Lãnh đạo TP.Hà Nội vừa đưa ra đề nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố trên mức 35%. Trong khi đó, TP.Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị được giữ lại ngân sách nhiều hơn thay vì 18% như hiện tại.


Thu ngân sách của Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh từ 2016 - 2020.

Hà Nội sớm về đích

Tại kỳ họp HĐND TP.Hà Nội đang diễn ra, một con số có thể gây ngạc nhiên được đưa ra, đó là: Dù dịch bệnh COVID-19 gây nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách của thủ đô năm 2020 ước đạt gần 280.000 tỉ đồng, tăng 100,2% so với kế hoạch và tăng trên 30.000 tỉ so với số thu ngân sách thực tế năm 2019.

Trước năm 2017, tỉ lệ ngân sách giữ lại của Hà Nội là 42%. Giai đoạn 2017-2020, Hà Nội có tỉ lệ ngân sách giữ lại là 35%.

Theo phân bổ ngân sách 2021 mới được công bố (Nghị quyết 129/2020/QH14 ngày 13.11.2020 thì dự toán chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương đối với Hà Nội là 7.159 tỉ đồng. Hà Nội trở thành địa phương có mức chi bổ sung từ ngân sách cao nhất cả nước.

Tại cuộc họp giữa lãnh đạo Hà Nội và Bộ tài chính mới đây, Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố trên mức 35%.

Điều này để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2021-2025.

Hồi tháng 10, tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội, thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho rằng: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 7,5% - 8,0%, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, theo tính toán, nhu cầu vốn đầu tư phát triển 5 năm 2021-2025 khoảng 3,1-3,2 triệu tỉ đồng, gấp 1,8 lần giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tỉ trọng khu vực ngoài nhà nước khoảng 53%; khu vực đầu tư nước ngoài khoảng 15%; vốn đầu tư của khu vực nhà nước đáp ứng khoảng 32% (bao gồm vốn ngân sách nhà nước; vốn tự có của các doanh nghiệp nhà nước; vốn vay; vốn huy động khác).

Tỉ trọng vốn ngân sách nhà nước ngày càng giảm trong tổng vốn đầu tư xã hội, không đáp ứng đủ để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

TPHCM: Đầu tàu cần thêm nguồn đầu tư từ nhà nước

Trong khi Hà Nội sớm hoàn thành kế hoạch thu ngân sách thì TPHCM đang loay hoay với bài toán này. Ước tính thu ngân sách của toàn TP.Hồ Chí Minh hết năm 2020 đạt 355.813 tỉ đồng, đạt 87,7% so với dự toán năm 2020, đạt 86,73% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân được chỉ ra là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến thu từ doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm mạnh.

Như vậy là sau 1 năm lập kỷ lục thu trên 400.000 tỉ đồng (năm 2019), TPHCM lại gặp khó khi thu nộp ngân sách. Tuy nhiên vấn đề của TPHCM lâu nay chính là tỉ lệ điều tiết ngân sách giữ lại còn thấp.

Cũng năm ngoái, với 409.000 tỉ thu được và nộp vào ngân sách nhà nước nhưng TPHCM cũng chỉ được giữ lại 73.620 tỉ đồng để đầu tư cho hạ tầng. Đầu tháng 12, khi được hỏi về vấn đề này bên lề kỳ họp HĐND thành phố, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng: Tỉ lệ chi của ngân sách Trung ương về cho TPHCM là quá thấp và bất hợp lý.

Từ đó, TPHCM nhiều lần kiến nghị việc tăng tỉ lệ giữ lại theo hướng trong 10 năm 2020-2030 cần nâng từ 18 lên 33% nhằm đảm bảo đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu cả nước.

Cũng cần nhắc lại rằng, riêng lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, từ 2021 đến 2025, TPHCM cần 83.000 tỉ đồng trong đó nhu cầu vốn từ ngân sách là 45.100 tỉ đồng.

Năm 2021, dự toán chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương đối với TPHCM là 4.218 tỉ đồng, bằng khoảng 60% Hà Nội. Trong đó, 3.827 tỉ đồng bổ sung để thực hiện các dự án, nhiệm vụ, còn lại bổ sung vào vốn sự nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách.

Nhu cầu vốn, trong đó có vốn từ ngân sách của TPHCM rất lớn. Theo đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở TPHCM trong giai đoạn 2021-2030, Sở GTVT TPHCM cho biết, sơ bộ nhu cầu vốn trong 10 năm tới là hơn 904.000 tỉ đồng, gồm hơn 438.000 tỉ đồng từ vốn ngân sách, còn lại các nguồn vốn khác (Trung ương, xã hội hóa, ODA...).

Đơn cử, các trục đường huyết mạch hướng tâm vào TPHCM như quốc lộ 22, quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 50 đều đã có quy hoạch mở rộng, nhưng chưa thực hiện, trong khi nhu cầu vận chuyển giữa TPHCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm ngày càng tăng cao, dẫn đến ùn tắc.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM - thừa nhận hệ thống giao thông của thành phố còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ và chậm so với quy hoạch. Các công trình trọng điểm của TPHCM ỳ ạch triển khai do thiếu nguồn vốn.

Bởi trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu cho phát triển hạ tầng giao thông là 323.000 tỉ đồng nhưng đến nay thành phố mới cân đối được 76.000 tỉ đồng.

"Trước đây, tỉ lệ ngân sách TPHCM được giữ lại 23% nhưng sau đó giảm còn 18% như hiện nay đã tác động ngay đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của thành phố. Hiện TPHCM đang xây dựng đề án, báo cáo chính phủ chấp thuận tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố để thành phố có nguồn lực đầu tư phát triển” - ông Lâm nói.

Tháng 7.2020, TPHCM đã đưa ra đề án "Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030”. Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng: "TPHCM đang phải đối mặt với nguy cơ trong việc giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nếu TP suy giảm về kinh tế, cả nước sẽ bị ảnh hưởng và giảm số thu ngân sách nhà nước”.

Tại đề án, TPHCM đề xuất xin tăng tỉ lệ điều tiết giữ lại lên 23% giai đoạn 2022-2025; 26% giai đoạn 2026-2030. Đề án nhấn mạnh: Khi hiệu quả đầu tư công phát huy sẽ tạo động lực làm tăng tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lên 17,35% trong giai đoạn 2022-2030.

Việc cho phép TPHCM quay về tỉ lệ điều tiết ngân sách trước đây sẽ vừa làm tăng nguồn ngân sách nộp về trung ương vừa làm tăng ngân sách để lại cho TP đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật và tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng cao hơn.

Nói cách khác, nếu tăng 1 đồng chi ngân sách cho TPHCM thì ngân sách trung ương sẽ thu được nhiều hơn.

Theo Báo Lao động

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục