹ thuật, giá cả… để yên tâm sản xuất. Xác định trách nhiệm làm "vệ tinh”, nông dân chủ động và mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, gom đủ nguồn hàng theo đúng thời hạn hợp đồng. Cũng thông qua hợp đồng, doanh nghiệp mua được nông sản có chất lượng, nguồn cung cấp nông sản ổn định. Hộ nông dân chủ động tiêu thụ nông sản với giá cả hợp lý, tương xứng với công sức lao động.

Hiện nay, hình thức liên kết hợp tác tiêu thụ nông sản và cung ứng VTNN thông qua HTX trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả thiết thực nhưng số lượng còn ít. Điển hình có HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Mường Động (Kim Bôi), HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc, liên kết sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Hòa Bình, liên kết tiêu thụ cam giữa Công ty TNHH MTV Cao Phong với Tổng Công ty Sông Hồng và Tổng Công ty CP thương mại Hà Nội (Hapro), chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản của Công ty CP Skyfarm Hòa Bình, liên kết tiêu thụ rau hữu cơ của liên nhóm sản xuất rau hữu cơ Lương Sơn.

Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT ghi nhận: Loại hình liên kết tiêu thụ nông sản đã gắn kết doanh nghiệp – HTX – hộ nông dân thông qua hợp đồng tiêu thụ, huy động được các nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nông dân để đầu tư làm ra các sản phẩm theo quy trình an toàn, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Mô hình tới đây sẽ tiếp tục được khuyến khích nhân rộng theo chủ trương, định hướng của tỉnh, đẩy mạnh hợp tác, tiêu thụ nông sản nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần giảm nghèo, làm giàu cho khu vực nông thôn.

Bùi Minh

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục