(HBĐT) - Bởi có sự lỏng lẻo trong công tác quản lý đất đai ở các doanh nghiệp (DN) sau cổ phần hóa (CPH) dẫn đến lãng phí đất công và thất thu ngân sách. "Chít” lại những "lỗ hổng” trong quản lý đất đai là việc cần làm để những thửa "đất vàng” trên địa bàn tỉnh không bị hoang phí.


Sở hữu khu đất đẹp trên mặt đường Cù Chính Lan, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) nhưng nhiều năm nay, Công ty CP Xây dựng Hòa Bình vẫn ẩn mình trong dãy nhà cũ đã xuống cấp.

Doanh nghiệp lập lờ trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất

 Sau CPH, nhiều DN trên địa bàn tỉnh được giao quản lý, sử dụng các khu đất đẹp, đa số là ở trung tâm thành phố, thị trấn, thị tứ. Thế nhưng xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có lý do quản lý, sử dụng đất không tốt, không phát huy được hiệu quả dẫn đến nợ đọng thuế đất hàng chục tỷ đồng. Thất thu ngân sách là một nhẽ, việc các DN khư khư giữ quỹ đất với những công trình xập xệ cho thuê, cho mượn, thậm chí "ngầm” sang nhượng quyền sử dụng đất cho DN khác gây bức xúc cho chính quyền cơ sở và nhân dân.

Báo cáo số 66, ngày 20/4/2018 của HĐND tỉnh về kết quả giám sát công tác quản lý, sử dụng đất phi nông nghiệp tại các DN sau CPH trên địa bàn tỉnh nêu rõ: Trong 3 năm (2015-2017), tổng số tiền các DN được giám sát đã nộp ngân sách Nhà nước chỉ đạt 31,15 tỷ đồng. Trong khi tiền nợ thuế tính đến ngày 31/12/2017 của 15 DN là 16,141 tỷ đồng. Một số DN được nhắc tên đang sở hữu khoản nợ không nhỏ là: Công ty cổ phần xây dựng Hòa Bình nợ thuế 10.693.248.764 đồng; Công ty cổ phần xây dựng kinh doanh tổng hợp Hòa Bình nợ thuế 1.836.660.723 đồng; Công ty cổ phần thương mại du lịch Đà Giang nợ thuế 1.248.507.913 đồng; Công ty cổ phần trang thiết bị y tế Hòa Bình nợ thuế 1.166.278.261 đồng… Nhìn vào kết quả thực hiện nghĩa vụ tài chính của các DN sau CPH đang nắm giữ diện tích không nhỏ "đất vàng” thì sự thất thu, lãng phí đã quá rõ ràng.

Nhưng mất mát không chỉ là tiền, việc để lãng phí "đất vàng” đã giao cho các DN sau CPH còn làm hao tổn nguồn lực dành cho phát triển KT- XH và ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Có mặt trong hầu hết các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh hàng năm, đồng chí Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch ủy ban MTTQ tỉnh chia sẻ: "Đừng tưởng người dân không để ý, không quan tâm. Ngược lại họ quan tâm nhiều lắm đến vấn đề quản lý đất đai. Trong các cuộc tiếp xúc với ĐBQH, đại biểu HĐND, hay chính chúng tôi - những cán bộ mặt trận, nhiều vị đặt câu hỏi: khu đất đó là của ai? "ông”, "bà” có chức, có quyền nào góp cổ phần trong đó?”. Theo đồng chí Trần Đức Trường, những bức xúc, băn khoăn của người dân là có cơ sở, bởi hiện tại còn nhiều nơi trong tỉnh thiếu đất xây dựng các công trình phúc lợi như trường, lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa hay sân chơi, bãi tập… trong khi nhiều khu đất của các DN đã CPH đang bỏ không, hoang phế hoặc cho thuê, mượn lại với giá cao. Người thuê, mượn lại đất của DN tự ý sử dụng để SX-KD, thậm chí xây dựng nhà ở… gây mất mỹ quan, phá vỡ quy hoạch của địa phương.

Cần một cuộc tổng rà soát để "đất vàng” không hoang phí

Qua cuộc khảo sát, giám sát về tình hình quản lý, sử dụng đất tại các DN Nhà nước sau CPH trên địa bàn tỉnh, đồng chí Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát nhận định: Thời gian qua, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm quản lý đất đai. Chưa thường xuyên phối hợp, quan tâm đến công tác lãnh đạo, điều hành giám sát, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai của các DN trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Công tác tham mưu, thu hồi và giao đất đối với một số diện tích do các DN trả lại Nhà nước còn bất cập, chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Với số liệu báo cáo "vênh” giữa cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) với các DN, UBND các huyện, thành phố và sự giám sát của người dân… cho đến hiện tại, chúng ta chưa xác định được còn bao nhiêu "đất vàng” đang bị hoang phí. Để phát huy hiệu quả quỹ "đất vàng” giá trị này, trong thời gian tới, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức rà soát lại (tổng thể) hiện trạng sử dụng đất phi nông nghiệp tại các DN sau CPH. Đánh giá phương án sử dụng đất với thực tế và quy hoạch chung của địa phương (đã được phê duyệt) của tất cả các DN sau CPH trên địa bàn tỉnh làm căn cứ trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề. Tiến hành thanh tra toàn diện về tình hình quản lý, sử dụng đất phi nông nghiệp và hoạt động SX-KD của các DN sau khi CPH trên địa bàn tỉnh. Kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng, chuyển nhượng, cho thuê đất. Thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích để đề xuất phương án đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tăng thu ngân sách cho Nhà nước. Kiểm tra, xem xét sự phù hợp quy hoạch chung của TP Hòa Bình và quy định của pháp luật về phương án đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thu hồi 4.294,8 m2 đất của Công ty CP Xây dựng Hòa Bình tại phường Đồng Tiến để giao cho Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Thành Đạt thực hiện dự án khu dân cư đô thị.

ý kiến của những người trong cuộc khác cho rằng: Qua rà soát, thống kê, cần chỉ rõ khu đất nào đang giao cho các tổ chức, cá nhân, DN nào quản lý, sử dụng (công khai cho người dân biết). Bởi, chỉ khi công khai như vậy, người dân mới biết mà giúp chính quyền giám sát cũng như phản ánh sai phạm diễn ra trên những khu đất đó. Đối với những khu đất đã thu hồi cũng phải được cho đấu giá công khai. Đặc biệt, cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng những thửa "đất vàng” này và xử lý nghiêm minh nếu có sai phạm. Có như vậy "đất vàng” mới không bị bỏ quên, lãng phí.

 


Thúy Hằng


Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục