Bắt nhịp cùng xu thế phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) của nhiều tỉnh, thành phố, từ tháng 9/2023, tuyến phố đi bộ Đà Giang thuộc địa bàn 2 phường Phương Lâm, Đồng Tiến (TP Hòa Bình) đã đi vào hoạt động vào tối thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần. Đây là mô hình KTBĐ đầu tiên tại TP Hòa Bình, được kỳ vọng dần trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế mới của thành phố; giúp gia tăng hoạt động kinh tế nhờ tận dụng tối đa thời gian, nâng cao hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất, phát huy giá trị văn hóa và đặc biệt kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.


Phố đi bộ trở thành điểm hẹn văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực thu hút người dân, du khách tới trải nghiệm, khám phá.

Các gian hàng lưu niệm, đồ chơi tại phố đi bộ thu hút sự chú ý của "khách hàng nhí".

Các sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm OCOP được bày bán tại phố đi bộ.

Mới mẻ và thu hút

Tiếng nhạc rộn ràng, ánh đèn nhiều màu sắc phản chiếu xuống dòng sông Đà lung linh như một bức tranh; hàng quán tấp nập; người dân hào hứng cùng nhau nhảy múa theo điệu nhạc ngay trên đường phố... là cảm nhận của nhiều du khách cũng như người dân địa phương khi đến tham quan, trải nghiệm tại phố đi bộ Đà Giang mỗi tối cuối tuần. Đây là lần đầu tiên trong lòng thành phố bên sông Đà hình thành tuyến phố đi bộ tập trung các dịch vụ ẩm thực, vui chơi, trình diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống, các chương trình nghệ thuật đường phố sôi động kết hợp với các điểm trưng bày, mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, dịch vụ ẩm thực bằng các xe lưu động. Dọc tuyến phố, nhiều cơ sở, hộ kinh doanh được chỉnh trang, thu hút đông du khách.

Lập gia đình và xa quê hương Hòa Bình đã lâu, thành phố bên sông Đà với chị Nguyễn Thùy Linh, quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) là một thành phố bình yên, tĩnh lặng vào ban đêm. Chị Linh chia sẻ: Khi biết TP Hòa Bình vận hành phố đi bộ, tôi rất phấn khích. Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, tôi cùng gia đình về quê để trải nghiệm các hoạt động tại phố đi bộ. Thật sự choáng ngợp trước không khí tấp nập nơi đây. Tôi không nghĩ có nhiều người đến phố đi bộ đến vậy. Chúng tôi đã hòa vào dòng người đông đúc và rảo bước dưới con phố rực rỡ ánh đèn, tiếng nhạc sôi động và được thưởng thức các điệu múa đậm bản sắc dân tộc, những món ăn ngon bên dòng sông êm đềm. Phố đi bộ đang là xu thế phát triển tại nhiều tỉnh, thành, nhưng ở TP Hòa Bình, con phố vẫn giữ được nét riêng với không gian trình diễn nghệ thuật, văn hóa dân tộc đặc sắc, những gian hàng trưng bày các sản phẩm, mặt hàng nông sản, dược liệu, thủ công mỹ nghệ... đặc trưng của các địa phương trong tỉnh. Thật tự hào vì nơi mình sinh ra và lớn lên ngày một giàu đẹp, phát triển hơn.  

Không chỉ thu hút du khách tới tham quan, mua sắm, trải nghiệm, phố đi bộ Đà Giang cũng tạo sự hào hứng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhà hàng trên địa bàn khi mang lại cơ hội quảng bá hình ảnh về ẩm thực, sản phẩm nông sản, hàng hóa, đặc sản các vùng miền. Dọc tuyến phố, những hàng quán san sát với thực đơn phong phú từ món ăn đến đồ uống. Đặc biệt, một số nguyên liệu để chế biến món ăn được chủ các nhà hàng nhập trực tiếp từ những cơ sở sản xuất, khai thác uy tín tại các địa phương trong tỉnh như: cá tầm, cá trắm, cá chép, cá ngạnh... được nuôi tại lòng hồ thuộc khu vực huyện Đà Bắc, TP Hòa Bình; gà đồi của huyện Lạc Sơn; lợn bản địa của huyện Đà Bắc, Mai Châu; dê của huyện Lạc Thủy...

Nhà hàng Tám Nổ đã hoạt động trên đường Đà Giang, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) gần 10 năm nay. Từ khi phố đi bộ được vận hành, lượng khách đến nhà hàng vào cuối tuần cũng đông hơn. Anh Nguyễn Mạnh Toàn, chủ nhà hàng cho biết: "Nhà hàng may mắn khi vị trí nằm cạnh không gian trình diễn nghệ thuật truyền thống của phố đi bộ. Khách hàng khi đến đây vừa được thưởng thức ẩm thực, vừa có thể theo dõi các tiết mục nghệ thuật dân tộc được trình diễn trên sân khấu, không khí trong nhà hàng cũng nhờ đó trở nên sôi động hơn. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch phục vụ khách hàng, chúng tôi lựa chọn mua thực phẩm tận gốc tại các cơ sở chăn nuôi, sản xuất uy tín. Ngoài ra, xây dựng thêm trang trại chăn nuôi bê và lợn để có nguồn cung thực phẩm ổn định. Với tôi, phố đi bộ được hình thành đã góp phần thu hút nhiều người dân, du khách đến trải nghiệm, điều này cũng thúc đẩy phát triển kinh doanh dịch vụ của không ít cơ sở đang hoạt động trên đường đê Đà Giang”.

Đầu tư, tạo điểm nhấn cho đô thị

Thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg, ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển KTBĐ ở Việt Nam; Công văn số 2299/UBND-TCTM, ngày 28/12/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện mô hình phát triển KTBĐ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND thành phố đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển KTBĐ TP Hòa Bình tại Quyết định số 1966/QĐ-UBND, ngày 9/9/2022. Theo đó, Đề án KTBĐ bắt đầu từ đầu đường Hòa Bình (Chi cục Thủy lợi) đi dọc đường đê Đà Giang, điểm cuối cầu Hòa Bình 2, thuộc địa bàn 2 phường Phương Lâm, Đồng Tiến. 

Để tạo cảnh quan, UBND thành phố đã phê duyệt dự án đầu tư công trình chỉnh trang tuyến đường đê Đà Giang. Với tổng kinh phí 13.481 triệu đồng, thành phố đã xây dựng chỉnh trang đô thị, điện chiếu sáng, lắp đặt hệ thống camera, loa phát thanh, wifi miễn phí, cải tạo một số công trình phục vụ cho hoạt động của phố đi bộ. UBND 2 phường kêu gọi, vận động nhân dân lắp đặt điện trang trí, chỉnh trang môi trường trên tuyến phố và các ngõ ngang kết nối với phố để tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; chấp hành nghiêm các quy định về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại lễ khai trương phố đi bộ Đà Giang, đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Việc đưa vào vận hành tuyến phố đi bộ sẽ là sản phẩm du lịch mới, có sức hấp dẫn thu hút khách du lịch, tạo không gian, môi trường phát triển các hoạt động, các loại hình văn hóa - nghệ thuật - thương mại - dịch vụ, ẩm thực, đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của khách du lịch và người dân Hoà Bình; góp phần quảng bá giá trị văn hoá truyền thống, lịch sử, con người Hoà Bình, tạo bước đột phá trong tổ chức thực hiện Chương trình phát triển du lịch Hoà Bình mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã đề ra.

Với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, chương trình đặc sắc, ấn tượng, hàng tuần, phố đi bộ Đà Giang thu hút đông đảo người dân, du khách tham dự, trong đó có cả du khách các tỉnh lân cận và khách du lịch quốc tế. Đã có hơn 100 hộ đăng ký gian hàng trưng bày và bán sản phẩm trên phố đi bộ. Phố đi bộ Đà Giang trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân và là điểm đến của thành phố, tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách; là nơi giao lưu văn hóa các địa phương trong tỉnh và các khu vực lân cận, góp phần phát triển KT-XH, nhất là thúc đẩy phát triển các ngành du lịch, dịch vụ của TP Hòa Bình.


Nguyễn Hằng

Các tin khác


Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Kiểm tra tiến độ dự án đường liên kết vùng

Sáng 4/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). 

Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục