(HBĐT) - Lợn bản địa là một trong những con vật nuôi đặc sản của huyện vùng cao Đà Bắc. Tuy nhiên trước đây, việc chăn nuôi trong dân quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu theo phương thức truyền thống, chưa áp dụng các quy trình khoa học kỹ thuật và phần lớn phục vụ trong gia đình.


Hộ chăn nuôi xã Mường Chiềng (Đà Bắc) quản lý đàn lợn bản địa tại chuồng để kiểm soát dịch bệnh.

Năm 2015, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tổ chức Jica - Nhật Bản đã phối hợp khảo sát, nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn Đà Bắc là địa phương thực hiện Dự án "Thành lập ngân hàng gen đông lạnh cho các giống lợn bản địa Việt Nam và phát triển hệ thống chăn nuôi lợn bền vững để bảo vệ đa dạng sinh học”. Dự án nhằm bảo tồn nguồn gen quý, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa, nâng cao đời sống của người chăn nuôi.

Với trên 16.000 con, đàn lợn bản địa trên địa bàn huyện chiếm hơn 50% tổng đàn toàn tỉnh. Hộ chăn nuôi giống lợn bản địa chủ yếu là đồng bào vùng cao các dân tộc Mường, Dao. Có một thực tế là thói quen nuôi lợn bản địa thả rông phổ biến dẫn đến tình trạng không kiểm soát được dịch bệnh. Thêm vào đó, nguy cơ bị mất giống do sự lai tạp, giao thoa giữa các giống lợn khác, chất lượng giống cận huyết, đồng huyết, việc giảm số lượng lợn bản địa thuần vào thời điểm khảo sát trước năm 2014 đã ở mức báo động. Một trong những mục tiêu Dự án hướng tới là tạo chuyển biến, thay đổi phương thức chăn nuôi lạc hậu sang chăn nuôi có sự quản lý.

Tại 6 xã chọn thực hiện gồm: Tân Pheo, Giáp Đắt, Mường Chiềng, Cao Sơn, Đoàn Kết và Hiền Lương, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng dịch bệnh cho lợn bản địa cho đội ngũ thú y viên các xã nhằm hỗ trợ hộ nuôi được tích cực triển khai. Đặc biệt, tại mỗi xã đã hình thành 1 tổ hợp tác chăn nuôi lợn bản địa. Kể từ tháng 4/2018, Dự án thực hiện việc hỗ trợ bước đầu đối với hoạt động của các tổ hợp tác. Cụ thể đã hỗ trợ mua và bàn giao trực tiếp lợn nái, lợn đực giống cho 90 hộ tham gia mô hình, mỗi hộ được 2 lợn nái, mỗi tổ hợp tác được 1 lợn đực giống. Số lợn bàn giao được mua tại các hộ chăn nuôi lợn bản địa trên địa bàn, có sự đánh giá chọn lựa kỹ lưỡng và ở độ tuổi sẵn sàng chờ phối, tình trạng khi bàn giao khỏe mạnh, không bệnh tật, đạt tiêu chuẩn làm con giống.

Bên cạnh đó, Dự án còn hỗ trợ cám, vật tư phục vụ công tác chăn nuôi và thú y với mức hỗ trợ 40 kg cám /lợn nái, lợn đực, bộ dụng cụ chăn nuôi và thú y gồm xi lanh, panh thẳng, panh cong, kim tiêm, hộp đựng xi lanh, thẻ tai, kìm bấm thẻ tai, bút viết thẻ tai, phích bảo quản vắc xin, máy phun động cơ, bình bảo ôn lạnh, thuốc sát trùng. Hỗ trợ tiêm phòng vắc xin các bệnh tụ huyết trùng, LMLM, tai xanh, lép tô cho đàn lợn của 90 hộ tham gia mô hình nhằm đảm bảo công tác phòng bệnh đạt hiệu quả cao nhất.

ông Đinh Văn Tiên, hộ chăn nuôi xóm Rằng, tổ trưởng tổ hợp tác Cao Sơn cho biết: Thông qua hỗ trợ, hộ chăn nuôi ở các tổ hợp tác yên tâm, phấn khởi triển khai thực hiện mô hình. Nhờ được tư vấn, hướng dẫn và tập huấn kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ, số lợn nuôi trong mô hình phát triển khỏe mạnh, đảm bảo đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng khi tới đây đến kỳ xuất bán ra thị trường hàng hóa.

Mới đây, với tiền đề là các tổ hợp tác chăn nuôi lợn bản địa ở 6 xã vùng Dự án cùng sự hỗ trợ và khích lệ từ phía Dự án, HTX sản xuất và tiêu thụ lợn đen bản địa Đà Bắc đã chính thức thành lập, tạo bước phát triển thị trường. HTX đã tập hợp, thu hút 90 thành viên tham gia sinh hoạt theo điều lệ chung và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ.

Đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Các hộ thành viên HTX có nhận thức tốt về kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh, tận dụng các điều kiện sẵn có để phát triển. Với sự ra đời của HTX bước đầu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường. Nguồn cung tiêu thụ lợn bản địa hiện nay qua khảo sát mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. HTX đang xây dựng được 1 đầu mối tiêu thụ với nhu cầu khoảng 30 con lợn thương phẩm /tuần mang về thị trường Hà Nội. Vấn đề đặt ra hiện nay là người chăn nuôi lợn bản địa phải duy trì được chất lượng sản phẩm trong điều kiện nhu cầu của thị trường về thực phẩm sạch ngày càng cao. Đây cũng là những lưu ý đối với HTX sản xuất và tiêu thụ lợn đen bản địa Đà Bắc nhằm đảm bảo giá trị sản phẩm, tạo nguồn thực phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng và phát triển thương hiệu lợn bản địa Đà Bắc.

                                                                                            Bùi Minh


Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục