(HBĐT) - Đầu tháng 11 này, tin vui lớn đến với ngành nông nghiệp của tỉnh, khi lần đầu tiên Hòa Bình xuất khẩu được 10 tấn mía trắng ăn tươi sang Đức - một thị trường khó tính của châu Âu, đòi hỏi tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm rất cao với quy trình kiểm định nghiêm ngặt, khắt khe.


Sản phẩm mía trắng được Công ty TNHH và đầu tư thương mại Tiến Ngân (TP Hòa Bình) sơ chế, chế biến cẩn thận trước khi đóng gói, cấp đông để xuất khẩu.

Đây là kết quả bước đầu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng bình quân 18% trở lên. Đồng thời cũng là cụ thể hóa Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh, trong đó có mục tiêu phát triển các hình thức sơ chế, chế biến mía ăn tươi, tạo sản phẩm đa dạng phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước...

Những cây mía được lựa chọn kỹ càng, yêu cầu không bị nứt nẻ, không sâu, dóng dài. Trước khi xuất khẩu được sơ chế, chế biến cẩn thận với quy trình rửa sạch, lau khô, cạo vỏ, cắt khúc đóng gói và cấp đông.

Được biết, từ thành công này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chuẩn bị tốt kế hoạch cho sản xuất vụ tới, nhất là đối với cây giống cần phát triển nhanh diện tích trồng mía bằng giống nuôi cấy mô. Đồng thời, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để xuất khẩu cây mía trắng, mía tím sang những thị trường mới. Trước mắt, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ xuất khẩu trên 40 tấn mía sang thị trường Anh, Đức. Đây là tín hiệu vui, là cơ hội đối với nông sản chủ lực và sẽ giữ chân được người nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía, một loại cây trồng truyền thống của tỉnh. 

Chia sẻ về thành công này, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Nhuận cho biết: Đó là kết quả bước đầu trong việc hướng tới sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư cho nông dân, đầu tư giống cây cho vùng trồng cây nguyên liệu với quy hoạch các loại cây trồng hợp với bản đồ thổ nhưỡng đã được nghiệm thu. Đồng thời, cần thúc đẩy cấp mã số vùng trồng, chế biến sâu để hướng tới xuất khẩu, nâng cao giá trị hàng nông sản của tỉnh. 

Những năm gần đây, việc đa dạng và nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực. Từ việc cấp mã số vùng trồng, trong năm 2020, 2021, tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch được sản phẩm nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi), chuối của HTX sản xuất chế biến nông thủy sản Phú Cường - Sông Đà (xã Thịnh Minh - TP Hoà Bình) sang thị trường Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty TNHH thủy sản Mavin Hòa Bình (xã Hiền Lương - Đà Bắc) xuất khẩu được 80 tấn cá rô phi sang thị trường Mỹ; dự kiến cả năm 2021, công ty sẽ xuất khẩu khoảng 180 tấn cá. Điều này đã mở ra triển vọng lớn cho sản phẩm cá sông Đà.

Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt các sản phẩm như: Cam, quýt, bưởi, lúa chất lượng cao nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều nông sản đã và đang phát triển sản xuất hàng hóa như: Nhãn, thanh long, bí xanh, bí đỏ... Đặc biệt, cùng với cây mía, trong tỉnh có những sản phẩm lợi thế vùng miền là chè, ngô nếp, quả ôn đới (hồng, mận, đào), cây gia vị và cây dược liệu... Trong những cây trồng này, nhiều loại được đánh giá có cơ hội xuất khẩu. Thực tế, trong tỉnh đã có những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm sản như: Công ty TNHH Pacific xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản các loại dưa chuột, lá ớt, gừng muối với sản lượng khoảng 1.900 tấn/năm; Công ty CP nông, lâm sản Kim Bôi xuất khẩu sang Trung Quốc, châu Âu mỗi năm khoảng 100 tấn măng, 2 tấn miến, 5 tấn phở khô... Hay như Công ty CP Sơn Thủy liên kết với hàng nghìn hộ dân ở các huyện trồng rừng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang Hàn Quốc khoảng 10.000 m3 gỗ ép/năm...

Với sự nỗ lực của các cấp,  ngành và doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường mới đã giúp thị trường xuất khẩu nông sản của tỉnh từng bước được mở rộng, sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nói chung có mức tăng trưởng cao. Trong tháng 10 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 109,752 triệu USD; lũy kế 10 tháng năm 2021 ước đạt 974,886 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là sản phẩm may mặc, điện tử, thấu kính quang học, kim loại và ván gỗ ép... 

Trên thực tế, mặc dù có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả tích cực, song, thị phần nông sản xuất khẩu của tỉnh còn ít, giá trị thấp; chưa có sản phẩm chế biến chất lượng cao, dẫn đến sức cạnh tranh còn thấp. Trao đổi về giải pháp để nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu, đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ: Năm qua, Sở Công Thương tham mưu với tỉnh ban hành Đề án "Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Việc xuất khẩu đòi hỏi các tiêu chí rất khắt khe, đặc biệt là với thị trường châu Âu. Đây là vấn đề lớn, do vậy cần có sự phối hợp tích cực giữa các ngành, nhất là ngành NN&PTNT, Hội Nông dân, Liên minh HTX, các huyện, thành phố. Muốn vậy, cần làm tốt công tác quy hoạch vùng và tất cả các tiêu chuẩn phải đặt lên mức độ cao nhất thì nông sản của tỉnh mới vào được các thị trường khó tính trên thế giới. Ngoài ra, phải tìm được đối tác có kinh nghiệm xuất khẩu, đặc biệt là lĩnh vực chế biến, có như vậy thì mới thực sự nâng cao được chất lượng, năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu.


Bình Giang

Các tin khác


Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục