Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng bằng sự đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, Ðảng bộ chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Và Hòa Bình đang quyết tâm phấn đấu trở thành tỉnh trung bình của cả nước.



Một góc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Bằng nhiều quyết tâm và nỗ lực, năm 2022 tỉnh Hòa Bình có 19/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết của Ðảng bộ tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm. Tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,03%; GRDP bình quân đầu người đạt 66,7 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 6.410 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Ðặc biệt, từ năm 2021 đến nay, lần lượt các loại nông sản: cam, bưởi, nhãn, mía của Hòa Bình đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). Ðó là sự nỗ lực của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh suốt thời gian qua.

Phát huy tiềm năng và lợi thế

Các hoạt động kích cầu du lịch trong năm 2022 được đẩy mạnh, tổng khách du lịch hơn 3,1 triệu lượt, tăng 98,5% so với năm 2021; chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn từng bước phát triển, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 59,54%; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt hơn 90%; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%, còn 12,99%; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội.

Với những lợi thế đặc trưng về khí hậu và địa lý, tỉnh Hòa Bình đã và đang phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững. Sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ; gắn kết chặt chẽ công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu. Ðẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm chủ lực. Hòa Bình đã ổn định diện tích canh tác các loại nông sản có thế mạnh của tỉnh được đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm có thương hiệu trên thị trường cả nước biết đến như: cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc, cá sông Ðà, gà Lạc Sơn, lợn bản địa…

Mục tiêu phát triển công nghiệp thật sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả để thúc đẩy phát triển dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp. Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tám khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.500ha; bổ sung thêm với khu công nghiệp mới với diện tích hơn 1.260ha và 21 cụm công nghiệp với diện tích hơn 800ha.

Ðồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, tỉnh đang tập trung phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”. Hiện, tỉnh còn lưu giữ được số lượng di sản văn hóa các dân tộc phong phú, đa dạng: Với 786 di sản văn hóa phi vật thể (tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian); hơn 18 nghìn hiện vật có giá trị là minh chứng của nền "Văn hóa Hòa Bình”… đã được khôi phục, bảo tồn và phát huy, gìn giữ giá trị bản sắc truyền thống; góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân và thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Ðó chính là nét đặc sắc, đặc trưng riêng có của tỉnh Hòa Bình.

Ðến nay, tỉnh Hòa Bình đã được công nhận bốn Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là: Mo Mường; nghệ thuật trình diễn chiêng Mường; Lịch Ðoi (Lịch tre) và Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình. Ðặc biệt, Mo Mường đang được tỉnh hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Cùng với văn hóa, tỉnh cũng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh. Với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực trung du và miền núi phía bắc.

"Hiện nay, tỉnh hiện có một số khu, điểm du lịch đã và đang cần đầu tư khai thác, như: Khu du lịch nước khoáng Kim Bôi, Bảo Hiệu Yên Thủy; Khu du lịch tâm linh Chùa Tiên Lạc Thủy, Ðền Bờ, Ðộng Thác Bờ hồ Hòa Bình; Khu du lịch văn hóa Bản Lác Mai Châu, Bản Giang Mỗ Bình Thanh Cao Phong; Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn-Ngổ Luông; Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh, Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia-Pà Cò… đặc biệt là Khu du lịch hồ Hòa Bình đã được quy hoạch là một trong 12 khu du lịch quốc gia trong khu vực...”, đồng chí Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.

"Phá rào” trong thu hút đầu tư

Hòa Bình đang quyết liệt chỉ đạo các dự án, công trình trọng điểm: Ðường cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình, đường từ thị trấn Xuân Mai đi thị trấn Lương Sơn; đường cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu (Sơn La); dự án kết nối hạ tầng giao thông thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia; dự án khu vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ, tại xã Cuối Hạ (Kim Bôi); dự án hồ Khả, Ðồi Thung, xã Quý Hòa (Lạc Sơn); dự án cáp treo Hương Bình…

Với tiềm năng và triển vọng của Hòa Bình đang có, tỉnh cũng quyết tâm tháo gỡ cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh chia sẻ, ngoài các chính sách ưu đãi chung, Hòa Bình còn có một số cơ chế, chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm đầu, giảm 50% trong chín năm tiếp theo; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn giảm thuế xuất, nhập khẩu... Tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định số 210/2013/NÐ-CP của Chính phủ, chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, chế biến các mặt hàng nông sản thực phẩm.

Trong thương mại, dịch vụ, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa; thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch quốc gia, các khu, điểm và kết nối tuyến du lịch... Ðối với các thủ tục đầu tư, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư; thời gian giải quyết đang được rút ngắn, đáng chú ý là kể từ ngày nộp hồ sơ đề xuất đầu tư dự án hợp lệ, doanh nghiệp sẽ nhận được chấp thuận chủ trương đầu tư đúng với cam kết.

Với mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, Hòa Bình luôn mở rộng cánh cửa chào đón các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế tạo, chế biến, thương mại, dịch vụ và du lịch… Các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và bảo đảm phát triển bền vững trong tương lai.


Theo NhanDan.com.vn


Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục