(HBĐT) - Sau nhiều năm triển khai, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình đã đưa vào khai thác, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hòa Bình xuống Hà Nội chỉ còn khoảng 1 giờ xe chạy. Tuyến đường góp phần tạo "sức nóng” trong công tác thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.


Đường Hòa Lạc - Hòa Bình mở ra cơ hội mới thu hút đầu tư cho tỉnh ta.

Huyện Kỳ Sơn đứng trước những cơ hội bứt phá khi tuyến đường đi vào khai thác. Đường Hòa Lạc - Hòa Bình dài gần 26 km, trong đó qua địa bàn tỉnh 19,3 km, riêng huyện Kỳ Sơn khoảng 16,3 km, qua các xã: Yên Quang, Phúc Tiến, Mông Hóa, Dân Hạ và thị trấn Kỳ Sơn. 

Từ chỗ nhiều xã được coi là vùng xa, chủ yếu trên tuyến đường tỉnh 446 Bãi Nai - Vai Réo quanh co, khó khăn, đến nay có thể lưu thông trên tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình đến Hà Nội và trung tâm tỉnh lỵ rất thuận tiện, đánh thức những tiềm năng, lợi thế "ngủ yên” bấy lâu nay. Nhiều nhà đầu tư có tiềm lực đã khảo sát, nghiên cứu tìm kiếm cơ hội đầu tư vào huyện Kỳ Sơn. Những dự án trọng điểm về công nghiệp, công nghiệp phụ trợ; đô thị, du lịch sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao được khởi động, hứa hẹn tạo sự phát triển cho cả khu vực. Trong đó những nhà đầu tư lớn đang nghiên cứu đầu tư như: Dự án khu đô thị Phú Hưng Khang trên địa bàn xã Phú Minh và Hợp Thành, có quy mô dân số tối đa 2 vạn người; các dự án đô thị, sinh thái sân gofl Phúc Tiến, Dân Hạ; các dự án chuỗi đô thị tâm linh, du lịch, sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp tại đỉnh Viên Nam, xã Phúc Tiến, nơi có độ cao lý tưởng trên 1.000 m, cảnh quan tuyệt mỹ, khí hậu trong lành có thể bao quát các khu vực.

Đối với 2 khu công nghiệp là Yên Quang, Mông Hóa, cụm công nghiệp Trung Mường (Yên Quang) nằm dọc tuyến đường đã được quy hoạch chi tiết và có nhà đầu tư hạ tầng triển khai đầu tư, chuẩn bị hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư để phát triển các loại hình công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến. Nhằm nắm bắt cơ hội phát triển mới, chính quyền huyện Kỳ Sơn phối hợp với các sở, ngành chức năng đẩy mạnh các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ nhà đầu tư giải phóng mặt bằng, nhân lực triển khai nhanh các dự án, tạo sức bật mới cho vùng động lực kinh tế của tỉnh.

Đường Hòa Lạc - Hòa Bình là con đường chiến lược, mở ra cơ hội lớn để thu hút đầu tư, giúp cho tỉnh thuận lợi hơn đến với Hà Nội, đến với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, là dư địa lớn để phát triển công nghiệp phụ trợ, dư địa khai thác quỹ đất, phát triển các chuỗi đô thị, du lịch - dịch vụ dọc tuyến đường. Chưa bao giờ cơ hội phát triển lại rộng mở đến vậy và chưa bao giờ chứng kiến làn sóng nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh sôi động đến vậy, kể từ khi con đường này được đưa vào khai thác.

Không chỉ riêng Kỳ Sơn, thời gian gần đây, nhiều tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước đang khảo sát, nghiên cứu thực hiện các dự án đầu tư các lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây đã ghi nhận trên 4 tỷ USD đầu tư vào địa bàn tỉnh, con số lớn nhất từ trước tới nay. Trong đó, lớn nhất là Tập đoàn FLC và 5 dự án đầu tư gần 36.000 tỷ đồng vào du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó có những dự án lớn khác như: Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông (giai đoạn 2) do Công ty cổ phần nước sạch sông Đà làm chủ đầu tư với tổng số vốn trên 5.700 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất các loại vi mạch điện tử do Công ty TNHH Meiko Electronics làm chủ đầu tư với tổng vốn 4.600 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch Xuân Mai tại tỉnh Hòa Bình do Công ty cổ phần nước Aqua One làm chủ đầu tư với tổng vốn trên 3.000 tỷ đồng; dự án quần thể du lịch sinh thái văn hóa Thiên Cung Đại Việt do Công ty CP du lịch Đại Việt làm chủ đầu tư với tổng vốn trên 625 tỷ đồng; dự án khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa do Công ty CP Đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn làm chủ đầu tư, tổng vốn trên 475 tỷ đồng...

Tỉnh ủy đã phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí lãnh đạo tỉnh phụ trách chỉ đạo, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng bộ máy chính quyền kiến tạo lấy doanh nghiệp và nhân dân là đối tượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh và phát triển lành mạnh, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.UBND tỉnh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư có môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định lâu dài, phát triển và thịnh vượng.

L.C

Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục