Duy trì ổn đinh sản xuất và phòng chống dịch bệnh COVID-19 là nỗ lực "kép” mà các doanh nghiệp (DN) cùng người lao động đang phải trải qua trong một năm có nhiều biến động...

 


Duy trì ổn định sản xuất và phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nỗ lực "kép” của các doanh nghiệp (DN) cùng người lao động (Ảnh: N.Hà) 

Đồng lòng cùng doanh nghiệp

Vào những ngày này, 70% lao động của Công ty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) chuyên về sản xuất giày da vẫn miệt mài với công việc của mình. Làm việc trong mùa dịch cũng khác những ngày bình thường bởi việc tuân thủ các quy định phòng ngừa dịch bệnh là yếu tố quan trọng nhất khi làm việc.

Tranh thủ giờ giải lao, trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hồng (quê Tiền Giang) công nhân may cho biết: "Dịch bệnh mấy tháng nay, đơn hàng ít hơn so với trước, nếu thu nhập có giảm nhưng công ty còn duy trì hoạt động, chúng tôi còn có việc để làm là mừng lắm rồi. Tất cả công nhân ở đây nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh và luôn cố gắng nỗ lực để làm tốt công việc của mình”.

Trong khi đó, anh Hoàng Vinh (quê Nghệ An) chia sẻ: " Tâm lý NLĐ nói chung luôn sợ DN đóng cửa vĩnh viễn, sợ phải cầm hồ sơ đi xin việc nên tự bản thân chúng tôi phải luôn cố gắng nỗ lực để hoàn thành tốt công việc, đồng hành, chia sẻ với DN vượt qua khó khăn, dịch bệnh".

Theo ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch công đoàn Công ty Việt Nam Samho, Công ty có hơn 10.000 lao động, do dịch bệnh nên hoạt động cầm chừng, hiện có 70% lao động đi làm.

"Chúng tôi hoàn toàn hiểu được tầm quan trọng của các biện pháp chống dịch mà Chính phủ đang triển khai trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19. Công ty đã tiến hành khai báo y tế ; đo thân nhiệt với mọi trường hợp vào Công ty; các khu vực tập trung đông người dây chuyền may, bếp ăn tập thể đã được bố trí giãn cách tối thiếu 2m/người. Công nhân được trang bị khẩu trang, khu vực nhà xưởng, nhà vệ sinh được bố trí nước sát khuẩn.

Một ngày chúng tôi sắp xếp cho 1.000-2000 lao động nghỉ phép, thay ca nhau. Hiện công ty chủ yếu hoàn thành những đơn hàng cũ, chưa có đơn hàng mới, gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng giữ toàn bộ lao động để cùng nhau vượt khó”, ông An cho hay.

Tương tự, ông Đặng Quốc Duẩn, Giám Đốc Công ty TNHH Cửa Sổ Aseanwindow (TP Hồ Chí Minh), chuyên sản xuất các loại cửa đi, cửa sổ vách kính bằng nhôm, cửa nhựa lõi thép UPVC cho rằng:  diễn biến phức tạp của dịch COVID -19 đã và đang gây khó khăn không nhỏ đối với DN. Các công trình, dự án đang xây dựng đều tạm ngưng, không có phát sinh các dự án mới do đó tình hình sản xuất bị ngưng trệ. Đối với các sản phẩm thương mại, tỷ lệ đơn hàng hằng ngày phát sinh rất ít, hàng hóa tồn kho nhiều làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu.

"Trước tình hình đó, chúng tôi sắp xếp nhân viên sản xuất nghỉ luân phiên để đảm bảo giãn cách xã hội theo chủ trương của Chính Phủ nhưng vẫn có thể xử lý công việc khi phát sinh. Đối với nhân viên khối văn phòng vẫn đến công ty làm đầy đủ để tương tác, duy trì khách hàng, xử lý các sự cố về hàng hóa. Khi đi làm, nhân viên tại công ty luôn tuân thủ theo quy định của Chính phủ: Đo thân nhiệt và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn khi đến và ra vào cổng công ty; không tụ tập đông người; hạn chế đi ra ngoài đặc biệt là các khu vực có bệnh nhân nhiễm bệnh; bắt buộc 100% nhân viên sử dụng khẩu trang và giữ khoảng cách làm việc tại công ty; phòng hành chính nhắc nhở nhân viên hằng ngày về việc thường xuyên rửa tay, dán các bảng hướng dẫn phòng chống dịch tại các kho, phòng ban, bộ phận”.

Theo ông Duẩn, dù tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh của công ty đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng công ty vẫn đang cố gắng cân đối mức chi phí để duy trì trả lương đủ cho hơn 300 nhân viên đến hết tháng 5. "Nếu hết tháng 5, vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì chúng tôi sẽ phải xây dựng phương án đối phó mới”, ông Duẩn nói.

Công ty Cổ phần May Nhà Bè (tỉnh Hậu Giang) hiện có khoảng 1.300 công nhân đang làm việc. Ngoài thực hiện tốt các biện pháp chống dịch, khó khăn của công ty là các đơn hàng xuất khẩu bị hủy do dịch COVID-19. Để duy trì việc làm cho công nhân, công ty phải chia nhỏ các khâu sản xuất và bổ sung thêm các đơn hàng may khẩu trang.

Một số công nhân cho biết, nếu như trước đây, thu nhập của họ được 5-8 triệu đồng/tháng, song do ảnh hưởng của dịch bệnh các đơn hàng xuất khẩu bị cắt hết, công nhân chỉ làm đến ngày thứ sáu và không tăng ca, thu nhập giảm xuống 4 triệu đồng. Thu nhập giảm, nhưng đa số công nhân nhận thức được do khó khăn chung nên sẵn sàng chia sẻ với DN.

Cùng nhau vượt khó

Theo các DN, hiện các giải pháp ứng phó và thích nghi được DN thực hiện phổ biến là cắt giảm lao động (gần 39%), tiếp theo là cắt giảm chi phí (21%), tạm dừng kinh doanh (4%) và cho nhân viên nghỉ không lương (khoảng 4%)...

Để hỗ trợ DN, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch bệnh COVID- 19. Trong các cuộc họp, Chính phủ cũng đã quyết liệt chỉ đạo các nhiệm vụ, trong đó có tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh... được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương để các giải pháp bước đầu đi vào thực tiễn, hỗ trợ tích cực DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh cũng khiến các DN vững tin hơn.


Công nhân ăn trưa , hạn chế tiếp xúc gần. (Ảnh: Tuyết Như) 

Tại TP Hồ Chí Minh, UBND TP  quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ cho các DN trong tình hình dịch bệnh COVID-19.  Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu UBND TP các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội và hỗ trợ NLĐ trong tình hình dịch bệnh COVID - 19 trên địa bàn TP.

Trước đó, UBND TP đã có kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu) của các DN, đơn vị hoạt động trên các lĩnh vực du lịch; nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa; DN ứng dụng công nghệ cao; kinh doanh thương mại.

Trong đó, TP kiến nghị hỗ trợ miễn, giảm thuế cho DN hoạt động trong các lĩnh vực nêu trên như miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế thu nhập DN, giảm 50% thuế nhập khẩu; giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệt hại của dịch bệnh.

UBND TP đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo NHNN Chi nhánh TP khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN, đặc biệt với các DN lĩnh vực du lịch; hỗ trợ DN bằng hình thức cho vay với lãi suất ưu đãi giảm từ 30% trở lên so với lãi suất cho vay theo quy định thông thường.

Về chính sách giảm tiền thuê đất, TP đề xuất xem xét, hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020 - 2021; đồng thời hoãn nộp tiền thuê đất (miễn lãi suất) sang đầu năm 2021…

Tại Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương đã xây dựng kế hoạch tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, thực hiện "nhiệm vụ kép" là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh chỉ đạo NHNN chi nhánh Bình Dương chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng ảnh hưởng của dịch.

Bảo hiểm xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc tạm dừng đóng BHXH đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch và không tính lãnh phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

Cục thuế, Cục Hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh...

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi và lĩnh vực quản lý chủ động rà soát, đề xuất phương án giảm các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm vốn ODA), sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng... để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tại tỉnh Hậu Giang hiện có trên 1.600 doanh nghiệp, với trên 49.200 lao động làm việc. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang , hiện nay, DN  về lĩnh vực may mặc, giày da đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, do đó,  DN và công nhân lao động cùng nhau chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm, để vượt qua giai đoạn khó khăn này./.

                                                                          Theo báo Đảng Cộng Sản

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục