(HBĐT) - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được tỉnh triển khai, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đẩy mạnh Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện, đồng thời đưa thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.


Sản phẩm cá lăng đen sông Đà file của Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh (TP Hòa Bình) được xếp hạng OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Mục tiêu và nội dung chính của chương trình là tập trung phát triển sản phẩm từ những lợi thế về tài nguyên, văn hóa, lao động ở khu vực nông thôn bằng chính sự tổ chức của cộng đồng.

UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Chương trình OCOP tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của tỉnh sẽ tiêu chuẩn hóa ít nhất 25% sản phẩm nông nghiệp hiện có của các địa phương (khoảng 50 sản phẩm); triển khai thực hiện từ 10-15 làng, bản văn hóa du lịch. Tập trung đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với HTX và doanh nghiệp. Củng cố, kiện toàn khoảng 50 tổ chức kinh tế và phát triển mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Thực hiện xúc tiến thương mại phục vụ Chương trình OCOP; triển khai xây dựng hệ thống trung tâm, cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP ở các địa phương có điều kiện tốt về giao thương và du lịch...

Thực hiện Chương trình OCOP, năm 2019, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng NTM 8.330 triệu đồng để hỗ trợ thực hiện các nội dung: đào tạo, tập huấn NTM và Chương trình OCOP; làm điểm sản phẩm OCOP; rà soát, xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, các trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu, xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP... Các huyện, thành phố đã tổ chức thẩm định, đánh giá chấm điểm cấp huyện, thành phố và lựa chọn sản phẩm tiêu biểu dự thi cấp tỉnh. Có 12 sản phẩm được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện chuẩn hóa điểm các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2019 với số tiền 3 tỷ đồng. 

Đến nay, đã có 24 sản phẩm của 18 chủ thể thuộc các nhóm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược và vải, may mặc được UBND tỉnh cấp cấp giấy chứng nhận, được sử dụng nhãn hiệu OCOP, thứ hạng sao đạt được in trên bao bì sản phẩm theo quy định, trong đó, 8 sản phẩm đạt 4 sao, 16 sản phẩm đạt 3 sao. Để nâng cao hiệu quả trong các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP của tỉnh, Văn phòng điều phối tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức cho một số sản phẩm OCOP tiềm năng của tỉnh tham gia Hội chợ thương mại tỉnh và khu vực, tham gia trưng bày quảng bá và bán sản phẩm tại các siêu thị tại Hà Nội...

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng NTM. Chương trình không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp khu vực nông thôn giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Đây được coi là hướng đi đúng và trúng trong việc lan tỏa thương hiệu sản phẩm địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực hoàn thành chương trình xây dựng NTM tại các địa phương. Tập trung vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện; đồng thời, đưa NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Triển khai Chương trình OCOP cần chọn các bước đi, lộ trình thích hợp, lựa chọn các sản phẩm lợi thế của địa phương để đầu tư phát triển, nâng cấp thành sản phẩm xã, cấp huyện, tỉnh, cấp quốc gia và tiến tới xuất khẩu.
 
Đinh Thắng

Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục