(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV cho biết:  Vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng khoảng hơn 8.400 ha, trong đó ngô hơn 3.500 ha, rau, đậu hơn 3.500 ha, còn lại là các cây màu khác như khoai tây, khoai lang, củ đậu… Để đảm bảo kế hoạch đề ra, khắc phục khó khăn về thời tiết, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư phục vụ sản xuất theo kế hoạch. Đồng thời, cử cán bộ thường xuyên đi cơ sở, hỗ trợ các địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát đồng ruộng, chỉ đạo sản xuất và hỗ trợ nông dân khắc phục tình trạng bất thuận của thời tiết, sâu bệnh.     


Nông dân xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) tập trung sản xuất vụ đông.

Căn cứ điều kiện thực tế về quỹ đất, thời vụ gieo trồng của từng loại cây, tập quán canh tác, các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông. Theo đó, các huyện, thành phố tận dụng, khai thác tiềm năng đất đai, mở rộng diện tích và đa dạng các loại cây trồng như bí xanh, khoai tây, ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sản xuất đảm bảo khung thời vụ cho từng nhóm cây vụ đông. Đối với nhóm cây ưa ấm (ngô, đậu tương) và cây rau họ bầu, bí, kết thúc thời vụ gieo trồng trước ngày 5/10; với nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau ngày 10/10, riêng cây khoai tây tập trung trồng từ ngày 25/10 - 15/11; nhóm rau ăn lá bố trí thời vụ gieo trồng và giống hợp lý, nhằm rải vụ thu hoạch, đảm bảo nguồn cung ổn định, hạn chế tình trạng thu ồ ạt dẫn tới giá bán thấp.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT phối hợp các ngành, cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát tốt giống, phân bón, thuốc BVTV phục vụ sản xuất vụ đông. Thường xuyên kiểm tra chất lượng các loại vật tư và quy trình sản xuất, xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng. Thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất. Tiếp tục đầu tư, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng đảm bảo tưới tiêu chủ động.

Giữa tháng 10, cơn bão số 7 ảnh hưởng tới tỉnh ta với lượng mưa lớn, kéo dài ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất vụ đông. Tuy nhiên, ngay sau khi hết bão, khí thế sản xuất vụ đông nhộn nhịp khắp đồng đất các xã, thị trấn. Đến ngày 22/10, toàn tỉnh trồng được hơn 2.700 ha cây trồng vụ đông, trong đó, ngô khoảng 1.500 ha, rau đậu hoảng 1.000 ha…

Xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) là địa phương có phong trào sản xuất vụ đông sôi nổi của tỉnh. Nông dân toàn xã đang làm đất, lên luống trồng cây vụ đông. Chị Bùi Thị Thường, xóm Chanh, xã Vĩnh Đồng chia sẻ: Vụ đông năm nào cũng vậy, cánh đồng xóm Chanh được phủ xanh bằng những ruộng rau, bí xanh, củ đậu, khoai tây… Làm nông nghiệp có đất mà không sản xuất vụ đông thì tiếc lắm. Ngay sau khi thu hoạch xong lúa mùa, nông dân trong xóm chúng tôi giúp đỡ nhau làm đất sản xuất vụ đông kịp khung thời vụ. Với thu nhập cao gấp 3-4 lần trồng lúa, nên nhà nào cũng chủ động sản xuất vụ đông. Năm nay, gia đình tôi trồng gần 1.000 m2 bí xanh. Để tránh tình trạng ngập úng, tôi lên luống cao hơn so với mọi năm và đào mương thoát nước tại đầu ruộng.

Tại huyện Lạc Thủy, không khí sản xuất vụ đông trên đồng đất các xã, thị trấn khẩn trương, máy nông nghiệp hoạt động hết công suất. Theo kế hoạch, toàn huyện phấn đấu gieo trồng trên 855 ha cây trồng. Đến nay, toàn huyện đã trồng được 302 ha (đạt 35,3% kế hoạch), trong đó, ngô 280 ha, rau các loại 22 ha. Để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế vụ đông, nông dân huyện thực hiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất, sử dụng các loại giống tốt. Tiêu biểu là trồng dưa bao tử, các giống ngô lai năng suất cao như: Bioseed 9698, CP 501, CP3Q...

Những năm gần đây, giá trị kinh tế cây trồng vụ đông đem lại tương đối cao. Chính vì vậy, Sở NN&PTNT có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất như: hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn chuyển giao KHKT, chứng nhận sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ, xây dựng các mô hình liên kết - tiêu thụ theo chuỗi giá trị; xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản cho nông dân; chủ động tìm kiếm, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân để nâng cao hiệu quả, tăng giá trị thu nhập từ sản xuất vụ đông.

 

Thu Thủy


Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục