(HBĐT) - Trong thời gian qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến ngành BHXH, nhất là công tác thu nợ. Việc đối chiếu, thu nợ, thanh, kiểm tra các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT không thực hiện được, dẫn đến số nợ đọng còn tương đối cao. Nhiều đơn vị do không bố trí được việc làm cho người lao động, dẫn đến số lao động cùng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp giảm tương đối lớn.
Tính đến hết tháng 5/2020, số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn toàn tỉnh là 73.796 người, giảm 409 người (0,5%) so với tháng 4/2020, tăng 207 người (0,3%) so với cùng kỳ năm 2019. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 5.681 người, tăng 235 người (4,3%) so với tháng 4/2020, tăng 2.718 người (91,7%) so với cùng năm 2019. Số người tham gia BHTN là 63.713 người, giảm 280 người (0,4%) so với tháng 4/2020, tăng 3.011 người (4,9%) so với cùng kỳ năm 2019. Số người tham gia BHYT là 810.658 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 94,2% dân số, tăng 1.681 người (0,2%) so với tháng 4/2020, giảm 3.765 người (0,5%) so với cùng kỳ năm 2019. Nợ BHXH, BHYT hơn 154 tỷ đồng, chiếm trên 4% kế hoạch thu. Với những khó khăn như vậy, BHXH tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như: Triển khai các giải pháp thu, thu nợ bằng các hình thức phù hợp với từng đơn vị, doanh nghiệp; rà soát, thống kê đối tượng chưa tham gia BHXH, BHYT để tuyên truyền, vận động…
Đồng chí Nguyễn Duy Thường, Trưởng Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng (BHXH tỉnh) cho biết: Ngành đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người tham gia BHXH, BHYT như thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 4, 5 trong cùng một kỳ chi trả cho người hưởng qua thẻ ATM, trực tiếp tại nhà. Kịp thời chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị thất nghiệp do dịch bệnh gây ra. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám, chữa bệnh (KCB), hoặc chuyển tuyến KCB BHYT khi nghi ngờ nhiễm Covid-19. Thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở KCB BHYT để đảm bảo hoạt động KCB BHYT, đặc biệt là các cơ sở KCB có người bệnh bị nhiễm, hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19. Sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu để mua thuốc sát trùng, xà phòng chống dịch Covid-19; cấp thuốc điều trị ngoại trú đối với các trường hợp mắc bệnh mãn tính, điều trị dài ngày trong thời gian chống dịch Covid-19; hướng dẫn, hỗ trợ người dân cung cấp mã số BHXH thực hiện khai báo y tế điện tử…
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua giao dịch điện tử; duy trì việc tiếp nhận, trả kết quả TTHC trực tiếp tại bộ phận một cửa cấp tỉnh, cấp huyện, qua dịch vụ bưu chính công ích, với tinh thần phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và hỗ trợ, chăm sóc khách hàng của ngành trong thời gian qua, góp phần giúp ngành BHXH đẩy mạnh việc chuyển đổi hình thức giao dịch với cơ quan BHXH của người dân và tổ chức, từ hình thức giao dịch trực tiếp sang hình thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, trong giai đoạn chống dịch Covid-19, các mảng công tác này đã hỗ trợ rất hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp khi làm thủ tục liên quan đến việc đề nghị và hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Qua đó, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, giảm số người phải trực tiếp đến liên hệ, giao dịch tại cơ quan BHXH các cấp.
Việt Lâm