(HBĐT) -Đó là khẳng định của đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT sau chuyến kiểm tra sản xuất đầu xuân Kỷ Hợi 2019 tại các huyện, thành phố. Qua kiểm tra thực tế, đoàn công tác Sở NN&PTNT đã có những nhận định lạc quan về tiến độ sản xuất và tin tưởng với diễn biến thuận lợi, đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đang có sự khởi đầu tốt đẹp để hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất vụ xuân năm 2019.


Tập trung cấy lúa theo hình thức đổi công, nhiều khu ruộng của các hộ ở xóm Sào Bắc, xã Sào Báy (Kim Bôi) đã cấy xong, đảm bảo tốt thời vụ.

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn công tác là huyện Kim Bôi - nơi được coi là "vựa lúa” của tỉnh với diện tích và sản lượng lúa hàng năm luôn cao hơn so với nhiều địa phương khác. Vụ xuân năm nay, huyện Kim Bôi dự kiến gieo cấy trên 2.426 ha, trong đó tập trung gieo trà muộn với một số giống lúa chủ lực như: Nhị ưu 838, Nhị ưu 69, Việt lai 20, TBR225, Khang dân... Nhờ bảo vệ tốt nên toàn bộ diện tích mạ đã gieo đều sinh trưởng, phát triển tốt. Ngay sau Tết Nguyên đán, các xã, thị trấn đã tập trung đẩy nhanh tiến độ làm đất và cấy đảm bảo khung thời vụ, phấn đấu đến ngày 20/2 cơ bản hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa vụ xuân.  
 
Ngừng tay cấy, chị Bùi Thị Như (xóm Sào Bắc, xã Sào Báy) phấn khởi tiếp chuyện: "Thời tiết mấy ngày nay rất thuận lợi để nông dân xuống đồng. Từ hôm khai xuân là mồng 7 Tết đến nay, chỉ trong 4-5 ngày cấy tập trung theo hình thức đổi công, cả xóm Sào Bắc đã hoàn tất gieo cấy khoảng 40 ha lúa. Khu ruộng gần 1.200 m2 này của nhà tôi chỉ cần cấy 1 buổi là xong”.

Tại xã Phong Phú (Tân Lạc), trong khuôn khổ Lễ hội Khai hạ Mường Bi, "đường cày đầu tiên” của năm mới đã được tái hiện trong niềm phấn chấn, xúc động của hàng nghìn nông dân bản địa và du khách thập phương. Sau lễ hội có tính chất "xuống đồng” và "mở cửa rừng”, nông dân Mường Bi phấn khởi bắt đầu vụ sản xuất mới với biết bao niềm tin và hy vọng. Cũng như mọi năm, sau "đường cày đầu tiên” của Lễ Khai hạ, ngay hôm sau, ruộng đất vùng Mường Bi đã được phủ một màu xanh mướt của mạ non, báo hiệu một vụ sản xuất thắng lợi.

Phấn khởi và lạc quan, đó là tâm trạng chung của nông dân toàn tỉnh khi xuống đồng cày cấy những ngày đầu xuân. Thời tiết như muốn chiều lòng người khi đã có những ngày rất đẹp để bắt đầu một vụ sản xuất nông nghiệp. Sau những cơn mưa phùn lất phất, nắng xuân bừng lên kèm theo những cơn gió mát lành khiến người người thêm háo hức, không khí xuống đồng rộn ràng khắp nơi.  

Cùng với thời tiết đẹp, những ngày sản xuất nông nghiệp đầu tiên của năm Kỷ Hợi còn có lợi thế rất tốt là nguồn nước. Theo ghi nhận từ các địa phương, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang vận hành hiệu quả với mực nước đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của sản xuất trồng trọt. Ngay đối với vùng khó khăn về nước nhất như Yên Thủy, tình hình nước tưới cũng khá thuận lợi nên càng củng cố thêm niềm tin cho người nông dân nơi đây. Theo đồng chí Bùi Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy: Mực nước tích trữ tại các hồ, đập cơ bản đáp ứng nhu cầu nước tưới cho gieo trồng vụ xuân. Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra công tác điều tiết nước, chỉ đạo các tổ hợp tác dùng nước xây dựng kế hoạch cấp nước, tưới nước hợp lý để đảm bảo đủ nước cho nông dân sản xuất các loại cây trồng trong khung thời vụ, sau đó chủ động nguồn nước tưới cho các khâu chăm sóc tiếp theo như làm cỏ, sục bùn, bón thúc…  

Không còn xác định lúa là cây trồng chủ lực, nông dân huyện Yên Thủy đang tập trung cho các loại cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn do phù hợp với đồng đất nơi đây. Bám sát định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân huyện Yên Thủy đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây như bưởi, cam, lạc, ngô, ổi, rau đậu thực phẩm... và phấn khởi mang về nguồn thu 200  -  400 triệu đồng/ha/năm. Riêng về tiến độ sản xuất vụ xuân năm nay, đến giữa tháng 2, toàn huyện đã gieo trồng trên 5.745 ha cây hàng năm, bằng 75% so với kế hoạch, tăng 11% so với cùng kỳ, trong đó tiếp tục xác định cây trồng chủ lực là ngô, lạc, mía, rau các loại... Còn đối với cây lúa, diện tích cấy đã hoàn thành với gần 500 ha, đảm bảo tốt khung thời vụ đã được khuyến cáo.

Trên phạm vi toàn tỉnh, theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, với trà xuân muộn,  nông dân đã sử dụng các giống lúa ngắn ngày, tập trung gieo cấy ngay sau Tết Nguyên đán để kết thúc cấy trước ngày 20/2, chậm nhất khoảng 28/2. Đây là khung thời vụ thích hợp để cây lúa có thời gian sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo trỗ tập trung trong điều kiện nhiệt độ, ánh sáng tốt nhất. Trước đó, bà con đã tập trung gieo mạ trà xuân muộn xung quanh tiết lập xuân (4/2), đồng thời áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, chuẩn bị tốt các điều kiện về đất đai, nguồn nước và vật tư để sẵn sàng cấy lúa tập trung ngay sau Tết. 

Qua kiểm tra thực tế tại các địa phương, đoàn công tác của Sở NN&PTNT ghi nhận: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng chức năng tại các địa phương đã chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo sản xuất, từ đó đảm bảo tốt tiến độ sản xuất trồng trọt. Chỉ trong vài ngày tập trung cao, tiến độ gieo trồng vụ xuân của toàn tỉnh đã tăng đáng kể. Với tiến độ này, dự kiến đến cuối tháng 2, toàn tỉnh sẽ hoàn tất cấy lúa với tổng diện tích khoảng 15.260 ha. Trong đó, mở rộng tối đa trà xuân muộn (trên 85% tổng diện tích) nhằm đảm bảo cơ cấu sản xuất xuân muộn – mùa sớm  -  cây vụ đông, tạo thành chuỗi luân canh hợp lý cho cả năm. Cùng với nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản xuất lúa, các địa phương tích cực chuẩn bị lượng giống và quỹ đất cho việc gieo trồng tập trung các loại cây màu có thế mạnh như lạc, ngô, dưa chuột, bầu bí... Phấn đấu trước ngày 15/3, hoàn thành kế hoạch gieo trồng với tổng diện tích cây hàng năm khoảng 66 nghìn ha.

Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Cùng với quyết tâm đảm bảo tiến độ sản xuất trồng trọt, các huyện, thành phố đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì sự ổn định trong các lĩnh vực: chăn nuôi - thú y, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, phòng chống lũ bão, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp... Nhìn chung đến thời điểm này, các lĩnh vực đều có diễn biến thuận lợi, cho thấy sản xuất nông nghiệp đang có sự khởi đầu tốt đẹp và toàn diện. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường công tác thủy lợi, phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất để hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ xuân, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện tốt kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2019.

                                                                                
                                                               Thu Trang

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục