(HBĐT) - Những năm qua, vốn chính sách đã sát cánh cùng người nghèo và đối tượng chính sách ở xã Hợp Phong (Cao Phong) trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từng bước xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chủ trương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, 3 xã: Đông Phong, Xuân Phong và Tân Phong của huyện Cao Phong sáp nhập thành xã Hợp Phong.
Hộ dân xã Hợp Phong (Cao Phong) sử dụng vốn vay chính sách chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây có múi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trước khi sáp nhập, mới có xã Đông Phong (cũ) hoàn thành 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, 2 xã còn lại đang trong quá trình phấn đấu. Riêng xã Xuân Phong thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên nhu cầu được tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách, nhất là vốn vay ưu đãi của NHCSXH của bà con rất lớn.
Đồng chí Bùi Văn Thọ, cán bộ chuyên trách NHCSXH xã Hợp Phong cho biết: Những năm qua, vốn chính sách đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn. Sau khi sáp nhập, xã đã củng cố, kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Từ đầu năm đến nay, bà con tiếp tục được tạo điều kiện tiếp cận các chương trình tín dụng của NHCSXH để đầu tư phát triển kinh tế. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt hơn 64 tỷ đồng, với 1.625 hộ vay vốn. Các chương trình tín dụng có dư nợ cao như: cho vay hộ nghèo (19,8 tỷ đồng), hộ cận nghèo (11,5 tỷ đồng), hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn (13,3 tỷ đồng), NS&VSMT (9,4 tỷ đồng).
Xã Hợp Phong đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong đó nổi bật là việc trồng cam, bưởi, mía ép nước và chăn nuôi trâu, bò. "Đối với hộ nghèo, hộ chính sách, đa số bà con vay vốn đầu tư chăn nuôi, trồng mía, cam, bưởi. Những hộ vay chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn có điều kiện đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ sử dụng đồng vốn hiệu quả, các hộ đã từng bước thoát nghèo” - đồng chí Bùi Văn Thọ chia sẻ. Gia đình ông Bùi Minh Hải, xóm Quáng Ngoài vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo đầu tư mua trâu giống sinh sản, trồng mía trắng ép nước. Nhờ nguồn thức ăn có sẵn nên trâu của gia đình ông Hải lớn nhanh và đã sinh sản, giúp gia đình ông có được nguồn thu nhập ổn định hơn để từng bước thoát nghèo. Hay gia đình ông Bùi Đình Dưỡng, xóm Quáng Giữa cũng vay vốn chính sách để chăn nuôi trâu sinh sản. Đến nay, trâu đã đẻ 2 lứa, giúp kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện.
Để vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, hộ vay sử dụng đồng vốn đích mục đích, hiệu quả, công tác kiểm tra, giám sát được các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tổ chức thường xuyên. Song song với đó, các tổ chức nhận ủy thác phối hợp ngành chức năng mở các lớp tập huấn về khoa học, kỹ thuật cho bà con. Ngoài ra, 41 tổ TK&VV làm tốt công tác rà soát, cho vay đúng đối tượng, đôn đốc bà con trả nợ, trả lãi đúng hạn. Nhờ đó, chất lượng tín dụng trên địa bàn xã Hợp Phong ngày được nâng cao. Đầu năm, do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập của một số hộ dân nên lãi tồn của xã lên 50 triệu đồng, hiện đã giảm còn 30 triệu đồng, chủ yếu là lãi tồn trong tháng; xã không có nợ quá hạn.
Sau sáp nhập xã, vốn chính sách tiếp tục trở thành động lực quan trọng trong công cuộc xóa nghèo, xây dựng NTM ở xã Hợp Phong. Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Văn Thọ, hiện nay, do chưa có quyết định xã Hợp Phong thuộc vùng nào, nên các hộ vay vốn chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đang gặp khó khi không được đảo nợ hoặc vay món mới. Ngoài ra, bà con mong muốn được tăng mức cho vay để có điều kiện tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả cao hơn.
Cao Viết
(HBĐT) - Sáng 24/3, Khối thi đua các doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm T.Ư tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2023.
(HBĐT) - Câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nhân (DN) tỉnh là thành viên của Hiệp hội Nữ DN Việt Nam, thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình. CLB hoạt động với mong muốn tập hợp, kết nối tạo sự đoàn kết trong cộng đồng các nữ DN trên địa bàn tỉnh, cùng nhau chia sẻ, hợp tác, giúp đỡ nhau, góp phần nâng cao năng lực của từng doanh nghiệp do phụ nữ làm lãnh đạo.
(HBĐT) - Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, huyện Tân Lạc đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó từng bước nâng cao giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.
(HBĐT) - Bám sát các chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện giao, ngay từ đầu năm, huyện Lạc Thủy tập trung thực hiện nhiều biện pháp tăng cường nguồn thu, chống thất thu ngân sách.
(HBĐT) - Sản phẩm măng Kim Bôi của Công ty CP Kim Bôi vừa lọt vào top 20 hàng Việt tốt vì quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp phát triển vững mạnh, thương hiệu vàng Việt Nam, sản phẩm dịch vụ chất lượng vàng vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
(HBĐT) - Sáng 22/3, UBND huyện Đà Bắc tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý báo cáo "Phương án phát triển vùng trồng cây dược liệu quý tại huyện Đà Bắc”. Dự hội nghị có lãnh đạo Viện Dược liệu (Bộ Y tế); một số sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Đà Bắc.