(HBĐT) - Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, những năm qua, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã huy động nguồn lực, tập trung cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới hạ tầng lưới điện trên địa bàn. Bên cạnh đó, công ty là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số, với nhiều dịch vụ đem lại sự tiện lợi cho khách hàng.


Những năm qua, hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển KT-XH.

Là tỉnh miền núi với địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt nên công tác đầu tư hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Sau tái lập tỉnh, hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh còn sơ sài, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện mới đạt trên 70%. Với sứ mệnh "điện phải đi trước một bước” để phát triển KT-XH, những năm qua, hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh đã và đang được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Đồng chí Nguyễn Phúc Thịnh, Giám đốc PC Hòa Bình cho biết: Để nâng cao chất lượng điện năng, những năm qua, công ty đã huy động nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng lưới điện. Trong đó, tập trung vào xây dựng đường dây trung, hạ áp và lắp đặt thêm Trạm biến áp ở các khu vực non tải, quá tải, bán kính cấp điện xa. Trong giai đoạn 2016 - 2020, công ty đã đầu tư xây dựng trên 400 công trình, với tổng số vốn trên 700 tỷ đồng; gần 200 tỷ đồng cho các dự án sửa chữa lớn, trên 200 hạng mục công trình và hàng chục tỷ đồng cho các dự án sửa chữa thường xuyên.

Hai năm trở lại đây, công tác đầu tư, xây dựng hạ tầng lưới điện tiếp tục được đẩy mạnh, với hàng trăm trạm biếp áp được cấy mới ở các khu vực có chất lượng điện áp thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Riêng trong năm 2022, công ty đã và đang triển khai các dự án đầu tư xây dựng lưới điện trung, hạ thế, với kinh phí gần 200 tỷ đồng. Với những nỗ lực đó, đến nay, 100% hộ dân ở các địa phương trong tỉnh đã có điện lưới quốc gia để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Chất lượng điện năng trên địa bàn tỉnh được nâng cao, nhiều khu vực hạ tầng lưới điện còn khó khăn nay đang từng ngày được nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng điện của người dân.

Cùng với những nỗ lực trong đầu tư, cải tạo hạ tầng lưới điện, PC Hòa Bình đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện chuyển đổi số. Đồng chí Nguyễn Phúc Thịnh, Giám đốc PC Hòa Bình cho biết, công ty phấn đấu đến hết năm 2022 cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số. Để đạt được mục tiêu đó, công ty đẩy mạnh thực hiện giải pháp chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Nổi bật như trong công tác số hóa dữ liệu, PC Hòa Bình đã hoàn thành bước 1 chuẩn hóa thông tin của khách hàng, tiếp tục triển khai hoàn thiện bước 2, gồm gắn biển nhận dạng và dán tem. Đến hết tháng 7/2022, tỷ lệ dán tem nhận diện khách hàng đạt 98%; số công tơ điện tử đạt gần 193.000, chiếm tỷ lệ 72% tổng số công tơ trên lưới.

Bên cạnh đó, công tác số hóa hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng tiếp tục được đẩy mạnh, đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Trong đó, công ty đã liên kết với các ngân hàng, đơn vị trung gian, ví điện tử để đẩy mạnh việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Với đa dạng hình thức thanh toán đã giúp khách hàng tiết kiệm thời gian đi lại, chủ động thanh toán tiền điện qua các dịch vụ trực tuyến. Đến hết tháng 7/2022, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt trên 64%, gần 23 nghìn khách hàng sử dụng dịch vụ trích nợ tự động. Ngoài ra, việc tiếp nhận dịch vụ điện bằng phương thức điện tử cấp độ 4 và qua Cổng dịch vụ công quốc gia ngày càng được chú trọng, với tỷ lệ đạt lần lượt là 99,56% và gần 57%. Hiện nay, công ty tích cực đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới và tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh.

Với những kết quả đã đạt được, PC Hòa Bình là một trong những đơn vị tiên phong của tỉnh trong thực hiện chuyển đổi số. Cùng với những nỗ lực trong đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng lưới điện, chất lượng điện năng trên địa bàn tỉnh được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh tỉnh đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển KT-XH, việc đảm bảo về chất lượng điện năng sẽ là một trong những động lực quan trọng.

Viết Đào


Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục