(HBĐT) - "Trong những năm qua, kinh tế trang trại đã góp phần hết sức quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện Lạc Thủy. Các chủ trang trại đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đi vào chuyên sâu, chuyên ngành. Kinh tế trang trại rừng tập trung cho trồng rừng, phát triển cây gỗ lớn; trang trại chăn nuôi chú trọng vào vật nuôi có giá trị. Đặc biệt là trang trại về cây ăn quả đã được đẩy mạnh đầu tư, chăm sóc cây có múi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ”- đó là đánh giá của đồng chí  Bùi Xuân Trường, Phó Bí thư TT Huyện ủy Lạc Thủy về vai trò của kinh tế trang trại đối với sự phát triển của huyện. 




Trang trại Minh Thúy tại thôn Bột, xã Phú Thành (Lạc Thủy) đầu tư nuôi gà thịt và gà đẻ trứng mang lại lợi nhuận cao.                                  

Theo số liệu thống kê, huyện Lạc Thủy có diện tích đất nông nghiệp trên 5.450 ha (chiếm 18,6% tổng diện tích của huyện), đất lâm nghiệp có rừng trên 12.760 ha (chiếm 43,51%). Lạc Thủy được đánh giá là địa phương có tiềm năng về đất đai, khí hậu, lao động, đó là những điều kiện thuận lợi để huyện chỉ đạo, định hướng người dân đầu tư phát triển kinh tế trạng trại.

Đến nay, toàn huyện Lạc Thủy có 75/85 trang trại đạt tiêu chí được cấp giấy chứng nhận, chiếm tỷ lệ 81%. Trong đó có 44 trang trại tổng hợp, 10 trang trại trồng trọt, 3 trang trại lâm nghiệp, 23 trang trại chăn nuôi, 5 trang trại nuôi trồng thủy sản. Phần lớn các trang trại được đầu tư bài bản, quy mô, mang tính bền vững cao, góp phần tích cực giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Theo giới thiệu của Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy, chúng tôi đến thăm trang trại Minh Thúy tại thôn Bột, xã Phú Thành. Với diện tích 3.500 m2, chuyên nuôi gà đẻ, gà thịt, trang trại đang khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường bằng sản phẩm chất lượng. Sinh ra ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), làm việc ở Sơn La, sau vài lần về Lạc Thủy chơi, nhìn đất đai trù phú, điều kiện tự nhiên thuận lợi khiến ước mơ từ nhỏ là được làm trang trại của chàng trai Lê Hồng Minh thức dậy. Quyết định khởi nghiệp tại Lạc Thủy được định hình nên mặc dù còn không ít khó khăn về nguồn vốn, kiến thức KHKT trong chăn nuôi cũng như kinh nghiệm làm trang trại, song với niềm đam mê, quyết tâm, cùng sự ủng hộ, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách của địa phương, Minh từng bước vượt qua trở ngại, biến ước mơ, sở thích thành hiện thực. Hiện tại, trang trại Minh Thúy thường xuyên duy trì 1 vạn gà/lứa. Năm qua, trang trại xuất ra thị trường khoảng 15 tấn gà thịt, hiện, bình quân mỗi ngày thu được 1.000 quả trứng. Tính trung bình cứ khoảng 5 tháng, trang trại Minh Thúy có doanh thu 500 triệu đồng. Sản phẩm xuất bán được tư thương đến tận nơi thu mua, chưa bao giờ bị tồn ứ.

Chủ trại Lê Hồng Minh chia sẻ: Để loại hình trang trại chăn nuôi phát triển bền vững, có chỗ đứng trên thị trường thì yêu cầu tiên quyết là sản phẩm phải đảm bảo chất lượng. Trang trại của gia đình chăn nuôi theo hình thức bán tự động, góp phần giảm được nhân công. Đặc biệt, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vắc xin, tiêu độc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh. Chuồng trại, khu chăn thả thoáng đãng, sạch sẽ để vật nuôi sinh trưởng khỏe mạnh, từ đó tránh được rủi ro cho người chăn nuôi.

Về chủ trương phát triển kinh tế trang trại, đồng chí Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Từ năm 2006, UBND huyện đã có đề án phát triển kinh tế trang trại, trong đó tập trung hỗ trợ lãi suất cho người dân vay vốn đầu tư. Huyện cũng xây dựng một số mô hình về trồng trọt, chăn nuôi làm cơ sở nhân rộng. Theo đó, các loại hình trang trại góp phần phát triển kinh tế địa phương. Những năm qua, huyện đã quan tâm hướng dẫn nhân dân xây dựng kinh tế trang trại tổng hợp. Đây là loại hình có tính ổn định, đảm bảo an toàn và tạo thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất để làm trang trại là vốn đầu tư, vì muốn phát triển thì chủ kinh tế hộ phải có điều kiện về vốn, song đó là vấn đề còn nhiều khó khăn. Để từng bước khắc phục, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các chủ trang trại, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp liên kết với các hộ có đất rừng  để phát triển trang trại rừng theo hướng nông, lâm kết hợp trồng rừng giá trị kinh tế cao và rừng nguyên liệu, trồng rừng sinh thái, phát huy hiệu quả kinh tế rừng.

Ngoài ra, huyện Lạc Thủy đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách giúp người dân đầu tư phát triển mạnh chăn nuôi công nghiệp, trang trại và gia trại, từng bước hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung (lợn, gà, dê), tạo ra sản lượng lớn, góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Thực tế đã chứng minh, với nhiều trang trại cho doanh thu từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm, trong những năm gần đây, việc phát triển kinh tế trang trại đã góp phần tích cực thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của ngành nông nghiệp cũng như kinh tế nông thôn huyện Lạc Thủy. Từ hiệu quả đã được khẳng định, để tiếp tục có sự phát triển bền vững, theo đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Bí thư TT Huyện ủy, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện Lạc Thủy coi trọng định hướng giúp các chủ trang trại nhìn nhận rõ mục tiêu số một phải là sản xuất an toàn, thứ hai là thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc và cao hơn nữa là xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn Vietgap để có chỗ đứng trong các siêu thị trong nước và tiến tới xuất khẩu.

                                                         Hoàng Nga

Các tin khác


Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Giá vàng sáng 22/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 22/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục