(HBĐT) - Sau hơn 20 tháng triển khai, Dự án đường kết nối đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 12 B đi quốc lộ 1 (viết tắt là Dự án) tiến độ rất chậm và đối mặt với nguy cơ bị cắt vốn nếu đến cuối năm nay không hoàn thành kế hoạch giải ngân. Như vậy, trong thời gian 3 tháng còn lại của năm 2019, vấn đề cấp thiết là giải quyết dứt điểm các vướng mắc hiện tại để đẩy nhanh tiến độ thi công.


Áp lực lớn về tiến độ

Nằm trong các dự án giao thông quan trọng sử dụng vốn đầu tư công, Dự án có thời gian thực hiện từ tháng 12/2017 - 12/2019. Với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng, theo quy mô thiết kế, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 30 km, điểm đầu tuyến giao với đường Hồ Chí Minh tại km 479+300 thuộc địa phận xã Bảo Hiệu (Yên Thủy), điểm cuối tuyến giao với quốc lộ 12 B tại km 67+100, thuộc địa phận thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn). Đây là tuyến đường trực tiếp kết nối 3 trục giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh, vì thế, sau khi hoàn thành sẽ thông thương thuận lợi, góp phần đắc lực phát triển KT-XH của địa phương.


Lãnh đạo Sở GTVT đối thoại với người dân xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) để đồng thuận với chủ trương chung và sớm bàn giao mặt bằng cho dự án thi công đảm bảo tiến độ.

Theo Sở GTVT - chủ đầu tư dự án, mặc dù kinh phí được bố trí đầy đủ đáp ứng yêu cầu của tiến độ, nhưng từ khi khởi công đến nay (hơn 20 tháng), tiến độ của dự án rất chậm. Các nhà thầu chưa thực hiện việc ký cam kết sẽ bồi thường những hư hỏng về tài sản do quá trình thi công gây ra đối với một số hộ dân. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa hoàn thành gây ảnh hưởng lớn đến phương án tổ chức thi công tổng thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến thời điểm cuối tháng 8/2019, tiến độ thi công của các nhà thầu đều rất chậm (Công ty TNHH Thành Tiến, giá trị khối lượng còn lại chưa thực hiện là 59,24%; Công ty CP đầu tư và xây dựng Huy Hà, giá trị khối lượng còn lại chưa thực hiện là 79,7%...). Trong khi đó, thời gian thực hiện theo hợp đồng chỉ còn khoảng 3 tháng. Như vậy, dự án có áp lực tiến độ rất lớn. Nếu không hoàn thành thi công toàn bộ tuyến đường vào cuối năm nay, dự án sẽ bị cắt vốn trả về ngân sách Nhà nước.

Bị cắt vốn đồng nghĩa với việc trở thành dự án "treo” sau 2 năm triển khai trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công đảm bảo giải ngân theo tiến độ thi công. Chính vì vậy, chủ đầu tư, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đang quyết tâm tháo gỡ vướng mắc hiện tại để đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm hoàn thành dự án đúng thời gian quy định.

Quyết tâm hoàn thành dự án

Một trong những "điểm nghẽn" lớn nhất dẫn đến chậm tiến độ dự án là công tác GPMB. Để thi công tuyến đường, phạm vi cần GPMB là 11,1 km, gồm khoảng 9 km thuộc địa phận huyện Yên Thủy, trên 2 km thuộc địa phận huyện Lạc Sơn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả hai địa phương đều chưa hoàn tất bàn giao mặt bằng cho nhà thầu tổ chức thi công.

Tại huyện Yên Thủy, để bàn giao mặt bằng cho dự án thi công tổng chiều dài 9,07 km, huyện cần thu hồi trên 166.217 m2 đất của 485 hộ dân. Đến ngày 21/8, huyện đã bàn giao mặt bằng được 8,87/9,07 km (đạt 97,7% chiều dài tuyến đường), còn 198 m chiều dài chưa bàn giao mặt bằng với 3 hộ tại xã Lạc Lương chưa nhận tiền đền bù và hỗ trợ tái định cư, gồm: hộ ông Bùi Văn Dần (từ km 2+770 - km 2+900, chiều dài tuyến 130 m), hộ ông Bùi Văn Chóng (từ km 2+60 - km 2+110, chiều dài tuyến 50 m), hộ ông Bùi Văn Vỉnh (km 6+882, chiều dài tuyến 11 m). Đối với các trường hợp này, sau nhiều lần làm việc, thời gian tới, UBND huyện sẽ khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định để tiến hành cưỡng chế.

Ngoài ra, quá trình thi công dự án (lu lèn, nổ mìn phá tuyến, vận chuyển vật liệu, thi công các vị trí ta luy dương…) đã ảnh hưởng đến nhà ở, công trình phụ trợ của một số hộ dân thuộc xã Lạc Lương và Bảo Hiệu. Đây là các vướng mắc phát sinh đã được chủ đầu tư và đơn vị liên quan tiếp thu, lên phương án giải quyết thấu đáo. Cụ thể, Sở GTVT đã giao đơn vị tư vấn thiết kế khẩn trương hoàn thành việc điều chỉnh bổ sung phương án đường đỏ, điều chỉnh biện pháp thi công nổ phá, bổ sung những hạng mục đã được chủ đầu tư chấp thuận theo yêu cầu chính đáng của nhân dân. Nỗ lực này vừa nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, vừa kịp thời GPMB cho dự án thi công giai đoạn nước rút.

Khẳng định quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng chí Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Tầm quan trọng của việc hoàn thành dự án đúng tiến độ đòi hỏi các địa phương, cơ quan, đơn vị phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt, phối hợp hiệu quả hơn trong thời gian tới. Về phía chủ đầu tư, cùng với quyết tâm tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc trong GPMB, vấn đề tổ chức thi công đang được Sở GTVT tập trung đôn đốc nhằm đẩy nhanh tiến độ trong 3 tháng cuối năm. Tại các vị trí đã bàn giao mặt bằng, Sở kiên quyết yêu cầu nhà thầu phải huy động tối đa lực lượng để đẩy nhanh tiến độ thi công. Trường hợp đơn vị nào không đáp ứng được, yêu cầu tiến hành ngay các thủ tục, biện pháp để thay thế nhà thầu hoặc sử dụng thầu phụ theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, Sở yêu cầu Ban quản lý dự án điều ngay một tổ công tác nằm tại hiện trường để chỉ đạo thi công, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh. "Phát sinh ở đâu, giải quyết dứt điểm ngay ở đó. Nhất định không được để tồn đọng kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như thời gian hoàn thành Dự án” - đồng chí Giám đốc Sở GTVT nhấn mạnh.


Thu Trang


Các tin khác


Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiệu quả từ tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện

Sử dụng tiết kiệm điện đem lại lợi ích "kép”, giúp giảm áp lực cấp điện trong bối cảnh cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giúp chúng ta giảm chi phí sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Giá vàng sáng 19/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 - 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,7 -76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục