(HBĐT) - Giá điện có thể tăng 8,36% vào cuối tháng 3/2019. Đây là thông tin đang khiến doanh nghiệp và người dân hết sức quan tâm tại thời điểm này. Bởi, khi điều này trở thành hiện thực sẽ tác động trực tiếp đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như cuộc sống của họ.


Thông tin sắp tăng giá điện khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng phải điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc có công suất tiêu thụ điện lớn. Ảnh chụp tại Công ty CP Lạc Thủy (Lạc Thủy).

Theo phương án vừa được Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ, giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước sẽ được điều chỉnh với mức tăng dự kiến là 8,36% so với giá hiện hành, tức là từ 1.720,65 đồng/kWh tăng lên khoảng 1.864,04 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Việc điều chỉnh này dự kiến sẽ thực hiện vào cuối tháng 3/2019.

Đón nhận thông tin trên, nhiều doanh nghiệp (DN) đang có chung một tâm trạng đầu tiên là lo lắng. Bởi đối với khu vực sản xuất, kinh doanh (SX-KD), điện là nguyên liệu đầu vào chính của hầu hết ngành hàng, lĩnh vực, nên giá điện tác động trực tiếp đến hàng loạt DN sử dụng nhiều nguồn năng lượng này. Tăng giá điện, điều khiến các DN lo lắng nhất là sự biến động không tránh khỏi của các yếu tố liên quan dẫn tới phải tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm… Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả SX-KD của DN trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh khốc liệt.

Ông Choi Beom, Giám đốc Công ty TNHH GGS Việt Nam (KCN bờ trái sông Đà) trao đổi: Công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc công nghiệp hướng tới thị trường xuất khẩu. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất (quy mô hiện nay khoảng 2,4 triệu sản phẩm/năm, bình quân mỗi tháng sản xuất khoảng 200.000 sản phẩm may mặc xuất khẩu), Công ty đã đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị hiện đại với dây chuyền kỹ thuật tiên tiến nhất. Hệ thống này thường xuyên tiêu thụ một lượng điện lớn nên Công ty đã chủ động xây dựng chiến lược tiết kiệm điện, qua đó giảm chi phí sản xuất, giúp DN tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nếu giá điện tăng trong thời gian tới, Công ty sẽ phải tăng cường các biện pháp tiết kiệm, đồng thời điều chỉnh kế hoạch SX-KD phù hợp hơn để giảm bớt áp lực của giá điện hàng tháng. 

Sẽ phải tăng cường các biện pháp tiết kiệm điện, đây cũng chính là tinh thần chung của cộng đồng DN trước thông tin giá điện sắp tăng với mức 8,36%. Cụ thể, DN sẽ phải áp dụng các biện pháp được đánh giá là khá hữu hiệu như sắp xếp lại sản xuất theo khung giờ giá điện thấp, hạn chế sử dụng máy lạnh trong văn phòng khi không cần thiết, hạn chế nguồn nhiệt bên ngoài xâm nhập nhà xưởng, tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên, sử dụng sản phẩm tiết kiệm năng lượng và điện mặt trời…  

Không chỉ DN - đối tượng khách hàng sử dụng điện với công suất lớn phải cấp thiết tìm ra lời giải cho bài toán hàng trăm, hàng tỷ đồng tiền điện mỗi tháng, đông đảo người dân cũng đang có chung một nỗi lo mang tên "tăng giá điện”. Với họ, việc tăng giá điện sẽ kéo theo hàng loạt nỗi lo khác liên quan chứ không dừng lại ở việc tăng vài chục, vài trăm nghìn đồng tiền điện mỗi tháng.

Chị Nguyễn Thị Phượng (phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình) lo lắng: "Bản thân tôi thường xuyên đi chợ bán rau ở chợ Tân Thành nên biết rõ giá cả các mặt hàng đều tăng nhẹ theo mỗi lần tăng giá điện. Kể cả những mặt hàng thực phẩm như mớ rau, con cá, tưởng như chẳng liên quan gì đến khoản điện đóm mà người ta vẫn cứ vin vào để tăng giá cho bằng được. Còn các dịch vụ ăn theo giá điện thì không nói làm gì, giá điện chưa tăng mà các dịch vụ này đã "nhấp nhổm" tăng…”. 

Được biết, trước khi đưa ra phương án tăng giá điện lần này, Bộ Công thương đã tính toán để đảm bảo mức độ ảnh hưởng ít nhất tới lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng, chi phí sản xuất của DN, mức chi tiêu của người dân... Ước tính, việc tăng giá điện thêm 8,36% vào cuối tháng 3 tới sẽ làm tăng CPI từ 0,26 - 0,31%, làm giảm GDP 0,22 - 0,25% và khiến chỉ số sản xuất PPI tăng 0,15 - 0,19%.

Nếu phương án tăng giá điện 8,36% được thực hiện vào cuối tháng 3/2019 đúng như dự kiến, giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước sẽ tiếp tục tăng sau hơn một năm kìm hãm. Trong 10 năm qua (2009 - 2018), giá bán lẻ điện đã có 9 lần tăng giá, đợt tăng gần nhất là ngày 1/12/2017 với mức tăng 6,08%. 
Đến thời điểm này, chưa có thêm thông tin chính thức về mức tăng cũng như thời điểm tăng giá điện. Đông đảo DN và người dân vẫn đang chuẩn bị tinh thần chờ ngày điện tăng giá. 

Về phía Công ty Điện lực Hòa Bình, đại diện đơn vị này khẳng định: Công ty nói riêng và ngành Điện tỉnh Hòa Bình nói chung sẽ không ngừng phấn đấu, nỗ lực thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo vận hành mạng lưới điện an toàn, ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu của DN và người dân. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm nay, Công ty đã bán ra 135.916.807 kWh điện thương phẩm, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu đạt 251,467 tỷ đồng, tăng trưởng 11,7% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng ghi nhận là tỷ lệ tổn thất điện năng đã thực hiện ở mức 2,63%, giảm (-3,84%) so với cùng kỳ năm 2018. Đây là tín hiệu tích cực củng cố thêm niềm tin của DN và người dân đối với chất lượng dịch vụ ngành Điện cung cấp. 


                                                                     Thu Trang

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục