Gần đây, hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước treo biển tạm nghỉ, dừng bán hàng với lý do đứt gãy nguồn cung, khó khăn về tài chính. Điều này gây hoang mang dư luận, làm xáo trộn thị trường, đòi hỏi các lực lượng chức năng khẩn trương vào cuộc tìm hiểu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm ổn định thị trường.


Mức chiết khấu thấp là vấn đề đang gây khó khăn đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong duy trì hoạt động.

Theo phản ánh của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, mức chiết khấu, hoa hồng bán hàng thấp, thu không đủ chi khiến hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nếu tình trạng này không sớm được cải thiện, doanh nghiệp sẽ rơi vào thua lỗ, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

Đối diện khó khăn

Giám đốc Công ty TNHH một thành viên xăng dầu Chiến Thắng (tỉnh Yên Bái) Nguyễn Thị Sinh cho biết, hiện doanh nghiệp đang nhập khẩu xăng dầu tại kho Đức Giang (Hà Nội) với chiết khấu bằng 0 đồng/lít (thời điểm cao hơn ở mức 20 đến 70 đồng/lít), trong khi chi phí vận chuyển từ kho Đức Giang đến các đại lý trực thuộc trên địa bàn tỉnh vào khoảng 700 đồng/lít.

Trên thực tế, mức chiết khấu phải đạt từ 1.200-1.300 đồng/lít mới đủ bù đắp các khoản chi phí, giúp đơn vị duy trì hoạt động. Không chỉ mức chiết khấu, hoa hồng thấp, tình trạng cung ứng xăng dầu từ tháng 8 đến nay khan hiếm, đứt nguồn cung liên tục.

Nếu trước đây, doanh nghiệp đầu mối cấp hàng cho đơn vị theo sản lượng bình quân của ba tháng trước đó, thì hiện tại, khi nào có hàng mới cấp. Thời điểm cấp hàng nhiều nhất khoảng 27m3 xăng dầu/ngày, trong khi, nhu cầu của 5 cửa hàng và 10 đại lý thuộc hệ thống cao gấp khoảng 2,5 lần. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu hàng cục bộ, không có hàng bán, đơn vị phải chịu "áp lực kép” khi bị lực lượng Quản lý thị trường, Sở Công thương xuống kiểm tra, yêu cầu không được đóng cửa hàng và nếu đóng cửa sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh.

Do đó, việc bảo đảm đủ nguồn cung cũng như có các cơ chế, chính sách hỗ trợ rất cần thiết trong thời điểm này, nhất là nâng mức chiết khấu để doanh nghiệp đủ chi phí vận hành.

Chung quan điểm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần dầu khí Sơn Hải Nguyễn Đức Hạnh khẳng định, từ tháng 7 đến nay, mức chiết khấu cho các đơn vị bán lẻ rất thấp, dao động ở mức 50 đến 100 đồng/lít, có thời điểm chiết khấu bằng 0 đồng/lít.

Với mức chiết khấu thấp như vậy, trong khi phải "cõng” hàng loạt các khoản chi phí như tiền công lao động, bảo hiểm y tế, xã hội, chi phí vận chuyển,... lên tới 1.200-1.300 đồng/lít cho nên nhiều cửa hàng xăng dầu rơi vào tình trạng càng bán càng lỗ. Muốn "cắt lỗ”, dừng hoạt động lại bị các cơ quan chức năng kiểm tra, yêu cầu bán hàng, không được phép đóng cửa.

Để bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao, mức chiết khấu phải đạt ngưỡng 1.400 đồng đến 1.600 đồng/lít mới giúp doanh nghiệp duy trì ổn định hoạt động.

Theo tìm hiểu, do mức chiết khấu thấp, thu không đủ bù chi, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu lỗ từ 600 đến 800 triệu đồng/tháng tùy quy mô và sản lượng. Để đối phó, một số cửa hàng "bày mưu” bằng cách lấy lý do cải tạo bồn bể, bảo dưỡng, chỉnh sửa cửa hàng,... nhằm hợp thức hóa và xin dừng hoạt động theo đúng quy định. Thậm chí, không ít cửa hàng sử dụng phương thức kinh doanh mở muộn, đóng sớm hay tạm dừng bán hàng ở một số thời điểm nhất định.

Hài hòa lợi ích các bên

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, hiện liên bộ Công thương-Tài chính đang thực hiện rất tốt vai trò bảo đảm nguồn cung xăng dầu và điều hành giá xăng dầu theo hướng bảo đảm lợi ích ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các quy định hiện hành không quy định về mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước.

Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu. Thực tế cho thấy, mức chiết khấu được thỏa thuận giữa bên bán và bên mua, khi giá có xu hướng giảm thì các doanh nghiệp đầu mối và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng mức chiết khấu để đẩy lượng bán ra, khi giá tăng lên họ lại giảm mức chiết khấu.

Từ đầu năm đến nay, do thị trường thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong quý II/2022, do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối tăng mạnh lượng nhập khẩu. Sang quý III, giá xăng dầu thế giới "đảo chiều” giảm mạnh, trong khi nhiều doanh nghiệp nhập lượng xăng dầu lớn, với giá cao, dẫn đến bị thua lỗ khi giá trong nước điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới. Để tiết giảm chi phí và thiệt hại, các doanh nghiệp phải giảm mức chiết khấu cho hệ thống phân phối.

Mặt khác, từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng cao nhưng để kiểm soát lạm phát, hạn chế mức tăng của những chi phí này, Bộ Tài chính chưa công bố điều chỉnh giá cơ sở do Nhà nước điều hành. Muốn duy trì hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có mức chiết khấu cho hệ thống phân phối xăng dầu.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công thương và các đơn vị liên quan xem xét quyết định các chi phí hợp lý theo đúng quy định, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và quyền lợi của các bên liên quan.

Đánh giá về việc Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành xin ý kiến dự thảo nghị quyết của Quốc hội đề xuất giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, bao gồm cả xăng E5, E10 và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu đi-ê-den, dầu hỏa, dầu ma-dút, dầu nhờn và mỡ nhờn, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) khẳng định, việc đề xuất giảm thuế xăng dầu là cần thiết nhưng chưa đủ. Bởi khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khi mức chiết khấu, hoa hồng nhận được quá thấp, không đủ chi phí để duy trì hoạt động.

Do đó, Bộ Tài chính phải tháo gỡ bằng cách nâng chi phí kinh doanh định mức cho các thương nhân đầu mối, tính chi phí tạo nguồn từ nhà máy lọc dầu trong nước về các kho cảng xăng dầu,... Khi tính đúng, tính đủ, các doanh nghiệp đầu mối mới có cơ hội tăng thêm thù lao, chiết khấu, hoa hồng cho các đơn vị bán lẻ.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục