(HBĐT) - Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua, người dân xã Phú Cường (Tân Lạc) phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.


Hộ dân ở xóm Tằm Bát, xã Phú Cường (Tân Lạc) chăn nuôi trâu đem lại thu nhập khá.

Phú Cường là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc, xã có 11 xóm, thu nhập chính của người dân từ trồng trọt, chăn nuôi. Để nâng cao thu nhập, người dân đẩy mạnh chuyển đổi một số diện tích đất lúa, đất vườn sang trồng một số loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, nổi bật là trồng khoai lang và ngô. Năm 2020, tổng diện tích trồng ngô, khoai lang trên địa bàn đạt gần 1.300 ha. Trồng ngô, khoai lang không chỉ giúp nâng cao thu nhập, mà còn tạo ra nguồn thức ăn để người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng chí Cao Viết Đồng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đến nay, toàn xã có tổng đàn vật nuôi trên 44 nghìn con, trong đó, trâu trên 1,4 nghìn con, gần 900 con bò, gần 400 con dê, 2.500 con lợn và đàn gia cầm trên 38 nghìn con. Ngoài thuận lợi về nguồn thức ăn từ trồng trọt, nhiều xóm có đồi rừng chăn thả cũng là điều kiện để người dân phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, nhiều năm nay, do hạn chế về bãi chăn thả, người dân dần chuyển sang nuôi nhốt. Nhờ chăn nuôi đã giúp nhiều hộ dân vượt lên đói nghèo, có thu nhập ổn định.

Có đồi núi thuận lợi để làm bãi chăn thả nên từ lâu, Tằm Bát là một trong những xóm phát triển mạnh về chăn nuôi gia súc, nhất là chăn nuôi trâu, bò. Ở xóm, hầu như hộ nào cũng có từ 1- 2 con trâu, bò, số hộ có từ 4 - 5 con ít hơn bởi hiện nay, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi nhốt hoàn toàn hoặc bán chăn thả khi diện tích chăn thả đã giảm nhiều. Gia đình ông Bùi Văn Uân là một trong những hộ phát triển chăn nuôi từ lâu. Nhờ chăn nuôi, gia đình ông có thu nhập ổn định, làm được ngôi nhà sàn bằng bê tông kiên cố. Ông Uân cho biết: Trước đây, gia đình chủ yếu chăn thả trâu vào đồi, rừng, mấy năm trở lại đây chuyển sang bán chăn thả, mùa đông nhiệt độ xuống thấp nuôi nhốt hoàn toàn. Để đảm bảo thức ăn cho trâu, bò, gia đình đã chuyển đổi nhiều diện tích đất ruộng, vườn tạp sang trồng cỏ voi, với diện tích trên 5.000 m2.   

Ngoài đảm bảo nguồn thức ăn, ông Uân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc. "Chăn nuôi đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Để vật nuôi lớn nhanh, khỏe mạnh cần phải có đầy đủ thức ăn và thực hiện tiêm các loại vắc xin phòng bệnh, tiêm thuốc bổ cho vật nuôi. Những năm qua, đầu ra của con trâu, con bò khá thuận lợi, nếu chăm sóc tốt cũng giúp gia đình có được thu nhập ổn định hơn” - ông Uân chia sẻ thêm. Được biết, hiện xóm Tằm Bát đang nuôi trên 400 con trâu, bò, ngoài ra, bà con chú trọng chăn nuôi lợn bản địa, gà ri của địa phương. Những sản phẩm này một phần được tư thương đến thu mua, còn lại bà con mang lên bán cho khách trên các sạp hàng ở khu vực đèo Đá Trắng, dọc theo quốc lộ 6.

Không chỉ ở xóm Tằm Bát, hầu hết các xóm khác trên địa bàn xã cũng chú trọng phát triển chăn nuôi trâu, bò và nuôi dê. Theo lãnh đạo xã chia sẻ, đa số hộ dân vay vốn chính sách để đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là nuôi trâu, bò. Từ chăn nuôi và những nỗ lực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đến hết năm 2020, thu nhập bình quân của xã đã đạt 40 triệu đồng/người/năm. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: Trong thời gian tới, xã chú trọng phát triển các vật nuôi của địa phương như gà ri, lợn bản địa để đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như cung cấp sản phẩm cho các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn xã và khu vực lân cận. Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, xã tiếp tục coi chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Viết Đào

Các tin khác


Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Nghị định chế độ tiền lương mới

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập.

Thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên. Thời gian qua, xác định vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể (KTTT), trên cơ sở các quy định của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Qua đó đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương.

Hiệu quả từ trồng dưa - theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Mai Hạ

Những năm qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) nỗ lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu nhập cho người dân. Trong đó phải nói đến trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân địa phương bước vươn lên thoát nghèo.

Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương ký kết giao ước thi đua năm 2024

Sáng 12/4, Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2024. 

Tháo gỡ đầu ra cho cây gai xanh

Chậm thu mua, chậm thanh toán … ! Đó là thực trạng chung đối với các hộ liên kết trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do kinh tế suy thoái nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc thu mua, "đầu ra” không ổn định. Từ thực tế đó, người dân mong muốn chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho cây gai xanh. Qua đó đảm bảo nguồn cung, cầu ổn định, tạo điều kiện cho các hộ trồng gai xanh yên tâm phát triển và nâng cao giá trị cây trồng.

Bền bỉ vượt khó cùng vốn ưu đãi

Với sự đồng hành và hỗ trợ đa chiều của vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã viết nên nhiều câu chuyện về hành trình vượt lên nghèo, đói của không ít hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục