Với quyết tâm và tinh thần đoàn kết, Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã được các tổ chức cơ sở Đảng và đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Đà Bắc cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt, tạo nên bước chuyển đáng ghi nhận trên địa bàn.


Khai thác lợi thế vùng lòng hồ Hoà Bình, người dân xã Hiền Lương (Đà Bắc) đầu tư nuôi cá lồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Diện mạo mới nơi xã nghèo  Nánh Nghê

Tính từ trung tâm huyện, Nánh Nghê là xã xa nhất, cũng là địa bàn khó khăn nhất của huyện Đà Bắc. Nhiều năm qua, việc nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách với các xã trên địa bàn luôn là vấn đề lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm. Cụ thể hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, NQĐH Đảng bộ xã lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển chăn nuôi gia súc và cây lâm nghiệp là hướng đi chính. 

Qua khảo sát, đánh giá cho thấy, Nánh Nghê có điều kiện tự nhiên phù hợp để nuôi dê núi. Cùng với sự đồng thuận cao của người dân, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã triển khai mô hình nuôi dê núi sinh sản theo hướng hàng hóa cho hộ nghèo, cận nghèo; phấn đấu đến năm 2025 có sản phẩm đặc sản dê núi. 

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Bùi Văn Huế, ở xóm Mọc - một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình. Chuồng nuôi dê được gia đình bố trí cao ráo, sạch sẽ. Do thời tiết nhiều ngày có mưa nên 30 con dê đang trong giai đoạn phát triển được anh nhốt tại chuồng để tránh mắc các bệnh về đường ruột do ăn phải lá cây, cỏ đọng nước, sương. Anh Huế chia sẻ: Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, gia đình được Nhà nước hỗ trợ 9 triệu đồng. Toàn bộ số tiền được gia đình mua 4 con dê núi sinh sản. Từ 4 con dê ban đầu, đến nay đã phát triển thành đàn lên trên 30 con. Mỗi năm, đàn dê đem lại nguồn thu ổn định từ 25 - 30 triệu đồng. Có thể nói nuôi dê núi đá đã giúp gia đình tôi thoát nghèo và có nguồn thu nhập ổn định trang trải cuộc sống. 

Bên cạnh phát triển đàn dê, xã Nánh Nghê vận động nhân dân chú trọng phát triển lâm nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn đã trồng một số loại cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương như: trẩu, quế, bồ đề, xoan… đem lại thu nhập ổn định. 

Đến Nánh Nghê thời điểm này cảm nhận rõ sự thay đổi của vùng đất vốn được xem là "nghèo bền vững”. Đường tỉnh 433 qua địa bàn được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương. Những ngôi nhà khang trang mọc lên nhiều hơn. Xã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng như cơ sở vật chất văn hóa, đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống điện…, được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo của xã trên 61%, nay giảm xuống dưới 50% với thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 30 triệu đồng. 

"Dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng việc thực hiện NQĐH Đảng các cấp đã đem lại chuyển động tích cực. Hiện người dân Nánh Nghê đã mạnh dạn tham gia các mô hình mới để nâng cao thu nhập; tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước đã được xóa bỏ; cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần chủ động vươn lên”- đồng chí Đặng Minh Tấn, Chủ tịch UBND xã nhận định. 

Khơi dậy khát vọng phát triển

NQĐH Đảng bộ huyện Đà Bắc lần thứ XXV đề ra mục tiêu đưa KT-XH huyện phát triển bền vững theo hướng nông nghiệp, dịch vụ. Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đề ra, Đảng bộ huyện chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng thoát nghèo, nâng cao vai trò chủ thể của nhân dân, phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Theo đó, huyện chú trọng chuyển sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang thâm canh, sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế về diện tích đất lâm nghiệp và diện tích mặt nước rộng lớn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. 

Trên lĩnh vực chăn nuôi, huyện chỉ đạo đẩy mạnh phát triển mô hình trang trại, gia trại theo hướng tạo thành hàng hóa. Hiện đã có nhiều mô hình chuyển đổi chăn nuôi trâu, bò, dê theo hướng gia trại tập trung với số lượng đàn lớn, như gia đình ông Lường Văn Sương ở xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum có đàn bò 100 con; ông Triệu Văn Đồng ở xóm Mạ, xã Tú Lý; ông Lý Văn Thanh ở xóm Lăm, xã Đoàn Kết có đàn trâu, bò xấp xỉ 30 con… 

Nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao thông qua khai thác những ưu thế về mặt nước tại lòng hồ Hòa Bình. Năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 143 ha với trên 2.060 lồng cá; sản lượng ước đạt trên 1.480 tấn. Số lồng cá phát triển nhiều tại Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong, Đồng Ruộng.

Bên cạnh đó, huyện Đà Bắc chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Các xã: Mường Chiềng, Cao Sơn, Đoàn Kết, Yên Hòa, Trung Thành, Đồng Chum... đẩy mạnh đưa cây gai xanh, cây lâm nghiệp, cây ăn quả thay thế cây ngô, góp phần giảm chi phí và nâng cao thu nhập cho người dân.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chỉ đạo từng bước đầu tư hạ tầng phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, cộng đồng, như tôn tạo điểm du lịch đền Thác Bờ; khuyến khích mô hình du lịch cộng đồng tại các xã ven hồ, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Hết năm 2023, huyện Đà Bắc có 30 cơ sở lưu trú với 18 homestay, 11 nhà nghỉ, 1 khách sạn 2 sao. Tổng số khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ước đạt 170.100 lượt; doanh thu ước đạt 80 tỷ đồng.

Theo đồng chí Bùi Văn Luyến, Bí thư Huyện ủy Đà Bắc: Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, kinh tế trên địa bàn huyện tăng trưởng, chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất ước đạt 10,38%/năm, bằng 69,2% chỉ tiêu NQĐH. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29,5 triệu đồng (năm 2020) lên 40 triệu đồng (năm 2023), bằng 80% chỉ tiêu NQĐH... Kết quả này là cơ sở, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện khơi dậy khát vọng phát triển, tiếp tục quyết tâm thực hiện thắng lợi NQĐH Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Minh Vũ

Các tin khác


Bảo vệ cây trồng vụ xuân trước thời tiết diễn biến cực đoan

Theo dự báo, thời điểm giao mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các đối tượng, dịch bệnh phát sinh, gây hại trên cây trồng. Để bảo vệ diện tích lúa và cây trồng vụ xuân, ngành nông nghiệp và các đơn vị chuyên môn tích cực rà soát các địa bàn có nguy cơ xảy ra thiên tai ảnh hưởng tới sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền, đồng hành với nông dân, bám sát đồng ruộng để kịp thời kiểm soát sâu, bệnh gây hại, xử lý và khắc phục các tổn thất khi có tình huống xảy ra.

Xuất khẩu giày dép khởi sắc, nhưng vẫn đối mặt nhiều nỗi lo

Đơn hàng xuất khẩu giày dép đang dần hồi phục, tuy nhiên, ngành xuất khẩu đứng thứ 2 kim ngạch thế giới của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Sáng 6/5, giá vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng

Sáng 6/5, trong khi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC vượt mốc 86 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra thì các công ty vàng bạc khác giá vàng cũng gần chạm mốc này.

Xã Xuân Thủy dồn sức về đích nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi hoàn thành được 12/19 tiêu chí. Trong năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nghèo đa chiều, lao động việc làm, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng - an ninh.

Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục