(HBĐT) - Trong những tháng đầu năm nay, cơn sốt bất động sản (BĐS) không chỉ tập trung ở khu vực TP Hòa Bình mà còn lan ra khắp các huyện khác trong tỉnh. Đáng quan tâm hơn, cơn sốt đã len lỏi đến vùng núi, những nơi hàng chục năm qua người dân chỉ biết cần cù lao động, giờ giá đất cũng được "thổi” lên đến vài tỷ đồng cho mỗi ha.




Một khu vực tại xã Xuân Thủy (Kim Bôi) được rao bán trên mạng.

Thời điểm đầu năm, tình trạng nhiều dòng tiền liên tục đổ dồn vào BĐS đã làm cho giá đất ở nhiều địa phương trong tỉnh tăng lên chóng mặt. Từ đất nền các dự án cho đến các loại đất nông nghiệp, đất rừng ở những nơi xa xôi cũng được dân đầu cơ quan tâm. Lý giải về điều này, anh Nguyễn Văn Dũng, một người dân ở TP Hòa Bình cho hay, bắt nguồn từ nỗi lo lạm phát, cộng với lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng quá rẻ nên nhiều người tìm đến BĐS làm nơi "trú ẩn".

Theo những nhà đầu tư BĐS, thời gian qua, tình trạng sốt đất không chỉ quanh khu vực TP Hòa Bình mà còn ở nông thôn, thậm chí cả vùng núi, vùng lòng hồ sông Đà cũng xảy ra tình trạng sốt đất mạnh mẽ. Đặc biệt, có những vị trí giáp ranh lòng hồ gần với TP Hòa Bình được nhà đầu cơ thổi giá từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng/ha. Tại các địa bàn như huyện Lương Sơn, Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy… cũng xảy ra tình trạng giá BĐS tăng lên vài lần so với cuối năm 2021, từ phân khúc đất nền cho đất đất vườn, đất trang trại, đồi rừng. Tình trạng sốt đất đến nỗi nhiều người nhận định, chỉ cần năm 2021, khi dịch bệnh còn căng thẳng nếu có vài tỷ đồng bỏ ra mua đất và chờ đợi thì đến nay đã thành "đại gia”. Đáng nói, đa phần người đi mua đất rừng, đất trang trại trên địa bàn tỉnh thời gian qua đều từ Hà Nội và những tỉnh lân cận đến tỉnh nhà và thổi giá bất chấp hệ lụy.

Thêm nữa, tình trạng sốt đất khiến cho số lượng văn phòng môi giới, giao dịch nhà đất xuất hiện dày trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các "điểm nóng” như huyện Lương Sơn, TP Hòa Bình, Cao Phong, Yên Thủy... Qua khảo sát được biết, lợi dụng sự sốt nóng và quan tâm về thị trường BĐS, đội ngũ cò đất, môi giới nhà đất cũng là một trong những nguyên nhân thổi bùng cơn sốt đất lên cao. Nhiều môi giới BĐS bất chấp đổ về các nơi là điểm nóng về giá đất để chèo kéo khách, giới đầu tư, tạo ra những đợt sóng đầu tư nhằm kiếm lợi nhuận.

Anh Cường, giám đốc một công ty BĐS trên địa bàn tỉnh cho hay, có lẽ do sự khan hiếm nguồn cung nhà ở, đất đai ở vùng Thủ đô mà nhà đầu tư và người có nhu cầu mua đất có xu hướng tìm đến vùng ven đô nhiều hơn, nhất là địa bàn tỉnh, nơi tiếp giáp với Thủ đô và được đánh giá có môi trường khá lý tưởng cho nghỉ cuối tuần của người dân Hà Nội. Song trên thực tế, nhu cầu đầu tư thực, ở thực và dài hạn thường rất ít, đa phần dân ngoại tỉnh đến tỉnh ta tìm mua BĐS là dân đầu cơ "lướt sóng".

Theo các chuyên gia, thị trường BĐS vốn luôn có nhiều tiềm năng trong dài hạn, tuy nhiên, thời điểm từ đầu năm đến nay chủ yếu là những nhà đầu tư "lướt sóng" theo kiểu "chộp giật", theo phong trào và không có kế hoạch đầu tư cũng như chiến lược rõ ràng. Cơn sốt đất ảo có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào, gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho cả người mua và người bán. Khi chính quyền địa phương vào cuộc và cần thiết có những biện pháp mạnh tay sẽ làm giảm hoạt động giao dịch, nhất là việc xử lý triệt để các vi phạm, chấn chỉnh thị trường mua bán nhà đất.

Việc công khai quy hoạch tới đây của tỉnh rất có thể sẽ khiến cho tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất để trục lợi bất hợp pháp không còn "đất sống”, nhất là những khu vực rừng phòng hộ sông Đà hoặc các khu vực liên quan đến đất trồng rừng sản suất... Đặc biệt, việc điều chỉnh những vướng mắc trong quy định của pháp luật, sửa đổi nội dung các quy định của luật hiện hành có liên quan, tạo hành lang pháp lý quản lý thị trường BĐS chặt chẽ theo các chuyên gia cũng sẽ khiến cho thị trường BĐS giảm nhiệt đáng kể. Khi đó, việc người dân đầu cơ BĐS ở tất cả các phân khúc với những mức giá bị thổi lên quá cao chắc chắn sẽ phải nhận trái đắng.

Hồng Trung

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục