Hoạt động sản xuất của hầu hết ngành hàng công nghiệp đang phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhất là tại các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, đều chứng kiến đà sụt giảm mạnh của sản xuất công nghiệp (SXCN) so thời gian trước đó.   


Doanh nghiệp da giày đang chịu thêm nhiều chi phí sản xuất trong mùa đại dịch.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 ước giảm 4,2% so tháng trước và giảm 7,4% so cùng kỳ năm trước; trong đó, động lực chính dẫn dắt tăng trưởng của ngành là lĩnh vực chế biến chế tạo cũng giảm tới 9,2% so cùng kỳ năm 2020.

Tiếp tục đà sụt giảm

Dịch bệnh chưa được kiểm soát, nhiều tỉnh, thành phố đã phải kéo dài thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg khiến cho hoạt động SXCN bị gián đoạn. Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), những địa phương như TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương,… tập trung nhiều doanh nghiệp (DN) da giày lớn trong các khu công nghiệp cho nên khi thực hiện giãn cách xã hội, đã khiến 90% số nhà máy phải đóng cửa do không đủ điều kiện thực hiện "ba tại chỗ".

Số ít DN còn hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn do phải giảm 50% số lao động để thực hiện giãn cách, đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu. Nhiều lao động tự bỏ về quê do sợ dịch bệnh, cộng thêm khó khăn đi lại, di chuyển giữa các địa phương tiếp tục gây khó khăn trong việc tuyển dụng lao động mới. Các DN bị thiệt hại lớn do sản xuất ngưng trệ, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu.

Tương tự, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cho biết, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía nam đã khiến nhiều DN dệt may phải đóng cửa, ngừng sản xuất do không đáp ứng được yêu cầu "ba tại chỗ" hoặc "một cung đường - hai điểm đến". Nếu không sớm kiểm soát được dịch bệnh, các tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), không chỉ dệt may, da giày mà hầu hết các ngành công nghiệp đều chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Kéo dài đà sụt giảm từ tháng 7, IIP tháng 8 của hàng loạt tỉnh, thành phố tiếp tục giảm sâu. Cụ thể, IIP tháng 8 của Bến Tre giảm 60,1% so cùng kỳ năm trước; Ðồng Tháp giảm 59,1%; TP Hồ Chí Minh giảm 49,2%; Vĩnh Long giảm 41,5%; Tây Ninh giảm 36,9%; Khánh Hòa giảm 28,6%; Ðồng Nai giảm 13,3%; Bình Dương giảm 12,6%;… Một số địa phương giữ được đà tăng sản xuất trong tháng 7 như Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang (tăng lần lượt 10,1%; 8,8%; 7,6% và 6% so cùng kỳ năm trước), nay đã không thể tiếp tục duy trì (giảm lần lượt 29,5%; 25,6%; 31,4% và 15,5%).

Tại phía bắc, do kiểm soát dịch bệnh tốt hơn cho nên nhiều địa phương đã giữ được mức tăng trưởng SXCN khá: IIP tháng 8 của Hải Phòng tăng 21,2% so cùng kỳ năm 2020; Hà Nam tăng 18,5%; Hải Dương tăng 17,8%; Quảng Ninh tăng 17,5%; Thái Bình tăng 15,8%; Nghệ An tăng 14,9%; Nam Ðịnh tăng 14,2%. Hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cũng cơ bản đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, đưa hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp dần hồi phục. Tốc độ tăng chỉ số IIP các tháng 5, tháng 6 và tháng 7 so với cùng kỳ năm trước của Bắc Giang lần lượt giảm 26,7%; 49,8% và 15,3%; nhưng trong tháng 8 đã tăng trở lại 13,1%. Riêng thành phố Hà Nội, do bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7 cho nên IIP tháng 8 bắt đầu giảm 6,4%.

Nối lại hoạt động sản xuất

Theo các chuyên gia, hoạt động SXCN sẽ còn gặp nhiều khó khăn, dự báo khủng hoảng chuỗi cung ứng có thể kéo dài đến năm 2022. Nhấn mạnh duy trì hoạt động sản xuất của DN trong bối cảnh dịch bệnh được xem như giải pháp quan trọng giúp bảo đảm "mục tiêu kép", Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Duy trì sản xuất chính là duy trì huyết mạch của nền kinh tế. Việc khôi phục các hoạt động sản xuất không chỉ giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát mà quan trọng hơn là bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Do đó, ưu tiên cao nhất hiện nay là phải sớm kiểm soát dịch bệnh, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, tập trung nguồn lực khôi phục hoạt động sản xuất. Ðể tháo gỡ khó khăn cho các ngành sản xuất, cụ thể với nhóm ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, chế biến thủy sản, điện tử,... Bộ Công thương sẽ tập trung hỗ trợ tối đa để các nhà máy duy trì, khôi phục sản xuất nhằm giữ được chân hàng, chuỗi cung ứng; trước mắt là để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết và sau đó tranh thủ đơn đặt hàng phục vụ dịp mua sắm cuối năm ở các thị trường châu Âu, Mỹ nhằm gia tăng sản lượng.

Bên cạnh đó, bộ sẽ phối hợp các DN FDI tăng cường tìm kiếm, kết nối với DN sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu; thường xuyên cập nhật, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ để xây dựng mạng lưới kết nối các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước, hình thành chuỗi cung ứng trong nước. Ðối với nhóm ngành sản xuất thép, phân bón, khai thác quặng,…

Bộ Công thương sẽ phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, các tập đoàn, tổng công ty, DN sản xuất lớn rà soát, xem xét các yếu tố liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm. Ðồng thời, có biện pháp để tăng năng suất, ưu tiên đáp ứng phục vụ thị trường nội địa, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm trong nước có nhu cầu cao. Các địa phương tùy theo tình hình cần xem xét cho phép các DN được sản xuất với quy mô phù hợp, có kế hoạch sản xuất cụ thể, đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch cũng như có biện pháp xử lý khi phát hiện ca nghi nhiễm tại nơi làm việc; theo đúng tinh thần "sớm nối lại chuỗi sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người lao động".


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Doanh nghiệp trong xu thế kinh tế xanh

Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước rất quan tâm và tích cực thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Qua đó, ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, chú trọng thu hút các dự án chất lượng cao. Tuy nhiên trên thực tế, ở Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh mới chỉ đang ở xuất phát điểm.

Huyện Lạc Sơn khai thác tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội

(HBĐT) - Với tổng diện tích tự nhiên trên 58,7 nghìn ha, huyện Lạc Sơn có 24 đơn vị hành chính, trên 15 vạn dân, gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến hết năm 2022 là 19,32%, có 10 xã đã về đích nông thôn mới. Tuy không thuộc vùng động lực của tỉnh nhưng huyện Lạc Sơn có những tiềm năng, lợi thế riêng để phát triển, như về giao thông có tuyến đường 12B đấu nối với quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh đi qua. Tiềm năng đất đai của huyện dồi dào, thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%, hàng năm có gần 1.300 học sinh tốt nghiệp THPT tham gia vào lực lượng lao động.

Giữ đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý I năm 2023 ước tính đạt 3,32% so cùng kỳ khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả.

UBND tỉnh làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc

(HBĐT) - Sáng 29/3, đoàn công tác Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) do ông Lee Sang Back, Tổng Giám đốc khu vực tư nhân tổ chức KOICA Hàn Quốc đã làm việc với UBND tỉnh về dự án Hợp tác công tư liên quan đến lĩnh vực giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng cộng thêm (REDD+). Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

Nông dân lao đao vì giá lợn hơi sụt giảm

(HBĐT) - Sau nhiều kỳ vọng sự ấm lên của thị trường tiêu thụ lợn, đến nay, giá lợn hơi vẫn chưa có dấu hiệu tăng, thậm chí tiếp tục đà giảm. Thời điểm này, sau mỗi lứa lợn bán ra, thứ mà người nông dân thu lại là những hẫng hụt, trăn trở...

 Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng nông sản

(HBĐT) - Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành NN&PTNT và các địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng MSVT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục