Huyện Mai Châu “Trải chiếu hoa” mời gọi nhà đầu tư đánh thức tiềm năng
Thứ sáu, 29/7/2022 | 9:28:54 Sáng
(HBĐT) - Từng được tạp chí danh tiếng Business Insider của Mỹ bầu chọn là 1 trong 10 điểm đến thú vị nhất trên thế giới dành cho tour du lịch văn hóa địa phương, mang lại cho du khách những trải nghiệm khó quên. Nhưng ít người biết, Mai Châu vẫn còn những dư địa, tiềm năng đang chờ được đánh thức...
Dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đi vào hoạt động từ nhiều năm qua tại xã Nà Phòn (Mai Châu).
Theo đồng chí Trần Văn Truyền, Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, với lợi thế nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, tiếp giáp khu du lịch quốc gia Mộc Châu (Sơn La), vùng quy hoạch khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Ngoài ra, Mai Châu được thiên nhiên ưu đãi với những khu rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, sông hồ tự nhiên, núi non hùng vĩ và hệ thống hang động, thác nước, xen lẫn trong đó là những nếp nhà sàn xinh xắn, tạo cảnh quan sinh động, thơ mộng, rất đỗi yên bình. Mai Châu còn là vùng đất nổi tiếng về văn hóa dân gian, lễ hội đặc sắc, ẩm thực phong phú, ngành nghề thủ công truyền thống đậm đà văn hóa dân tộc. Sự hòa đồng giữa con người và thiên nhiên... Đặc biệt, năm 2016, Mai Châu được UBND tỉnh công bố quy hoạch phát triển điểm du lịch quốc gia đến năm 2030, đây là cơ sở pháp lý, tiền đề để quản lý và tạo điều kiện mời gọi các nhà đầu tư trong nước, quốc tế đến nghiên cứu, tìm hiểu, hợp tác đầu tư. Hơn nữa việc UBND tỉnh tập trung phát triển du lịch hồ Hòa Bình, hình thành các khu, điểm và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; gắn kết các khu, điểm để hình thành tour - tuyến du lịch khám phá, nghỉ dưỡng... là điều kiện thuận lợi để Mai Châu khai thác lợi thế, tiềm năng, thu hút đầu tư phát triển KT-XH địa phương.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; sự nỗ lực của các cấp, ngành và Nhân dân các dân tộc trong toàn huyện... là những cánh cửa rộng mở để Mai Châu thu hút, mời gọi các nhà đầu tư đến với vùng đất này. Theo đồng chí Phạm Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện, định hướng phát triển KT-XH xuyên suốt của huyện giai đoạn hiện nay, hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được xác định mục tiêu đột phá là tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực tối ưu, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của huyện; đảm bảo phát triển bền vững, dài hạn trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường.
Xuất phát từ quan điểm, định hướng đó, huyện chia thành 4 vùng, gồm: vùng Tây Nam với các xã: Cun Pheo, Bao La, Xăm Khòe, Mai Hịch, tập trung phát triển rừng cây gỗ lớn, rừng sản xuất, chú trọng phát triển đại gia súc và nuôi gà thả vườn quy mô lớn, tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp...; vùng dọc quốc lộ 15 và các vùng lân cận gồm các xã: Tòng Đậu, Nà Phòn, Chiềng Châu,
Mai Hạ, Vạn Mai, thị trấn Mai Châu tập trung đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư các dự án nghỉ dưỡng cao cấp, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng; vùng lòng hồ sông Đà gồm các xã: Sơn Thủy, Tân Thành, Đồng Tân tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh; khai thác, nuôi trồng các loại cây, con đặc sản, có giá trị kinh tế cao như khoai sọ Phúc Sạn, khoai lang Ba Khan, quýt bản địa Tân Mai, gạo nếp nương đặc sản, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên sông Đà...; các xã vùng cao gồm: Hang Kia, Pà Cò, Thành Sơn tiếp tục duy trì và mở rộng các điểm du lịch cộng đồng, thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch trải nghiệm, khám phá. Đặc biệt, quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp hồ Sam Tạng và liên kết phát triển, nuôi trồng các loại cây, con đặc sản địa phương theo hướng hàng hóa...
Cũng theo đồng chí Phạm Văn Hoàn, để thực hiện định hướng, đánh thức tiềm năng, thu hút đầu tư, huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2021 - 2025, phấn đấu đưa huyện Mai Châu trở thành điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; khai thác tiềm năng, lợi thế, xây dựng huyện thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Tăng cường quảng bá du lịch; thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, các dự án khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện và bảo vệ môi trường. Quá trình thực hiện, huyện tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị cấp có thẩm quyền có cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp định hướng chung của huyện, nhất là những dự án có hàm lượng KHKT cao. "Huyện luôn cam kết và đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi "trải chiếu hoa” cho các nhà đầu tư trong việc tiếp cận, triển khai thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh, nhất là những dự án đáp ứng các yếu tố đảm bảo phát triển bền vững, dài hạn về KT-XH và môi trường” - đồng chí Phạm Văn Hoàn nhấn mạnh.
(HBĐT) - Xã Suối Hoa (Tân Lạc) có địa hình phức tạp, chủ yếu là núi đá xen kẽ đồi nên vấn đề giao thông gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, xã huy động mọi nguồn lực, từ nguồn đầu tư của Nhà nước và nội lực trong Nhân dân từng bước xây dựng mạng lưới giao thông hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
(HBĐT) - Đến cuối năm 2021, xã Yên Trị (Yên Thủy) hoàn thành 4/4 tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Từ một xã thuần nông, Yên Trị như được "khoác chiếc áo mới" với cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
(HBĐT) -Dọc trên những con đường bê tông liên thôn, xóm tại xã Đa Phúc (Yên Thủy) là những ruộng mía bạt ngàn. Nông dân hồ hởi chăm sóc đảm bảo thu hoạch đúng khung thời vụ. Trong 2 - 3 năm trở lại đây, giá mía ở mức 6.000 - 8.000 đồng/cây, thị trường tiêu thụ ổn định. Cây mía đã trở thành cây trồng mũi nhọn giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định. Trong đó, nuôi cá lồng bè trên hồ sông Đà diễn ra thuận lợi, cá phát triển tốt, các chỉ số môi trường tương đối ổn định, không có ổ dịch lớn xảy ra. Hiện, tổng diện tích nuôi cá ao, hồ toàn tỉnh đạt 2.698 ha với 4.900 lồng nuôi cá, tăng 200 lồng so với cùng kỳ.
(HBĐT) - Theo báo cáo của Cục Thống kê, trong tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.028,4 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 3,19%, so với cùng kỳ năm trước tăng 33,5%.