Bộ Xây dựng đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng về việc cấp 65.000 tỷ đồng kèm cơ chế chính sách để đẩy mạnh phát triển nhà ở cho công nhân.

Có thể nói chưa bao giờ nhu cầu về nhà ở của công nhân lại được quan tâm như vài tháng gần đây. Tại các tỉnh, thành phía Nam, thời điểm dịch COVID-19 việc thiếu nhà ở công nhân đã bộc lộ điểm yếu trong chuỗi phát triển khu công nghiệp. Nhiều nơi, công nhân phải ở trong các khu nhà chật hẹp, tiềm ẩn nguy cơ gây nhiễm bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Bởi vậy, Bộ Xây dựng mới đây đã đưa ra các kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ để phát triển nhà ở cho công nhân. Thông tin này cũng ngay lập tức thu hút sự quan tâm của các đơn vị phát triển bất động sản.

Theo đó, thay vì gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được đề xuất cách đây hơn 1 tuần, Bộ Xây dựng đã kiến nghị đưa vào chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng để phát triển loại hình nhà ở này.

Trong đó, bao gồm 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng sau được vay ưu đãi:

- Công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

- Chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê.

- Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật nhà ở.

Bộ Xây dựng kiến nghị cấp 65.000 tỷ đồng làm nhà ở công nhân - Ảnh 2.

Nguồn cung nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh còn thiếu. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Khó khăn của doanh nghiệp sản xuất khi thiếu nhà ở cho công nhân

Đề xuất trên của Bộ Xây dựng xuất phát từ nhu cầu về nhà ở cho công nhân đang rất bức thiết khi, cả nước hiện chỉ có 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp.

Ví dụ như tại TP Hồ Chí Minh, nhà ở công nhân mới chỉ đáp ứng 8% nhu cầu, còn lại người lao động phải tự lo nơi ở. Thực trạng này đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong suốt giai đoạn dịch bệnh vừa qua.

Buộc phải thực hiện 3 tại chỗ trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng vừa qua vì không có nhà ở cho công nhân, Công ty thời trang STAR chỉ còn cách chuyển đổi công năng một phần nhà máy sang làm nơi ăn ở sinh hoạt và làm việc tại chỗ cho công nhân.

"Chúng tôi phải lắp đặt lại toàn bộ hệ thống ví dụ nhà vệ sinh, nhà tắm cho người lao động rồi mua trang thiết bị và đồ dùng sinh hoạt cho người lao động. Nếu tính chi phí đội lên khi "làm 3 tại chỗ", mỗi người lao động khoảng 300 - 400 USD mỗi tháng", bà Đỗ Thị Ngọc Bích - Giám đốc Hành chính - Nhân sự, Công ty thời trang STAR cho hay.

Còn với Công ty Cổ phần Sơn Hải Phòng, 2 nhà máy tại khu vực phía Nam phải đóng cửa hoàn toàn trong 3 tháng vừa qua do không đủ điều kiện thực hiện "3 tại chỗ". Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp đã nhìn thấy sự cấp thiết của nhà ở cho công nhân.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch Tập đoàn VLC - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Hải Phòng cho hay: "Qua đợt dịch này có thể thấy việc làm thêm các ký túc xá cho công nhân là cần thiết. Việc tuyển dụng ngày càng khó khăn hơn nếu các công ty mà có những khu ở cho công nhân sẽ tạo điều kiện thu hút được người lao động".

Cần cơ chế riêng để phát triển nhà ở cho công nhân

Nhà ở cho công nhân có nhu cầu lớn và cấp thiết nhưng hiện nay chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp lại đang được lồng ghép vào chương trình phát triển nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 loại đối tượng ví dụ các hộ thu nhập thấp, hay nhà ở cho cán bộ chiến sĩ... Các chuyên gia nhìn nhận, cần thiết có một chiến lược riêng để phát triển loại hình nhà ở này.

Ông Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho hay: "Nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, người lao động tự do… những người không phải nộp thuế thu nhập thì được ở nhà ở xã hội. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội thì giao cho Sở Xây dựng. Sở Xây dựng lại không phải là người biết có bao nhiêu người có thu nhập thấp, mà phải hỏi Liên Đoàn lao động, Sở LĐ-TB&XH. Như vậy, việc xác định số lượng là rất khó khăn, rất cần phải có một chiến lược, kế hoạch riêng cho từng kế hoạch một".

Bộ Xây dựng kiến nghị cấp 65.000 tỷ đồng làm nhà ở công nhân - Ảnh 3.

Các chuyên gia nhìn nhận, cần thiết có một chiến lược riêng để phát triển loại hình nhà ở cho công nhân. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Lập quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân

Cơ chế dành quỹ đất trong mỗi khu công nghiệp để triển khai dự án nhà ở cho công nhân đã có từ hơn 10 năm trước. Song đến nay, số lượng nhà ở cho công nhân vẫn còn rất ít.

Tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018 về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu rõ, các khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất tối thiểu 5 - 10%, dành cho nhà ở công nhân, các tiện ích dịch vụ. Đây là có thể coi là yêu cầu quan trọng để phát triển loại hình bất động sản này.

Ví dụ như tại Hà Nội, hiện nay mới chỉ có 4/9 khu công nghiệp đã xây dựng khu nhà ở lưu trú dành cho công nhân, đáng ứng 15% nhu cầu.

"Các khu công nghiệp trước đây chưa bố trí xây dựng nhà ở công nhân sẽ khẩn trương bố trí quỹ đất cho nhà ở công nhân. Thành phố Hà Nội đã khẩn trương yêu cầu các quận, huyện bố trí quỹ đất sạch để kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng nhà ở công nhân. 

Còn các khu công nghiệp từ nay đến 2030, dự kiến chúng tôi triển khai 14 khu công nghiệp, bắt buộc khi phê duyệt phải bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân", ông Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho hay.

Thực tế, các khu công nghiệp thường được bố trí xa trung tâm, ít tiện ích. Do vậy, nếu chỉ đơn thuần là xây dựng nhà ở sẽ khó thu hút người lao động. Theo các chuyên gia, việc đồng bộ các tiện ích đi kèm là rất cần thiết.

PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay: "Phải tính đến quy hoạch phát triển nhà ở cho công nhân, cán bộ đến làm việc tại khu vực đó. Đặc biệt, tại khu công nghiệp phát triển nhà ở cho công nhân đi kèm với đó là các dịch vụ về hậu cần như các nơi chăm sóc sức khỏe, học tập cho con cái. Vấn đề này bắt buộc phải có".

Theo khảo sát của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, công nhân chỉ có thể dành 15 - 20% thu nhập hàng tháng, tương đương với khoảng 1,5 - 2 triệu đồng chi trả cho nhà ở. Việc này khiến thời gian chi trả khi mua nhà của công nhân kéo dài, nhà đầu tư chậm thu hồi vốn nên không mặn mà.

Vì vâỵ, các gói tín dụng được đề xuất, nếu đi vào thực tiễn sẽ không chỉ là một sự hỗ trợ cần thiết để người công nhân có nơi ăn chốn ở, yên tâm lao động, mà còn góp phần thu hút các nhà đầu tư vào loại hình bất động sản này.

                                                               Theo VTV.vn

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục