(HBĐT) - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mai Châu tập trung xuống đồng để cấy lúa vụ chiêm xuân kịp khung thời vụ.


Người dân xóm Đồng Uống, xã Mai Hạ (Mai Châu) làm đất cấy vụ chiêm xuân.

Sau trận mưa rét kéo dài, thời tiết trên địa bàn huyện ấm dần nên người dân tích cực sản xuất vụ chiêm xuân 2022. Về Mai Châu những ngày này có thể thấy được không khí hết sức khẩn trương trên các cánh đồng. Từ xã Tòng Đậu, những thửa ruộng rộn vang tiếng máy cày, máy bừa và tiếng nói cười của người dân đang cấy lúa, Trên các cánh đồng thuộc thị trấn Mai Châu, xã Chiềng Châu, Mai Hạ là những hàng xe máy xếp dài trên tuyến đường nội đồng, có hộ dân đã bắt đầu cấy lúa, có hộ đang cày xới đất chuẩn bị dẫn nước vào ruộng. Ngoài cấy lúa, bà con tích cực chăm sóc các loại cây màu gieo trồng trên diện tích đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi, như dưa hấu, bí, mướp đắng.   

Trên cánh đồng rộng mênh mông, khá bằng phẳng của xóm Đồng Uống, xã Mai Hạ rất đông bà con tập trung làm đất để chuẩn bị gieo cấy. Gia đình ông Vì Văn Cường từ sáng sớm đã dùng máy phát cỏ, dọn dẹp cây ngô vụ đông để làm đất cấy lúa. Ông Cường chia sẻ: Ở xóm Đồng Uống, sau vụ lúa hè thu hầu như bà con đều không để đất trống mà bắt tay vào làm vụ đông. Có hộ trồng ngô, hộ trồng rau màu nên sau Tết, bà con thu hoạch xong tiếp tục làm đất để sản xuất. Vụ này, gia đình ông Cường trồng hơn 4.000 m2 bí và dưa hấu, cấy hơn 1.000 m2. "Từ khi gieo mạ đến nay, mặc dù trải qua 2 đợt mưa rét nhưng gia đình phủ ni lông nên mạ phát triển tốt. Sau khi phát sạch cỏ, chúng tôi xả nước vào ruộng để cày bừa và cấy lúa đảm bảo đúng khung thời vụ” - ông Cường cho biết. Ở cánh đồng của các xã Chiềng Châu, Nà Phòn đã dần phủ sắc xanh của mạ non. Các thửa ruộng cơ bản được cày bừa, nguồn nước đảm bảo.

Mặc dù thời tiết đầu năm khá khắc nghiệt nhưng có thể thấy, người dân trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Mai Châu đều thực hiện tốt các giải pháp để chống rét và phòng sâu bệnh cho mạ, nhất là việc che phủ ni lông. Đồng chí Trần Mạnh Tân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để đảm bảo sản xuất vụ chiêm xuân 2022, từ cuối năm 2021, huyện đã triển khai kế hoạch và đề ra nhiều giải pháp để thực hiện. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc lựa chọn các giống lúa phù hợp, năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon và chống chịu sâu bệnh tốt. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn điều tiết nước, phát động toàn dân làm thủy lợi. Do đó, đến nay nguồn nước được đảm bảo, những điều kiện khác cơ bản thuận lợi để người dân gieo cấy vụ chiêm xuân.

Đồng chí Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết thêm, vụ này, người dân trong huyện rất quan tâm đến việc bón lót phân chuồng, với gần 6.200 tấn phân chuồng được chuẩn bị, cao hơn so với những năm trước đây. Ngay sau Tết, không khí sản xuất hết sức khẩn trương, với phương châm làm đất đến đâu gieo trồng đến đấy. Theo kế hoạch, toàn huyện bắt đầu cấy từ ngày 10/2, đến nay đã cấy được trên 50 ha lúa, dự kiến đến ngày 20/2 hoàn thành cấy vụ chiêm xuân 2022.  


Viết Đào

Các tin khác


Doanh nghiệp trong xu thế kinh tế xanh

Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước rất quan tâm và tích cực thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Qua đó, ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, chú trọng thu hút các dự án chất lượng cao. Tuy nhiên trên thực tế, ở Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh mới chỉ đang ở xuất phát điểm.

Huyện Lạc Sơn khai thác tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội

(HBĐT) - Với tổng diện tích tự nhiên trên 58,7 nghìn ha, huyện Lạc Sơn có 24 đơn vị hành chính, trên 15 vạn dân, gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến hết năm 2022 là 19,32%, có 10 xã đã về đích nông thôn mới. Tuy không thuộc vùng động lực của tỉnh nhưng huyện Lạc Sơn có những tiềm năng, lợi thế riêng để phát triển, như về giao thông có tuyến đường 12B đấu nối với quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh đi qua. Tiềm năng đất đai của huyện dồi dào, thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%, hàng năm có gần 1.300 học sinh tốt nghiệp THPT tham gia vào lực lượng lao động.

Giữ đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý I năm 2023 ước tính đạt 3,32% so cùng kỳ khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả.

UBND tỉnh làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc

(HBĐT) - Sáng 29/3, đoàn công tác Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) do ông Lee Sang Back, Tổng Giám đốc khu vực tư nhân tổ chức KOICA Hàn Quốc đã làm việc với UBND tỉnh về dự án Hợp tác công tư liên quan đến lĩnh vực giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng cộng thêm (REDD+). Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

Nông dân lao đao vì giá lợn hơi sụt giảm

(HBĐT) - Sau nhiều kỳ vọng sự ấm lên của thị trường tiêu thụ lợn, đến nay, giá lợn hơi vẫn chưa có dấu hiệu tăng, thậm chí tiếp tục đà giảm. Thời điểm này, sau mỗi lứa lợn bán ra, thứ mà người nông dân thu lại là những hẫng hụt, trăn trở...

 Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng nông sản

(HBĐT) - Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành NN&PTNT và các địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng MSVT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục