(HBĐT) - Thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh những tháng vừa qua rơi vào cảnh đìu hiu, nhiều trung tâm môi giới BĐS đóng cửa. Nhân viên môi giới nhiều người đã phải tìm công việc mới. Nhiều nhà đầu tư đến thời kỳ cắt lỗ cũng không xong trong khi vẫn phải "còng lưng” trả lãi ngân hàng.


Căn VIP nghỉ dưỡng cuối tuần với nhiều tiện ích tại xã Cư Yên (Lương Sơn) được rao bán trên các trang mạng với giá cắt lỗ gần 2 tỷ đồng, chỉ còn trên 3 tỷ đồng.

Từ nửa cuối năm 2022, thị trường BĐS trên cả nước trải qua một số nốt trầm và gam màu tối. Trên địa bàn tỉnh cũng không ngoại lệ với việc giao dịch nhà đất giảm khá mạnh. Thanh khoản trên thị trường chậm lại, nhiều nhà đầu tư lướt sóng dùng đòn bẩy tài chính cao phải đối mặt với rủi ro rất lớn.

Qua khảo sát trên địa bàn huyện Kim Bôi, trong nửa đầu năm 2022, thị trường BĐS vẫn nhộn nhịp, nhiều trung tâm môi giới mọc lên, hoạt động hết "công suất”. Tuy vậy, đến thời điểm này, nhiều trung tâm đã phải đóng cửa bởi nhu cầu mua đất giảm đột ngột, thậm chí không ai ngó ngàng. 

Theo anh Đạt, một môi giới trên địa bàn TP Hòa Bình, người thường xuyên dẫn khách ngoại tỉnh về Hoà Bình mua đất trang trại, đất thổ cư cho biết, tình cảnh ảm đạm của thị trường BĐS không riêng ở huyện Kim Bôi mà ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, ở tất cả các phân khúc nhà ở dân cư, đất nền, biệt thự, shophouse, trang trại, đất rừng... 

Anh Đạt còn cho hay, ngay cả TP Hoà Bình và huyện Lương Sơn là những điểm nóng về thị trường BĐS 1 - 2 năm qua, hiện trên các trang mạng mua bán nhà đất các địa phương trên có khá nhiều người đăng bán nhưng rất ít người quan tâm. Thanh khoản trên thị trường BĐS nhìn chung có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt so với giai đoạn sốt đất nửa cuối năm 2021 đến giữa  năm 2022.

Nhiều nhân viên môi giới cho biết, thời điểm này nhiều người muốn bán đất, bán nhà nhưng không có người mua. Lý do được cho là thời gian qua ngân hàng kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào lĩnh vực BĐS nên khiến nguồn vốn bị tắc nghẽn. Thêm nữa, sau một thời gian giá BĐS được đẩy lên quá cao, có khu vực từ vài chục triệu đồng/ha đất rừng được nâng lên cả tỷ đồng đến vài tỷ đồng/ha chỉ sau 1 - 2 năm khiến cho nhiều người không dám đầu tư nữa. Cùng với đó, ngoài kinh tế ngày càng khó khăn hơn trước, lãi suất tiết kiệm được các ngân hàng đẩy lên cao nên người dân không mặn mà với việc đầu cơ nhà đất, dẫn đến thanh khoản sụt giảm mạnh.

Theo các chuyên gia, chu kỳ của thị trường BĐS thường được biết tới với 4 giai đoạn, gồm phục hồi - sốt nóng - hạ nhiệt - đóng băng. Tuy vậy, với những chính sách sửa đổi Luật Đất đai, đánh thuế đất bỏ không, BĐS thứ 2… thì chưa biết đến bao giờ thị trường BĐS phục hồi, đây cũng là câu hỏi chưa có lời giải đáp bởi những chính sách về BĐS hiện mới trong giai đoạn thảo luận. 

Trên các kênh thông tin không ít chuyên gia đã nhận định và đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường BĐS. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự ảm đạm của thị trường nhà đất chưa có dấu hiệu được cải thiện. Thậm chí, kịch bản về việc thị trường BĐS dự báo còn khó khăn kéo dài trong vài năm tới đang được thấy rõ, khiến không ít nhà đầu cơ lẫn đầu tư lâm vào cảnh hoang mang. Đặc biệt với những người dùng đòn bẩy tài chính ngân hàng quá lớn mấy tháng qua như đang "ngồi trên đống lửa”. 

Trên thực tế, sau cơn sốt đất thời gian qua, sức tiêu thụ đất nền tại hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh có dấu hiệu giảm mạnh. Hiện khá nhiều người còn bám trụ và cố gắng chờ đợi, hy vọng khó khăn sớm qua đi. Tuy nhiên, hiện tượng "cắt lỗ” bắt đầu xuất hiện bởi những nhà đầu tư không chịu nổi "nhiệt” từ lãi suất ngân hàng.

Theo giám đốc một công ty BĐS trên địa bàn tỉnh cho hay, hiện nay, dòng tiền dễ nhằm kích cầu BĐS không còn. Với các nhà đầu tư kỳ cựu tránh được trạng thái "đu đỉnh” vừa qua hiện có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và thận trọng hơn, đồng thời nghe ngóng những chính sách mới sắp được ban hành liên quan đến thị trường BĐS. Chính vì vậy, các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt là các nhà đầu tư thứ cấp vay ngân hàng với tỷ trọng đầu tư lớn cần nhanh chóng cơ cấu lại dòng tiền, đặt an toàn lên hàng đầu.

Còn theo các chuyên gia, BĐS Việt Nam là thị trường năng động, về dài hạn, thị trường BĐS nói chung trên cả nước vẫn có tiềm năng và dư địa phát triển mạnh mẽ. Mặc dù vậy, nếu tình trạng lãi suất tiết kiệm ở mức cao tiếp tục kéo dài, dòng vốn không được tháo gỡ, thị trường BĐS có thể sẽ trải qua một giai đoạn đóng băng dài, có khả năng gây đổ vỡ, thậm chí đối với cả doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực BĐS chứ chưa nói đến nhà đầu tư cá nhân dùng đòn bẩy tài chính cao. 

Trước mắt, theo dự báo với tình hình hiện nay, đối với các nhà đầu tư thứ cấp và ngay cả những nhà đầu cơ chuyên nghiệp, thời gian qua nếu dùng đòn bẩy tài chính cao đến nay vẫn chưa "thoát” được BĐS sẽ phải trả giá đắt trong thời gian tới.

Hồng Trung


Các tin khác


Duy trì sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản

Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 20,26 tỷ USD.

Người dân xã Đa Phúc ấm no từ trồng mía

(HBĐT) -Dọc trên những con đường bê tông liên thôn, xóm tại xã Đa Phúc (Yên Thủy) là những ruộng mía bạt ngàn. Nông dân hồ hởi chăm sóc đảm bảo thu hoạch đúng khung thời vụ. Trong 2 - 3 năm trở lại đây, giá mía ở mức 6.000 - 8.000 đồng/cây, thị trường tiêu thụ ổn định. Cây mía đã trở thành cây trồng mũi nhọn giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 6,14 nghìn tấn

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định. Trong đó, nuôi cá lồng bè trên hồ sông Đà diễn ra thuận lợi, cá phát triển tốt, các chỉ số môi trường tương đối ổn định, không có ổ dịch lớn xảy ra. Hiện, tổng diện tích nuôi cá ao, hồ toàn tỉnh đạt 2.698 ha với 4.900 lồng nuôi cá, tăng 200 lồng so với cùng kỳ.

Tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.028,4 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo báo cáo của Cục Thống kê, trong tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.028,4 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 3,19%, so với cùng kỳ năm trước tăng 33,5%.

Nhận diện rào cản trong hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện chỉ số PCI

(HBĐT) - Khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) thời gian qua rất rõ ràng, điều này trực tiếp phản ánh qua tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh trong quý I/2023 ước đạt 3,88%. Đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hòa Bình. Nhận diện sớm và kịp thời đưa ra các giải pháp đồng bộ, thiết thực là nhiệm vụ cấp bách của tỉnh. 

Nâng cao trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công

Để chấn chỉnh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Thực tế cho thấy, nơi nào lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực vào cuộc thì việc triển khai các dự án vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục