Theo Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là sản xuất theo nguyên tắc bảo đảm hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất. Tại Việt Nam, bộ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041 về nông nghiệp hữu cơ cũng nêu rõ, đó là hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. Tuy nhiên, để áp dụng và triển khai đầy đủ các nguyên tắc, yêu cầu này còn rất gian nan đối với nền nông nghiệp Việt Nam.


Trang trại chăn nuôi bò theo hướng hữu cơ tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh VƯƠNG NGUYỄN)

Tính đến năm 2021, tại Việt Nam, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt hơn 61.000ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100.000ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12.000ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm. Số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ hơn 17.000 đơn vị, 555 nhà chế biến và 60 nhà xuất khẩu.

Khó đầu vào, bí đầu ra

Một trong những điều kiện quan trọng đầu tiên của sản xuất nông nghiệp hữu cơ là nguồn đất, nguồn nước, vật tư nông nghiệp đầu vào (phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thảo mộc, chế phẩm sinh học…), thì hiện nay các yếu tố này tại Việt Nam đều đang thiếu. Nguyên nhân là một số vùng sản xuất đã trải qua thời gian dài áp dụng phương pháp canh tác thâm canh dựa vào hóa học nên đất trồng, nguồn nước, hệ sinh thái bị suy giảm chất lượng.

Đối với danh mục vật tư đầu vào vừa thiếu, vừa chưa có hướng dẫn cụ thể về chủng loại được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ nên gây khó khăn, lúng túng cho người sản xuất và tổ chức chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Điều này được chứng thực tại nhiều địa phương.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai Cao Tiến Sỹ, nhận định: Hiện, các loại rau, cây trồng là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn trong chăn nuôi hữu cơ. Tuy nhiên, do đặc điểm thổ nhưỡng cùng với việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu và hóa chất trong quá trình canh tác nông nghiệp trước đây đã làm nhiều vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau, dẫn đến việc chuyển đổi, xác định vùng chăn nuôi hữu cơ, vùng nguyên liệu phục vụ đầu vào cho sản xuất chăn nuôi hữu cơ gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, áp lực đô thị hóa và tốc độ phát triển công nghiệp cũng ảnh hưởng đến vùng sản xuất hữu cơ khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ không có điều kiện bố trí các khu vực sản xuất theo tiêu chuẩn. Hiện chưa có nguồn giống vật nuôi, nguyên liệu đầu vào được chứng nhận hữu cơ nên cần có thời gian chuyển đổi giống và nguyên liệu đầu vào phù hợp.

Tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, năm 2022 đã triển khai chương trình định hướng nông dân chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ với diện tích 200ha trên các loại cây trồng. Ông Võ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tháp Mười cho biết: Cái khó trong sản xuất hữu cơ hiện nay là nguồn đất, nguồn nước phải đáp ứng theo quy định về giới hạn kim loại nặng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Khu vực sản xuất hữu cơ phải được khoanh vùng, phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ.

Tuy nhiên, phần lớn diện tích canh tác của các hộ nông dân nhỏ lẻ, manh mún nên việc tập trung đất cho sản xuất hữu cơ, quy mô hóa vùng sản xuất, quy hoạch vùng trồng theo đúng yêu cầu còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ chưa nhiều nên trong những năm đầu, việc kiểm soát dịch hại chưa đạt hiệu quả như mong muốn, đặc biệt là những vùng thâm canh 2 vụ, 3 vụ lúa/năm.

Trong khi đó, để đạt được chứng nhận hữu cơ quốc tế như USDA (Mỹ), EU Organic (Liên minh châu Âu) hoặc JAS (Nhật Bản) thì thách thức còn lớn hơn nữa đối với nông nghiệp Việt Nam. Theo thông tin từ nhiều doanh nghiệp, các mẫu đất, mẫu nước, mẫu phân bón hữu cơ và tất cả các yếu tố đầu vào của nông nghiệp hữu cơ đều được tổ chức đánh giá kiểm tra một cách gắt gao.

Cụ thể, đất đạt tiêu chuẩn hữu cơ phải là đất hoang hoặc đất đã không canh tác 2 năm trở lên hoặc đất đang canh tác thì phải có thời gian chuyển đổi ít nhất 3 năm hoàn toàn không sử dụng hóa chất. Thậm chí, thời gian yêu cầu có thể phải dài hơn tùy thuộc vào giống cây trồng ngắn ngày hay cây lâu năm.

Bên cạnh đầu vào thì đầu ra nông sản hữu cơ dù số lượng còn ít nhưng cũng vấp phải vô vàn trở ngại. Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước chưa phát triển, chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu, tiêu thụ tập trung tại các kênh phân phối hiện đại và phục vụ thị phần nhỏ khách hàng trung và cao cấp.

Trong khi đó, trên thị trường còn có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa sản phẩm hữu cơ có chứng nhận và sản phẩm "hữu cơ tự xưng" (sản phẩm không có chứng nhận nhưng được ghi trên bao bì, nhãn mác là sản phẩm hữu cơ) khiến người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng nữa là giá thành sản phẩm hữu cơ còn cao nên chưa thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước.

Vướng chính sách, thiếu tài chính và nhân lực

Theo Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Phạm Văn Duy, hiện nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Mặt khác, do nông nghiệp hữu cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến thiên tai, dịch bệnh và thị trường nên vẫn còn thiếu các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Lâm Viên - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinamit chia sẻ: Khi triển khai dự án sản xuất hữu cơ, chi phí đầu tư được ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đây là một thách thức về tài chính đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Thực tế, một trang trại hữu cơ 150ha tại Vinamit đã được công ty đầu tư hơn 200 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, chưa tính đến các chi phí đầu tư khác và hiện vẫn đang tiếp tục được đầu tư.

Còn đối với nông dân, dù sản xuất hữu cơ trên đơn vị diện tích nhỏ thì thời gian cũng thường kéo dài hơn so với thông thường, trong khi năng suất, sản lượng thấp hơn so với sản xuất truyền thống nên nguồn thu nhập có nguy cơ giảm, khiến họ không đủ tiềm lực tài chính để duy trì và tái đầu tư.

Bên cạnh nguồn tài chính là vấn đề nhân lực. Hiện, công tác tập huấn và bồi dưỡng về nông nghiệp hữu cơ chưa được triển khai đồng bộ tại các địa phương. Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật chuyên về nông nghiệp hữu cơ còn rất hạn chế khiến việc tìm kiếm như "mò kim đáy bể". Chưa kể, lực lượng lao động là công nhân cũng chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về vấn đề thực hành hữu cơ tại trang trại.

Trong khi đó, mặc dù hệ thống chính sách về phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam bước đầu được hình thành để từng bước chuyển đổi nhận thức và điều chỉnh tổ chức sản xuất nhưng còn phân tán ở nhiều văn bản khác nhau và chưa đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các cơ chế hỗ trợ chưa đủ mạnh và thiếu các cơ chế đặc thù để hiện thực hóa chính sách nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển sản xuất hữu cơ.

Về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Nông nghiệp Hải Âu (Seagull ADC) Trần Phong Lan nhìn nhận: Tại Việt Nam, tháng 12/2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành bộ Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ 10 TCN 602-2006 nhưng phải đến năm 2018 thì mới hoàn thành ban hành bộ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041 về nông nghiệp hữu cơ, làm cơ sở cho việc chứng nhận hữu cơ của Việt Nam. Ngày 29/8/2018, Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ được ban hành. Qua các mốc thời gian này cho chúng ta thấy việc nhận thức về sự cần thiết thay đổi từ canh tác vô cơ sang canh tác hữu cơ cho đến thực hành ở tầm vóc chiến lược quốc gia có độ trễ đáng kể.


Theo Báo Nhân Dân


Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục