(HBĐT) - Những năm qua, hộ nghèo là một trong những đối tượng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần. Cùng với các chính sách an sinh xã hội, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo phát triển sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững.


Trong dòng chảy đó, từ ngày 1/3/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào DTTS từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/hộ không phải bảo đảm tiền vay. Thời gian cho vay tối đa cũng được nâng lên 120 tháng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế phát triển sản xuất, phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn. Quyết định này được bà con hồ hởi đón nhận, đồng thời, mở ra kỳ vọng tạo nên hiệu ứng tích cực góp phần làm thay đổi diện mạo KT-XH vùng nông thôn, vùng sâu, xa. Đây được coi là giải pháp để hạn chế những tác hại của tín dụng đen ở khu vực nông thôn, tạo cơ hội tốt cho người nghèo vươn lên.

Trợ lực vốn cho sản xuất

Đây là chia sẻ của nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh khi biết thông tin từ ngày 1/3/2019, NHCSXH Việt Nam nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/hộ.

Anh Đinh Văn Phúc ở xóm Táu Nà, xã Cun Pheo (Mai Châu) lập gia đình với 2 bàn tay trắng, gia đình anh có 4 nhân khẩu, gồm mẹ già, 2 vợ chồng trẻ và con nhỏ, chỉ trông chờ vào sản xuất nông nghiệp lại thiếu vốn nên khó lại càng khó. Năm 2016, gia đình anh Phúc được NHCSXH huyện Mai Châu cho vay 45 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo. Từ số tiền này, gia đình anh đầu tư mua trâu và sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Sau 3 năm chăm chỉ làm ăn, cuộc sống dần ổn định và trả được hết nợ. Mới đây, gia đình anh được vay 65 triệu đồng đầu tư mua 3 con trâu cái, nâng tổng số đàn trâu của gia đình lên 5 con. Anh Phúc cho biết: Nguồn vốn chính sách thực sự đã mở đường cho người nghèo như chúng tôi vươn lên. Việc NHCSXH nâng mức cho vay hộ nghèo là một tín hiệu vui và là cơ hội mới với người nghèo có thêm vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.


Người dân xã vùng cao Yên Thượng (Cao Phong) tìm hiểu thông tin về các chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai trên địa bàn.

Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách là một phần quan trọng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Từ đầu năm đến nay, NHCSXH tỉnh được giao bổ sung nguồn vốn tăng trưởng tín dụng 198 tỷ đồng cho 9 chương trình tín dụng, gồm: chương trình hộ nghèo 30 tỷ đồng; hộ cận nghèo 35 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 20 tỷ đồng; chương trình NS&VSMTNT 30 tỷ đồng; cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 50 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/QĐ-TTg 10 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg 8 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP 5 tỷ đồng; chương trình cho vay trồng rừng sản xuất và chăn nuôi theo Nghị định số 75/NĐ-CP 10 tỷ đồng. Theo đó, kể từ ngày 1/3/2019, các chương trình tín dụng được nâng mức đợt này cùng với cho vay hộ nghèo tại NHCSXH gồm: Chương trình cho vay hộ cận nghèo; chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và chương trình cho vay phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016, được Thủ tướng Chính phủ quy định mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ, vay không phải bảo đảm tiền vay. Mức cho vay và thời hạn cho vay cụ thể đối với từng hộ vay được căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, vốn tự có, khả năng trả nợ của hộ vay và nguồn vốn cho vay của NHCSXH. NHCSXH đã triển khai thực hiện từ tổ tiết kiệm và vay vốn trở lên, từ việc tuyên truyền, giám sát trước, trong và sau khi cho vay, đến việc đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Cơ hội để giảm nghèo bền vững

Trong gần 20 chương trình NHCSXH triển khai thực hiện, các chương trình như cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ vay phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi… đang lan tỏa những hiệu ứng tích cực.

Hiện nay, theo khảo sát từ NH CSXH, mức bình quân đối tượng hộ nghèo vay vốn đang ở khoảng 26 triệu đồng/hộ. Như vậy, nhiều hộ nghèo vẫn vay những món vay nhỏ để phát triển kinh tế. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều hộ đã tìm tới những mô hình sản xuất, kinh doanh lớn hơn, cần nhiều vốn hơn. Trước khi quyết định nâng mức vay và thời hạn vay có hiệu lực, các hộ vay vốn của những chương trình này chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng và thời hạn vay không quá 5 năm. Theo nhiều hộ dân, trong điều kiện diện tích cây trồng ngày càng tăng thêm, giá cả vật tư, cây giống, con giống cũng tăng thì mức vay 50 triệu đồng chỉ đủ mua con giống, cây giống về ươm trồng, chưa kể còn phải đầu tư thêm trang thiết bị khác hoặc đầu tư xây dựng chuồng trại cho chăn nuôi… Với những cây trồng phải 7 - 10 năm mới cho thu hoạch thì sau 5 năm - thời điểm phải chấm dứt khoản vay hoặc chăn nuôi gặp rủi ro như dịch bệnh, mất giá, không ít hộ dân phải "bán non” sản phẩm để trả nợ hoặc vay "nóng” bên ngoài để đảo nợ. Do đó, việc nâng mức cho vay lên tối đa 100 triệu đồng và thời hạn vay tối đa 10 năm lần này đã kịp thời đáp ứng nguyện vọng của bà con.


Từ vốn vay của NHCSXH, gia đình anh Đinh Công Phúc, xóm Táu Nà, xã Cun Pheo (Mai Châu) đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản phát triển kinh tế gia đình.

Như vậy có thể thấy, những chính sách tín dụng ưu đãi đang dần "bắt sóng” khá nhịp nhàng với hơi thở cuộc sống. Việc nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và cho vay phát triển KT-XH vùng DTTS miền núi của NHCSXH nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân tại mọi vùng miền trong cả nước. Đây cũng được coi như một giải pháp để cùng các loại hình tổ chức tín dụng khác của ngành Ngân hàng góp phần đẩy lùi tín dụng phi chính thức.

Hiện nay, mạng lưới hoạt động của NHCSXH tỉnh gồm Hội sở tỉnh và 10 phòng giao dịch huyện, 210 điểm giao dịch tại 210 xã, phường, thị trấn với 2.813 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, xóm như "cánh tay nối dài" đưa vốn chính sách đến với bà con trong toàn tỉnh. Việc mạng lưới của NHCSXH được phủ đến các thôn, xóm, thủ tục cho vay đơn giản, giải ngân kịp thời cũng là lý do khiến người dân tìm đến với ngân hàng nhiều hơn, hạn chế cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, vùng cao, vùng sâu, xa.

Đến hết tháng 4, có 5 huyện: Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lương Sơn, Mai Châu đã giải ngân được 259 món vay trên 50 triệu đồng với dư nợ đạt 19.065 triệu đồng, trong đó có 226 món cho vay từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng và 33 món cho vay 100 triệu đồng. Các địa phương đang tiếp tục triển khai cho vay các chương trình này.

Ông Vũ Đình Đoài, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Nguồn vốn tại NHCSXH tỉnh đáp ứng 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn theo chính sách mới. Hiện, các Phòng giao dịch tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nhằm công khai, minh bạch chính sách để người dân nắm rõ. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phối hợp với địa phương kiểm tra phương án đề nghị vay vốn và việc bình xét hộ vay vốn nhằm bảo đảm đúng đối tượng, mục đích sử dụng. Mức cho vay, thời hạn cho vay cụ thể đối với từng hộ vay được căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, vốn tự có và khả năng trả nợ của hộ vay cũng như nguồn vốn cho vay của NHCSXH; trường hợp hộ vay thuộc đối tượng đang sử dụng có hiệu quả, nếu có nhu cầu vay thêm vốn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh khả thi thì có thể vay bổ sung, nhưng mức dư nợ không vượt quá 100 triệu đồng/hộ. Việc nâng mức và nâng thời hạn cho vay này cùng với cho vay hộ nghèo, NHCSXH cũng thực hiện đồng thời đối với cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và cho vay phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi.

 

Các trường hợp đủ điều kiện và có nhu cầu sẽ được vay mức tối đa

Nâng mức cho vay 4 chương trình tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cho người dân kịp thời. Các hộ đủ điều kiện vay và có nhu cầu vay vốn liên hệ với tổ tiết kiệm và vay vốn nơi cư trú để được hướng dẫn thủ tục vay vốn. Để được vay vốn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và cho vay phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải có phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, có khả năng quản lý nguồn vốn, có ý thức trả nợ, sử dụng vốn vay đúng mục đích và được trưởng xóm, cán bộ giảm nghèo xã, cán bộ Hội, đoàn thể, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay công khai, dân chủ.

Cần lưu ý là không phải ai cũng được vay tối đa 100 triệu đồng, có những hộ tùy nhu cầu, khả năng chỉ được bình xét cho vay dưới 100 triệu đồng. Hồ sơ vay vốn sau khi hoàn tất được gửi về Phòng giao dịch NHCSXH nơi người vay cư trú phê duyệt và giải ngân tại điểm giao dịch xã.

Điều quan trọng trong hành trình giảm nghèo là hộ nghèo cần thay đổi nhận thức, mạnh dạn vay vốn đầu tư kinh doanh cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống. Về phía các địa phương cần chủ động xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế với nguồn vốn tín dụng CSXH và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Phí Công Thành

Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ (NHCSXH tỉnh)

 

Nâng mức cho vay tạo động lực để mở rộng sản xuất, kinh doanh

Tính đến hết tháng 4, dư nợ của NHCSXH huyện Mai Châu đạt gần 270 tỷ đồng, trong đó, dư nợ các chương trình: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo và cho vay phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm trên 50% tổng dư nợ. Huyện đã triển khai cho vay nâng mức được 119 món vay với dư nợ đạt 9.282 triệu đồng. Trong đó có 92 món vay từ 50 đến dưới 100 triệu đồng và 27 món vay 100 triệu đồng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mai Châu có những mô hình kinh tế đồi rừng có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Việc nâng mức cho vay tối đa với chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ vay phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi của NHCSXH nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân sẽ là động lực để các địa phương mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, là một trong những giải pháp cùng với các loại hình tổ chức tín dụng khác của ngành Ngân hàng góp phần đẩy lùi được nguy cơ về tín dụng đen tại khu vực nông thôn.

Bùi Văn Chương

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mai Châu

  

Cần tiếp tục chuyển giao KH-KT cho nông dân

Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã. Mới đây, gia đình được vay 70 triệu đồng đầu tư mua trâu. Việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay nhưng lãi suất không thay đổi phù hợp với quá trình sinh trưởng, phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn. Qua đó giúp các hộ nghèo có điều kiện tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi trân trọng những đồng vốn của NHCSXH, giúp gia đình tôi và những người dân nghèo vươn lên trong cuộc sống và đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Với chính sách mới sẽ tạo thêm động lực, cơ hội để người dân tiếp cận và phát huy tốt hơn nguồn vốn vay. Cùng với vốn vay ưu đãi, chính quyền địa phương nên tiếp tục gắn với chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng, nhân rộng mô hình thoát nghèo trên địa bàn, giúp bà con thực sự xóa đói, giảm nghèo, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Bùi Thị Quyết

Xóm Đình Vặn, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy)

 

Đinh Thắng

Các tin khác


Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Giá vàng sáng 22/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 22/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng như sau:

500 đoàn viên, người lao động tham dự hội chợ việc làm huyện Đà Bắc

Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hoà Bình, UBND huyện Đà Bắc vừa tổ chức hội chợ việc làm. 500 đoàn viên thanh viên, người lao động đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tham dự.

Giá vàng sáng 21/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 21/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục