(HBĐT) - Tuy là "vùng xanh”, song trước bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp trên cả nước đã ảnh hưởng lớn đến "sức khỏe” nền kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, tác động từ làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 khiến không ít cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN), nhất là DN trong các khu công nghiệp (KCN) lao đao do nhiều tỉnh, thành phố, địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch (PCD), khiến việc lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng, nguồn nhân lực thiếu hụt.



Thời gian qua, Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam (Hòa Bình) tại khu công nghiệp Lương Sơn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiếu hụt nhân lực.

Theo số liệu báo cáo của Ban chỉ đạo PCD Covid-19, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.950 DN hoạt động và trên 10.920 hộ kinh doanh, hợp tác xã. Hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX-KD) nói chung gặp nhiều khó khăn. Dịch bệnh đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm, đồng thời khiến cho nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức, không ổn định, thiếu bền vững. Lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất là dịch vụ, du lịch, vận tải với 71% lao động bị ảnh hưởng; khu vực công nghiệp, xây dựng có 34% lao động bị ảnh hưởng... Tính đến cuối tháng 8/2021, số lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và ngừng việc khoảng 6.500 người.

Là DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực may mặc, nhiều năm qua, Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam (Hòa Bình) là một trong những DN SX-KD hiệu quả tại KCN Lương Sơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công ty gặp nhiều khó khăn do thiếu lao động, bởi phần lớn công nhân là người Hà Nội, không thể đi làm do thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Công suất hoạt động chỉ đạt khoảng 60%, nhiều đơn hàng chưa thể thực hiện được theo hợp đồng với khách hàng. Trong khi đó, chi phí thực hiện "3 tại chỗ" cho người lao động tăng gấp 3 lần so với bình thường khiến doanh thu của DN sụt giảm. Anh Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc nhân sự công ty bày tỏ: Chúng tôi mong mỏi các cấp, ngành sớm đưa ra quy định mới, phù hợp với tình hình để tạo điều kiện cho lao động không phải là người ở trên địa bàn huyện Lương Sơn, như đang ở các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ (Hà Nội) được trở lại làm việc. Nếu lực lượng lao động này không sớm được quay lại thì nguy cơ DN sẽ mất lao động do họ đi tìm công việc mới.

Qua tìm hiểu được biết, hiện ở KCN Lương Sơn, ngoài khó khăn do thiếu công nhân lao động và việc duy trì hoạt động "3 tại chỗ” thì lo lắng lớn nhất của các DN là số lượng công nhân được tiêm phòng vắc xin Covid-19 còn ít. Do vậy, các DN mong muốn được tiếp cận với nguồn vắc xin nhanh nhất có thể, giúp việc đi lại, giao thương được thuận lợi hơn.

Trao đổi về tình hình hoạt động của cộng đồng DN thời gian qua, ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết: Trước diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch Covid-19, các DN trong tỉnh gặp rất nhiều trở ngại. Vừa qua, Hiệp hội đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước tỉnh và Thanh tra tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho các DN về vốn đầu tư và thanh tra trùng lắp, chồng chéo. Hiệp hội cũng có văn bản tổng hợp những ý kiến về khó khăn, vướng mắc gửi UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết. Trong đó nổi lên một số vấn đề như: Nhiều DN phải ngừng hoạt động, không có việc làm, người lao động phải nghỉ việc luân phiên. Việc triển khai công tác đầu tư gặp khó trong quy hoạch sử dụng đất, công tác tài trợ các dự án chưa có hướng dẫn cụ thể; công tác thẩm định giá, giải phóng mặt bằng còn chậm, nhất là những dự án đầu tư ngoài ngân sách… Do vậy, đề nghị UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ DN phát triển SX-KD, nhất là đẩy nhanh tiến độ ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động tại các DN để duy trì, khôi phục sản xuất.

Thực tế cho thấy, 9 tháng qua, trong tỉnh đã có 110 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, 35 DN giải thể tự nguyện và khoảng 1.000 hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động do không đủ nhân lực, hoặc không đáp ứng được điều kiện an toàn PCD trong SX-KD. Đã có 34 DN áp dụng "3 tại chỗ” hoặc "1 cung đường 2 điểm đến”. Việc áp dụng thực hiện các biện pháp này đã tạo áp lực lớn đến DN do phải đảm bảo điều kiện ăn, ngủ, làm việc cho người lao động. Riêng ở các KCN, trong 9 tháng, doanh thu từ hoạt động SX-KD của các DN ước đạt 10.924 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nhằm tiếp sức, vực dậy các DN, những tháng cuối năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt biện pháp PCD tại các DN, nhất là trong KCN, cơ sở SX-KD thương mại, dịch vụ để đảm bảo duy trì hoạt động, không làm ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng. Thường xuyên cập nhật tình hình khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các DN; hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành, giúp DN trong quá trình thành lập và hoạt động. Tăng cường cung cấp thông tin, hỗ trợ DN tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại một cách hiệu quả nhất. Nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhà đầu tư, DN; chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19. Ngành thuế triển khai thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ, giúp DN sớm phục hồi trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh…

HOÀNG NGA



Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục