Theo Bộ Công Thương, sáng 10/1, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã khôi phục thông quan tại các cửa khẩu/lối mở biên giới tại thành phố Đông Hưng (phía Việt Nam là thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, bao gồm cầu Bắc Luân 1, cầu Bắc Luân 2 và cầu phao Km 3+4).


Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại bãi kiểm hóa Tân Đại Dương, cửa khẩu quốc tế Móng Cái, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh minh họa: Bùi Đức Hiếu/TTXVN.

Đây là những cặp cửa khẩu/lối mở có ý nghĩa rất quan trọng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của cả 2 bên. Phía Quảng Tây cho biết trước mắt sẽ ưu tiên xử lý hàng tồn đọng tại cửa khẩu, đặc biệt là nông sản và hàng đông lạnh.

Trước đó, để rà soát và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, tỉnh Quảng Tây đã tạm dừng thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn thành phố Đông Hưng từ ngày 21/12/2021. Sau một thời gian rà soát, căn cứ diễn biến và tình hình phòng chống dịch thực tế tại từng cửa khẩu, Quảng Tây quyết định khôi phục thông quan tại các cửa khẩu/lối mở này để phối hợp với Việt Nam giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay.

Như vậy, sau nhiều nỗ lực giao thiệp và trao đổi thiện chí giữa 2 bên, kể từ ngày 5/1/2022, chính quyền tỉnh Quảng Tây đã lần lượt mở lại nhiều cặp cửa khẩu/lối mở biên giới giữa Quảng Tây và Việt Nam, trong đó có cụm cửa khẩu/lối mở có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam trên địa bàn Đông Hưng - Móng Cái.

Trong các buổi làm việc với Bộ Công Thương thời gian qua, phía Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu cao đối với công tác phòng chống dịch và đề nghị Việt Nam cùng phối hợp để bảo đảm an toàn phương tiện và hàng hóa, nhất là nông sản và thực phẩm đông lạnh, coi đây là biện pháp quan trọng nhất để bảo đảm lưu thông hàng hóa không bị gián đoạn tại khu vực biên giới.

Với phương châm "an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn", Bộ Công Thương một lần nữa khuyến nghị các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu. Các địa phương biên giới cũng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát để bảo đảm quy trình an toàn hàng hóa, phương tiện được thực hiện một cách chính xác và nghiêm túc; kiên quyết loại bỏ những lô hàng có biểu hiện vi phạm quy tắc phòng chống dịch để không làm ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng, đồng thời xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các lô hàng đó.

Bộ Công Thương nhận định, do dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu và trong khu vực, dự kiến quy trình thông quan tại tất cả các cửa khẩu sẽ còn tiếp tục được siết chặt. Tiến độ thông quan vì vậy, sẽ không thể trở lại bình thường trong thời gian ngắn. Vì vậy, UBND các địa phương vùng trồng và các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần chủ động theo dõi sát tình hình để có biện pháp điều tiết sản xuất, thu hoạch, đặc biệt là điều tiết lượng hàng đưa lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan, tránh để phát sinh tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu gây thiệt hại cho tất cả các bên.


Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục