(HBĐT) - Từ lâu, Sào Báy (Kim Bôi) được nhiều người biết đến là xã năng động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến Sào Báy thời điểm nào của năm cũng gặp sắc xanh của những giàn bí, ruộng dưa, rau, màu các loại. Sự năng động trong chuyển đổi, đưa các loại cây trồng cho thu nhập cao vào sản xuất đã giúp cuộc sống người dân Sào Báy nâng lên, từng bước giảm nghèo bền vững.

Người dân xóm Đầm Giàn, xã Sào Báy (Kim Bôi) đầu tư trồng bí xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Phó Chủ tịch UBND xã Sào Báy Bùi Văn Dình chia sẻ: Xã Sào Báy có 9 xóm. Từ những năm 90, xã đã được nhiều người biết đến là vùng quê năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mía tím, dưa hấu và rau, đậu các loại. Là xã thuần nông, trước đây, đời sống người dân chủ yếu trông chờ vào cấy lúa, trồng ngô, khoai, sắn lại phụ thuộc vào tự nhiên nên năng suất không ổn định. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, người dân ưa chuộng sử dụng các loại củ, quả, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo người dân đưa những giống cây mới cho giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Xã có tổng diện tích trên 18.000 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 525 ha. Từ năm 2012 trở lại đây, người dân mạnh dạn đưa các loại bí, dưa vào canh tác, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với ngô, lúa. Giờ đây, bí đỏ, bí xanh, dưa lê, dưa bở, dưa chuột trở thành cây trồng chủ lực của bà con. Nhờ các loại cây trồng này mà nhiều hộ ở các xóm Đầm Giàn, Sào Bắc, Đồi Bổi và Sào Đông có nguồn thu nhập khá.

Chúng tôi đến xã Sào Báy vào thời điểm bà con tập trung trồng vụ đông năm 2018. Cùng cán bộ KNKL xã Bùi Huy Bân, chúng tôi đi thăm mô hình trồng bí xanh leo giàn, dưới gốc che phủ nilon tạo độ ẩm cho đất, lại tránh được cỏ mọc, mô hình được triển khai ở xóm Đầm Giàn với diện tích 3 ha của 3 hộ Bùi Văn Huy, Bùi Văn Lực, Bùi Văn Nguyên. Mô hình đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động và từ 20 -30 lao động thời vụ. Năm 2018, năng suất bí xanh bình quân đạt từ 65- 70 tấn/ha, giá bán vụ xuân 3.000 đồng/ha. Theo thống kê của anh Bùi Văn Lực, gia đình trồng 6.000 m2 bí đỏ, bí xanh cho thu nhập 300 triệu đồng/năm. Gia đình anh Bùi Văn Huy trồng bí xanh cho thu nhập 350 triệu đồng/năm. Vào thời điểm này, người dân xã Sào Báy đang tập trung chăm sóc cây màu vụ đông với các loại: bí xanh, dưa chuột, su hào, bắp cải, súp lơ, khoai tây... Trên cánh đồng, bí xanh đã thu được 1 lứa, đang trồng lứa thứ hai, các loại rau, củ mọc lên xanh tốt chuẩn bị cho thu hoạch. Bà con phấn khởi, hy vọng một mùa vụ bội thu, được mùa, được giá.

Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Văn Dình, Phó Chủ tịch UBND xã, người dân đã chuyển đổi tư duy, cách làm, sản phẩm sản xuất ra nhiều nhưng giá cả không ổn định. Bài toán "được mùa, mất giá” vẫn khó có lời giải. Có năm dưa bở, dưa lê đầu vụ giá 15.000 đồng/kg nhưng vào chính vụ giảm còn 5.000- 6000 đồng/kg. Hay các loại rau, củ, quả vụ 3 bà con làm rất tốt cũng không có đầu ra ổn định. Hiện nay, thu nhập bình quân của xã mới đạt 16 - 17 triệu đồng/ người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo cách tiếp cận đa chiều còn 19%. Bên cạnh đó là khó khăn trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Trên địa bàn xã có nhiều người trong độ tuổi lao động phải đi làm ăn xa ở các tỉnh: Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang cho thu nhập ổn định. Nhưng cũng có nhiều lao động vướng bận con nhỏ, cha mẹ già yếu nên chủ yếu trông chờ vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, xóm có 5/9 xóm vùng đặc biệt khó khăn là Nà Bờ, Khai Đồi, Đầm Giàn, Đồng Chờ, Đồi Bổi. Những xóm này có xuất phát điểm thấp, hệ thống thủy lợi không đồng bộ, thiếu nước, giao thông đi lại khó khăn. Mong muốn của bà con là được Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi đồng bộ để có điều kiện phát triển sản xuất, giao thông thuận tiện, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn.

                                                                                        Hương Lan

Các tin khác


Hội Nữ doanh nhân Hòa Bình - khát vọng vươn xa

(HBĐT) - Câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nhân (DN) tỉnh là thành viên của Hiệp hội Nữ DN Việt Nam, thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình. CLB hoạt động với mong muốn tập hợp, kết nối tạo sự đoàn kết trong cộng đồng các nữ DN trên địa bàn tỉnh, cùng nhau chia sẻ, hợp tác, giúp đỡ nhau, góp phần nâng cao năng lực của từng doanh nghiệp do phụ nữ làm lãnh đạo.

Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

(HBĐT) - Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, huyện Tân Lạc đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó từng bước nâng cao giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.

Huyện Lạc Thủy thu ngân sách Nhà nước đạt trên 26% dự toán

(HBĐT) - Bám sát các chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện giao, ngay từ đầu năm, huyện Lạc Thủy tập trung thực hiện nhiều biện pháp tăng cường nguồn thu, chống thất thu ngân sách.

Măng Kim Bôi lọt vào top 20 hàng Việt tốt vì quyền lợi người tiêu dùng

(HBĐT) - Sản phẩm măng Kim Bôi của Công ty CP Kim Bôi vừa lọt vào top 20 hàng Việt tốt vì quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp phát triển vững mạnh, thương hiệu vàng Việt Nam, sản phẩm dịch vụ chất lượng vàng vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

Huyện Đà Bắc lấy ý kiến về phát triển vùng trồng cây dược liệu quý

(HBĐT) - Sáng 22/3, UBND huyện Đà Bắc tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý báo cáo "Phương án phát triển vùng trồng cây dược liệu quý tại huyện Đà Bắc”. Dự hội nghị có lãnh đạo Viện Dược liệu (Bộ Y tế); một số sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Đà Bắc.

Tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất rừng và trang trại

(HBĐT) - Ngày 22/3, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Quản lý chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) tổ chức hội nghị bàn tròn cấp tỉnh tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất rừng và trang trại. 4 năm qua, chương trình được triển khai tại một số xã ở 2 huyện Tân Lạc, Lạc Thủy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục