(HBĐT) - Đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo) trên địa bàn huyện Đà Bắc chiếm 65,54%. Điều kiện cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo, ý thức tự vươn lên thoát nghèo của một bộ phận người dân chưa cao, nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế… là những trở ngại trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.


Người dân xóm Ấm, xã Nánh Nghê (Đà Bắc) cải thiện sinh kế từ chăn nuôi lợn bản địa.

Từ thị trấn Đà Bắc đến trung tâm xã Nánh Nghê chừng hơn 3 giờ đồng hồ. Bên cạnh vấn đề giao thông khó khăn, điều kiện sống của đồng bào các dân tộc nơi đây còn nhiều vất vả. Hộ ông Bùi Văn Nguyến ở xóm Ấm có 3 người, gồm hai vợ chồng và con trai. Ông Nguyến tâm sự: Con trai hiện đang tham gia nghĩa vụ quân sự nên nhà chỉ còn hai vợ chồng. Ngoài ngôi nhà sàn cũ từ thời ông bà để lại, trong nhà không có vật dụng gì đáng giá. Vì không có đất sản xuất nên vợ chồng tôi nuôi vài con gà, hàng ngày lên rừng kiếm măng về bán, lấy rau, củi về dùng. Chính sách của Đảng, Nhà nước cũng giúp gia đình về thẻ BHYT, hỗ trợ gạo mùa giáp hạt, chăm lo dịp Tết.

Theo đồng chí Đặng Minh Tấn, Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê, đến nay, xã vẫn là một trong những địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn nhất huyện. Riêng hộ nghèo có 477 hộ với trên 1.900 nhân khẩu; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều là 57,8%, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 25 triệu đồng/năm. Tại báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022, chính quyền xã đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp từng bước tháo gỡ. Bên cạnh việc triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách chưa kịp thời, địa phương có xuất phát điểm thấp, người dân chưa chú trọng đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chưa đổi mới cách nghĩ, cách làm, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Những năm qua, nhờ các chương trình, dự án lồng ghép, đào tạo, dạy nghề và chính sách hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm, đời sống của Nhân dân trên địa bàn huyện đã cải thiện. Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Thanh Hải, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện, việc huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương còn hạn hẹp trong khi nhu cầu đòi hỏi lớn. Công tác lao động, việc làm, đảm bảo an sinh xã hội còn nhiều khó khăn. Thông qua tuyên truyền, tư vấn chính sách, trên địa bàn có 12 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2021, dự kiến có 45 người tham gia xuất khẩu lao động trong năm 2022. Việc triển khai các lớp đào tạo nghề, chuyển giao KHKT cho lao động nông thôn được đẩy mạnh. Chính sách hỗ trợ vốn vay cho người lao động được thực hiện hiệu quả. Huyện đã phối hợp tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Qua đó làm thay đổi nhận thức của người lao động về việc làm, tìm kiếm việc làm trên cơ sở năng lực, nhu cầu thị trường việc làm, tạo ra thu nhập cho bản thân và gia đình, từng bước chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt huyện Đà Bắc trong danh sách 22 huyện nghèo của cả nước được hỗ trợ thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2022-2025. Theo đó, huyện được tăng cường nguồn lực phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hoá nhằm tạo sự đột phá và động lực tăng trưởng kinh tế. Trong năm, giải pháp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, phổ biến, hướng dẫn thực hiện chương trình, dự án được quan tâm. Việc lồng ghép triển khai các dự án nhằm tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân được chú trọng. Huyện đang triển khai các mô hình tổ chức sản xuất (chủ yếu về chăn nuôi gia súc, gia cầm) theo nhóm hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX; chú trọng gắn với nhu cầu thị trường, phát huy lợi thế địa phương, sản phẩm thế mạnh và có lộ trình xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động gắn với doanh nghiệp, thị trường lao động và giải quyết việc làm bền vững.

Bùi Minh


Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục