(HBĐT) - Là nông dân điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương, anh Lý Văn Điểm ở xóm Ngọc Hạ, xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) sở hữu mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Vốn là người ham tìm tòi, học hỏi, được sự tư vấn của cán bộ khuyến nông - khuyến lâm, anh chủ động tìm hiểu và quyết định chọn trồng cây sachi để phát triển kinh tế gia đình và để thỏa mãn niềm đam mê với nông nghiệp.


Mô hình trồng cây sachi của gia đình anh Lý Văn Điểm ở xóm Ngọc Hạ, xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đưa chúng tôi tới thăm vườn, chỉ tay về phía những giàn cây sachi xanh rì, anh Điểm chia sẻ: Qua tìm hiểu từ mạng internet, sách, báo và những lần đi thăm quan các mô hình trong và ngoài tỉnh, nhận thấy sachi là loại cây có giá trị kinh tế cao, chỉ đầu tư trồng 1 lần nhưng cho thu hoạch nhiều năm. Nếu áp dụng KH-KT trồng và chăm sóc đúng cách, cây phát triển tốt, không bị sâu bệnh, chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ cao. Sau khi được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, tháng 4/2017, anh mạnh dạn tham gia mô hình trồng cây sachi do Công ty CP Inca Việt Nam làm chủ đầu tư. Anh bắt tay vào cải tạo, chuyển đổi 1 ha đất vườn và đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng 2.000 cây sachi.

Sachi là loại cây nhiều công dụng, có thể tận dụng hầu hết các bộ phận của cây để chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và cả dược phẩm. Là người đầu tiên ở địa phương mạo hiểm chọn giống cây mới để phát triển kinh tế, cũng có lúc anh lo lắng về hiệu quả và chất lượng của cây. Thế nhưng, cây hợp đất, hợp khí hậu miền đồi núi, vườn sachi cứ thế lớn dần, cây nào cũng vươn cành, đâm chồi, lá mạnh mẽ. Sau hơn nửa năm đã cho thu hoạch lá và bắt đầu bói quả. Sản phẩm sau khi thu hoạch được công ty bao tiêu. Đến nay, gia đình anh Điểm đã thu hoạch được 3 đợt lá cây bán cho công ty với giá 10.000 đồng/kg lá tươi và 40.000 đồng/kg lá khô. Vì cây mới trồng, quả chỉ thu bói nên anh thu được 20 kg quả trong đợt thu hoạch đầu tiên, giá 30.000 đồng/kg quả khô và 50.000 đồng/kg hạt. "Sachi là cây cho thu hoạch quanh năm, sản lượng thu hoạch tăng theo từng năm, giá thành được công ty bao tiêu ổn định. Chỉ mới năm đầu tiên, gia đình tôi đã thu về trên chục triệu đồng. Cứ đà này chẳng mấy mà thu lại vốn đầu tư, vài năm là có lãi”- anh Điểm nhận định.

Với những ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, đầu tư 1 lần và cho thu hoạch tới 20 năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao, sau 1 năm trồng anh cho rằng, cây sachi có tiềm năng phát triển kinh tế, phù hợp làm cây chủ lực để xóa đói, giảm nghèo. Anh dự định, những năm tới sẽ mở rộng diện tích trồng sachi lên 3 ha, vừa tăng sản lượng, nâng cao thu nhập, vừa góp phần tạo việc làm cho bà con cải thiện thu nhập. Đồng thời, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ trong vùng muốn chuyển đổi loại cây trồng để phát triển kinh tế gia đình.

Thu Hằng

 

 

 

 

 

 



Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục