(HBĐT) - Sản xuất nông nghiệp với tư duy "con trâu đi trước, cái cày theo sau”, sản phẩm là lúa, ngô, khoai, sắn. Suy nghĩ đó giờ đã quá lạc hậu, bởi nông nghiệp của tỉnh hiện nay là ngành sản xuất hàng hóa, hướng tới thị trường bằng sản phẩm lợi thế. Và mục tiêu cách mạng là xây dựng nền nông nghiệp xanh, thông minh, liên kết theo chuỗi, giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) văn minh.


Sản phẩm cá sông Đà bán tại Trung tâm thương mại Big C - Thăng Long (Hà Nội) được người tiêu dùng Thủ đô tin tưởng lựa chọn.

Thời gian này, các thành viên HTX 3T nông sản Cao Phong (3Tfarm) hối hả vào vụ mới. Đây là nơi có tiếng với sản phẩm "Cam – quà tặng cao cấp gắn với chuỗi sản xuất hữu cơ vì môi trường sống xanh”. Bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX chia sẻ: Qua phân tích, nhận định về xu hướng phát triển nông nghiệp chung hiện nay là nền sản xuất xanh, gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, 3T farm đã bàn bạc và đi đến thống nhất, tiếp tục thực hiện tốt tiêu chuẩn sản xuất an toàn, nhưng chọn ra 20% diện tích canh tác để chuyển sang hướng hữu cơ. Cam khi thu hoạch được phân loại đưa vào kho sơ chế bằng dây chuyền tự động rửa, bao màng sinh học Chitosan, sấy khô. Sau đó đưa lên sàn và chiếu đèn cực tím để khử trùng lần cuối các vi sinh vật có hại có thể xâm nhập vào trái cam. Mỗi trái khi ra thị trường đều được dán tem truy xuất nguồn gốc để minh chứng cho sự cam kết về chất lượng sản phẩm. Từ hướng đi mới này, trong năm 2019, tổng doanh thu của 3Tfarm tăng 5,6 lần so với năm 2018. Sản phẩm đã đi vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị lớn ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Có dịp tham gia tuần lễ hàng nông sản thực phẩm của tỉnh tổ chức tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long, hệ thống siêu thị SaigonCoop, siêu thị Coop-Mart Hà Nội, được thấy người tiêu dùng Thủ đô tin tưởng lựa chọn các sản phẩm cây ăn quả có múi, rau ATTP, cá sạch sông Đà, gà Lạc Sơn, Lạc Thủy, măng khô, mật ong, các sản phẩm dược liệu… mà thấy vui trước sự đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân trong tỉnh.

Những năm qua, các địa phương đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với XDNTM. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về phát triển một số sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, tỉnh đã quy hoạch, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề và chính sách phát triển sản phẩm lợi thế...

Tỉnh chủ trương ưu tiên phát triển nhóm cây ăn quả có múi, mía ăn tươi, rau an toàn. Hiện đã hình thành và liên tục mở rộng vùng sản xuất tập trung cây có múi (cam, bưởi); vùng mía nguyên liệu; sản xuất rau hữu cơ, rau sạch; duy trì phát triển vùng chè xanh, chè Shan tuyết. Song song với đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện mô hình cánh đồng lớn có giá trị kinh tế cao tiếp tục được đẩy mạnh; hình thành các mô hình liên kết có hiệu quả. Trong giai đoạn 2016 – 2020, Sở NN&PTNT đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh phê duyệt thực hiện 42 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng. Việc tham gia chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ sản phẩm góp phần giúp gần 30% nông sản chủ lực của tỉnh được tiêu thụ thị trường ngoại tỉnh...

Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi từng bước chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại tập trung sử dụng giống năng suất cao, thay đổi phương thức chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh… Ngành lâm nghiệp phát triển tăng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây bản địa. Nuôi trồng thủy sản được đẩy mạnh theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi lồng trên hồ Hòa Bình và kết hợp nuôi trồng trên các hồ thủy lợi…

Có thể nói, ngành nông nghiệp của tỉnh đang phát triển đi vào chiều sâu, hướng tới sự bền vững. Tư duy, cách làm có những thay đổi tích cực, phát huy được tiềm năng, thế mạnh. Toàn tỉnh có 28 sản phẩm được xây dựng nhãn hiệu, trong đó đã xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho cam Cao Phong; các nhãn hiệu tập thể: Rượu cần Hòa Bình, thổ cẩm Mai Châu; mía tím Hoà Bình, hạt dổi Lạc Sơn, lặc lày và rau hữu cơ Lương Sơn, nhãn Sơn Thủy - Kim Bôi, rau su su Tân Lạc, bưởi đỏ Tân Lạc, cam Lạc Thủy, quýt Nam Sơn, cam - bưởi Mường Động, gỗ lũa - đá cảnh Lâm Sơn và hơn 10 sản phẩm có nhãn hiệu chứng nhận.

Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu đã giúp nông nghiệp phát triển toàn diện, có giá trị gia tăng cao và hiệu quả. Tốc độ tăng GRDP của ngành bình quân giai đoạn 2017-2020 đạt 3,53%; tốc độ tăng giá trị sản xuất các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản đều tăng nhanh, trung bình đạt trên 5%/năm. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng cây, con đặc sản có giá trị kinh tế cao. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất canh tác trồng trọt và trên 1 ha mặt nước thủy sản đến năm 2020 lần lượt đạt là 145 và 275 triệu đồng/ha/năm.

Với kết quả này đã góp phần đắc lực giúp đời sống của cư dân nông thôn được nâng cao, bộ mặt các làng quê ngày một khởi sắc. Chương trình XDNTM được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Nhận thức của người dân về vai trò chủ thể được nâng cao. Từ năm 2016-2019 có thêm 57 xã đạt chuẩn NTM; lũy kế đến cuối năm 2019 có 88 xã về đích; TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Thực hiện Nghị quyết 830/NQ-UBTVQH về sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, ước đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 58 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 44,3% tổng số xã và có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Tỉnh ta đứng thứ 3 các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, đứng đầu các tỉnh Tây Bắc về XDNTM.


Thu Hiền


Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục