Vai trò doanh nghiệp được xác định là hạt nhân, đầu tàu giúp thúc đẩy nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản…, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Thế nhưng, trong những năm qua, việc thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do lĩnh vực này tiềm ẩn những rủi ro vì thiên tai, dịch bệnh.


Chế biến hoa quả tại Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ (Sơn La).

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, có 1.640 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp trên cả nước lên hơn 14.400. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao…, qua đó góp phần bảo đảm tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua liên kết, đồng thời giúp nông sản Việt Nam từng bước chinh phục thị trường quốc tế.

Khẳng định vai trò của doanh nghiệp

Những năm qua, tỉnh Sơn La có nhiều chính sách, giải pháp thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tỉnh tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư; đẩy mạnh khuyến khích ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào phát triển sản xuất, xuất khẩu nông sản. Cùng với đó tỉnh cũng kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các thành viên hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Giai đoạn 2008-2021, Sơn La thu hút, triển khai được gần 200 dự án đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, các dự án đầu tư chế biến nông sản đi vào hoạt động đã thúc đẩy người dân tham gia phát triển vùng nguyên liệu rau, củ và trồng cây ăn quả trên đất dốc; thúc đẩy liên kết giữa người dân và doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh mối liên kết giữa các hộ dân trong phát triển kinh tế tập thể.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, giai đoạn này, tỉnh tập trung chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, trong đó, đã thu hút được 10 dự án chế biến nông sản vào sản xuất, kinh doanh góp phần tạo việc làm cho nhân dân, giải quyết đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch. Từ đó, tạo ra động lực, sức lan tỏa lớn đến các hộ dân tham gia, góp phần hình thành vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn phục vụ sản xuất, chế biến.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao (Doveco) Nguyễn Thanh Tùng, cho biết "Dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La với quy mô 50.000 tấn sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư đăng ký ban đầu là 400 tỷ đồng đã hoàn thành 50% tiến độ. Hiện nay, công ty đã xây dựng được mối liên kết với người dân để hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn tạo vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến. Qua triển khai dự án, công ty đã nhận được sự quan tâm của tỉnh, các sở, ban, ngành hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án theo kế hoạch”.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mia Fruit Nguyễn Ngọc Huyền, hiện nay, công ty đang phối hợp tỉnh Sơn La hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa những sản phẩm hàng hóa nông sản của Sơn La vào tiêu thụ tại các siêu thị trong hệ thống và hỗ trợ tham gia xuất khẩu; đồng thời đề xuất xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây của tỉnh Sơn La năm 2022 và triển khai dự án xây dựng vùng trồng đậu đỏ xuất khẩu sang Nhật Bản theo tiêu chuẩn Organic...

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021-2025; phê duyệt Ðề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Riêng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian qua bước đầu thu được kết quả khả quan.

Nhiều dự án đầu tư phát huy hiệu quả tốt như: Dự án chăn nuôi, chế biến thỏ công nghệ cao có vốn đầu tư 78,6 triệu USD tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn của Tập đoàn Nippon Zoki, Nhật Bản; Dự án đầu tư khu chăn nuôi lợn tập trung công nghệ an toàn sinh học của Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Hòa Yên quy mô 1.250 lợn nái sinh sản và 9.000 con lợn thịt; Dự án sản xuất quế hữu cơ gắn với chế biến các sản phẩm từ quế, quy mô diện tích hơn 500 ha được cấp chứng nhận quế hữu cơ của Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam tại xã Ðào Thịnh, huyện Trấn Yên. Thời gian qua, Công ty cổ phần Yên Thành mạnh dạn đầu tư liên kết nhân dân huyện Yên Bình (Yên Bái) sản xuất, chế biến măng tre Bát Ðộ theo hướng dân góp đất, công lao động, công ty góp giống, phân bón, kỹ thuật, thu mua sản phẩm. Từ việc liên kết này giúp người dân trồng măng hưởng lợi hàng trăm tỷ đồng từ bán măng tươi mỗi năm.

Ông Trần Phúc Dần, ở xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình cho biết: "Gia đình tôi liên kết trồng măng Bát Ðộ với công ty từ năm 2007 đến nay với 15 ha. Nhờ lợi thế cây tre Bát Ðộ ưa đất ẩm nên sinh trưởng tốt, với vốn đầu tư một lần là 10 nghìn đồng/hom, sau hai năm cho thu hoạch. Do vậy, bình quân mỗi năm cho lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Riêng năm 2021 do mưa ít, măng đẻ chậm, chỉ đạt 180 triệu đồng”.

Vẫn còn nhiều "điểm nghẽn”

Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều "điểm nghẽn” do lĩnh vực này vốn chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh cho nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia; doanh nghiệp khó tiếp cận được đất đai khi tham gia đầu tư; thị trường tiêu thụ chưa ổn định; quy mô, nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hạn chế khi phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệu quả chưa cao… Giám đốc Công ty cổ phần Lâm, nông, sản Yên Bái Lê Long Giang cho biết, hằng năm công ty thu mua 110 nghìn tấn sắn tươi cho nhân dân trên địa bàn. Như vậy, bình quân mỗi năm người dân thu khoảng 200 tỷ đồng từ việc bán sắn cao sản cho công ty.

Tuy vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay là vùng nguyên liệu không tập trung, nằm xa nhà máy chế biến, khiến tăng chi phí vận chuyển nên nông dân chưa được hưởng lợi nhiều. Mặt khác, vùng nguyên liệu bị phá vỡ khi diện tích sắn đang bị lấn át bởi cây quế. Từ chỗ cao điểm có 10.000 ha nay vùng nguyên liệu còn khoảng 4.000 ha, bởi nông dân thấy cây gì lợi hơn thì tự trồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Hà Như Huệ cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được thì tỷ lệ vốn đầu tư trực tiếp cho lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn còn hạn chế; số vốn được cân đối chủ yếu đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, các dự án trọng điểm về phát triển nông nghiệp còn ít, hiệu quả lan tỏa chưa cao. Một số địa phương chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo lồng ghép nguồn vốn được phân cấp để đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp. Tiến độ triển khai một số chương trình, dự án còn chậm, mức vốn cân đối chưa bảo đảm tiến độ thực hiện. Việc đầu tư cho giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu khoa học còn thấp.

Thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, trọng tâm là huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các thành phần kinh tế, vốn đầu tư từ nước ngoài và vốn cộng đồng, doanh nghiệp đóng góp đầu tư phát triển nông nghiệp; thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, năm 2022, Bộ sẽ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; thực hiện "đồng hành” và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, sạch, hữu cơ; phấn đấu thành lập mới 2.000 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên 16.100 doanh nghiệp; sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp, các công ty nông, lâm nghiệp theo phương án và tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo các chuyên gia, về lâu dài, các bộ, ngành, địa phương cần có chính sách, hỗ trợ, tạo điều kiện và tháo gỡ những khó khăn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong nước và quốc tế; có định hướng về mặt hàng nông sản chủ lực có thế mạnh, tiềm năng ở từng địa phương, từng vùng để các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư…

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục